"Hệ quả của những nỗ lực ngăn chặn tình trạng khẩn cấp sức khỏe có thể là gần như toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ tê liệt trong vòng 2 đến 6 tháng tới. Điều này có khả năng dẫn đến sự sụp đổ về nhu cầu trong nhiều hoạt động kinh doanh ở giai đoạn này", Bloomberg dẫn lời ông Hamish Douglass, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của Tập đoàn Magellan Financial, nhận định.
"Chúng ta không thể biết kết quả trong giai đoạn này vì chưa nhìn thấy quy mô và hiệu quả của các động thái tài chính và tiền tệ mà các chính phủ và ngân hàng trung ương có thể đưa ra. Phản ứng tài chính tối thiểu cần thiết là chưa từng có và có khả năng bằng 20-30% GDP toàn cầu", ông bình luận.
Nền kinh tế toàn cầu có thể cần đến gói hỗ trợ 26.000 tỷ USD. Ảnh: Getty Images. |
30% GDP toàn cầu bằng khoảng 26.000 tỷ USD, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi năm ngoái. Con số này lớn hơn quy mô thị trường Trái phiếu Kho bạc Mỹ (17.000 tỷ USD vào cuối tháng 2).
Theo ông Douglass, nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường mới nổi, có thể không đủ nguồn lực. Nhưng những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức có đủ khả năng đối phó.
Theo dữ liệu của Bloomberg, quỹ đầu tư chính của Magellan trị giá 7,1 tỷ USD. Quỹ là nhà đầu tư lớn thứ tư của Starbucks và là một trong số 20 nhà đầu tư lớn nhất của Tập đoàn Alibaba.
"Chúng tôi hy vọng các chính trị gia và ngân hàng trung ương sẽ hành động kịp thời và đủ nguồn lực để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế", Chủ tịch Magellan Financial nói thêm.