Ảnh hưởng của dịch virus corona chủng mới (bùng lên từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) khiến hàng loạt ngành công nghiệp từ thương mại, hàng không đến du lịch chao đảo, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu sụt giảm mạnh.
Chính phủ các nước đang chạy đua với thời gian để giải cứu nền kinh tế bị dịch bủa vây. Theo Quartz, nhà kinh tế Kenneth Rogoff thuộc Đại học Havard nhận định chỉ riêng nước Mỹ đã cần gói kích thích 750 tỷ USD trong "giai đoạn một".
Cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Rogoff nhấn mạnh các khách sạn, nhà hàng, hãng hàng không và doanh nghiệp nhỏ đều cần cứu trợ để sống sót qua dịch. Những đối tượng thu nhập thấp cần được hỗ trợ đầu tiên.
Theo ông, châu Âu và Mỹ cần chi ít nhất 1.000 tỷ USD mỗi bên để hỗ trợ nền kinh tế. "Các chính phủ phải có phản ứng quy mô lớn", nhà kinh tế Rogoff nhấn mạnh.
Ông Trump cho biết đang xem xét gói cứu trợ 1.000 tỷ USD. Ảnh: New York Post. |
Mỹ có thể chuyển 1.000 USD cho mỗi người dân
Theo CNBC, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét đề xuất gói cứu trợ có quy mô từ 850 đến hơn 1.000 tỷ USD để kích thích nền kinh tế. Trong đó, 250 tỷ USD tiền mặt sẽ được trao trực tiếp cho người dân.
Điều đó có nghĩa là mỗi người Mỹ trưởng thành - ngoại trừ các triệu phú và tỷ phú USD - có thể nhận 1.000 USD tiền mặt. "Người dân Mỹ đang cần tiền mặt, và tổng thống muốn chuyển tiền mặt cho họ trong vòng 2 tuần tới", Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định.
Ông cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp có thể vọt lên 20% nếu Quốc hội không sớm thông qua gói cứu trợ. Thậm chí một nhóm nghị sĩ Dân chủ đề xuất chuyển 4.500 USD đến tận tay từng người Mỹ trưởng thành. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ đã gia hạn thời gian nộp thuế cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp.
Dù vậy, nghị sĩ Tom Udall nhấn mạnh gói giải cứu phải tập trung hỗ trợ cho người lao động phổ thông và gia đình họ, thay vì các tập đoàn lớn cùng CEO và các cổ đông.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã cắt giảm lãi suất chuẩn xuống mức gần bằng 0.
Anh: "Sẽ làm tất cả"
Theo CNBC, ngày 18/3 chính phủ Anh công bố hàng loạt biện pháp tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp kháng cự tác động của dịch Covid-19. Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết chính quyền sẽ chi 330 tỷ bảng (tương đương 398 tỷ USD).
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ công ăn việc làm, thu nhập của người lao động và các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể", ông Sunak khẳng định.
Bộ trưởng Sunak cho biết các doanh nghiệp nhỏ sẽ nhận khoản tiền mặt lên tới 25.000 bảng (30.000 USD) để chèo chống qua dịch bệnh. Người vay tiền mua nhà sẽ được hoãn trả lãi trong vòng 3 tháng.
Australia hỗ trợ tiền mặt cho người có thu nhập thấp
Theo Guardian, ngày 12/3, chính phủ Australia công bố gói cứu trợ trị giá 17,6 tỷ AUD (10,4 tỷ USD). Theo đó, 6,5 triệu người có thu nhập thấp sẽ nhận hỗ trợ 750 AUD (459 USD)/người.
Nhóm này bao gồm người hưởng lương hưu, người sống nhờ trợ cấp chính phủ và các hộ gia đình có trẻ nhỏ. Tổng chi tiền mặt lên đến 4.76 AUD (2,82 tỷ USD). Phần còn lại sẽ dành cho các doanh nghiệp, bao gồm tiền mặt, hỗ trợ trả lương...
Ngày 16/3, nguồn tin Reuters cho biết chính quyền Canberra đang xem xét thông qua gói cứu trợ thứ hai do thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng tại Anh. Chính phủ nước này khẳng định sẽ làm tất cả để hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh: Reuters. |
Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore giải cứu doanh nghiệp
Chính phủ Nhật Bản vừa công bố gói hỗ trợ kinh tế 4 tỷ USD, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một ngân hàng chính phủ sẽ cung cấp các khoản vay không lãi suất cho những công ty nhỏ có doanh thu sụt giảm vì dịch bệnh.
Một số nguồn tin cho biết chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang xem xét hỗ trợ tiền mặt 12.000 yen (111 USD) cho từng hộ gia đình để kích thích tiêu dùng.
Thủ tướng Abe sẽ thành lập một ủy ban gồm các bộ trưởng chủ chốt và thống đốc Ngân hàng Nhật Bản để thảo luận các biện pháp kích thích kế tiếp. Một số nghị sĩ đề xuất Tokyo chi 280 tỷ USD cho gói giảm thuế và chi tiêu, và ông Abe đã cam kết sẽ xem xét đề xuất này.
Cũng ở châu Á, cuối tháng 2 chính quyền đặc khu Hong Kong thông báo mỗi cư dân trên 18 tuổi sẽ nhận hơn 1.200 USD. Trong khi đó, Singapore thông qua gói giải cứu 4 tỷ USD, tập trung hỗ trợ y tế doanh nghiệp, hộ gia đình và người lao động có thu nhập thấp.
Một chủ trương lớn là bảo vệ người lao động trước nguy cơ mất việc làm hoặc bị giảm lương. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat cũng cam kết hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 25%.
Cũng ở châu Á, Hàn Quốc sớm công bố gói kích thích 9,59 tỷ USD từ dầu tháng 3. Khoảng 1,89 tỷ USD được phân bổ cho các tổ chức y tế, 2,46 tỷ USD được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho người lao động.
Tương tự, Thái Lan cũng mạnh tay giải cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động có thu nhập thấp thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 12,7 tỷ USD. Tuy nhiên, chính phủ nước này không hỗ trợ tiền mặt cho người thu nhập thấp.
Chính phủ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe xem xét hỗ trợ tiền mặt cho người dân. Ảnh: Reuters. |
Châu Âu chi mạnh tay
Hiện, châu Âu là tâm chấn mới của dịch Covid-19. Ngoài Anh, các quốc gia như Đức, Italy và Pháp cũng đều đang chạy đua với thời gian để bảo vệ nền kinh tế. Chính phủ Đức vừa cam kết chi 550 tỷ euro (608 tỷ USD) để giải cứu kinh tế.
Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier cho biết ngân hàng nhà nước KfW sẽ cho các công ty vay vốn để sống sót qua dịch bệnh và chặn mọi tác động đối với đời sống của người lao động.
Trong khi đó, Italy phê duyệt gói giải cứu trị giá 25 tỷ euro (28 tỷ USD) để hỗ trợ hệ thống y tế, giúp doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với tác động của dịch bệnh. Chính phủ nâng mức hỗ trợ thất nghiệp, giảm thuế và lãi vay. Các ngân hàng cũng ngừng thu lãi vay mua nhà.
Tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire công bố gói cứu trợ trị giá 45 tỷ euro (49.42 tỷ USD) cho các doanh nghiệp nhỏ và những ngành công nghiệp bị thiệt hại nặng nề vì dịch virus corona.
“Chúng tôi sẽ bảo lãnh các khoản vay ngân hàng của doanh nghiệp lên đến 300 tỷ euro”, ông nói thêm. Gói kích thích bao gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ cấp các doanh nghiệp nhỏ khi hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ.