"Kể từ khi Ant Group phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) của Trung Quốc đã nằm trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý", bà Angela Huyue Zhang, Giám đốc Trung tâm Luật Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, viết trên Nikkei Asian Review.
Cuối tháng 1/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đề xuất quy định mới đối với các tổ chức thanh toán phi ngân hàng. Dự thảo đe dọa phá vỡ mô hình kinh doanh sinh lời cao của những nền tảng thanh toán kỹ thuật số lớn.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn gặp phải những hạn chế đáng kể khi đối đầu với Ant và các tập đoàn lớn khác.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gặp phải những hạn chế về quyền lực khi cố gắng kiểm soát Ant và các công ty công nghệ tài chính lớn khác. Ảnh: Reuters. |
Các nhà băng bất bình
Ant trở thành công ty hàng đầu thế giới ở lĩnh vực fintech trong vỏn vẹn 6 năm. Công ty tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập thông qua Alipay - nền tảng thanh toán di động lớn nhất Trung Quốc. Nhờ vào đó, Ant có thể cung cấp nhiều dịch vụ tài chính trực tuyến mới.
Chẳng hạn, công ty hợp tác với khoảng 100 nhà băng, cung cấp những khoản vay vi mô cho hàng triệu người tiêu dùng Trung Quốc và doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh sinh lời cao của Ant dẫn đến những xung đột. Theo bản cáo bạch IPO, 98% khoản vay từ nền tảng của Ant được ngân hàng bảo lãnh. Ant tính phí dịch vụ công nghệ cho các nhà băng sử dụng nền tảng của công ty. Tuy nhiên, hãng vẫn hưởng đến 40% lợi nhuận từ việc cho vay.
Về bản chất, các ngân hàng cung cấp gần như tất cả khoản vay và chịu rủi ro vỡ nợ, trong khi Ant thu về phần lớn lợi nhuận. Điều này khiến nhiều nhà băng bất bình.
Ant tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ để cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tài chính trực tuyến mới. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, các ngân hàng tư nhân của Trung Quốc yếu thế hơn trong thỏa thuận với Ant - công ty đứng đầu thị trường trong lĩnh vực kinh doanh tín dụng tiêu dùng trực tuyến.
Mối quan hệ giữa Ant và hệ thống ngân hàng Trung Quốc có nhiều điểm chung với căng thẳng của Amazon và các nhà cung cấp. Amazon liên tục bị chỉ trích là lạm dụng thế độc quyền, bóp nghẹt lợi nhuận của nhà cung cấp và hủy hoại tính cạnh tranh trên thị trường.
Căng thẳng buộc các ngân hàng ở Trung Quốc phải tìm đến PBOC để bảo vệ lợi ích.
Theo tuyên bố hôm 20/1 của PBOC, bất cứ công ty thanh toán phi ngân hàng nào chiếm thị phần 50% trên thị trường giao dịch trực tuyến, hoặc sở hữu hai pháp nhân với tổng thị phần 2/3, đều có thể bị điều tra độc quyền.
Một khi các công ty bị xác định độc quyền, ngân hàng trung ương sẽ đề nghị nội các áp đặt những biện pháp hạn chế. Một trong số đó là chia tách pháp nhân theo loại hình kinh doanh.
Quyền lực hạn chế
"PBOC có thể siết chặt các quy định tài chính, nhưng cơ quan này vẫn gặp phải những hạn chế đáng kể", bà Angela Huyue Zhang bình luận. Nguyên nhân là quyền lực bị phân tán trong bộ máy hành chính của Trung Quốc.
Theo bà Zhang, PBOC có quyền thiết lập các chính sách tiền tệ và soạn thảo quy định về vĩ mô. Tuy nhiên, việc thi hành luật chống độc quyền thuộc về Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR).
Những hạn chế của PBOC bị phơi bày sau khi Alibaba Group Holding và Tencent Holdings từ chối giao dữ liệu tín dụng cho Baihang, một công ty chấm điểm tín dụng tư nhân được PBOC thành lập.
Hồi tháng 7/2020, PBOC đã thúc giục cơ quan chống độc quyền Trung Quốc điều tra về việc Alipay và WeChat Pay lạm dụng vị thế thống trị thị trường. Cho đến nay, SAMR vẫn chưa phản hồi.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể siết chặt các quy định tài chính, nhưng cơ quan này vẫn gặp phải những hạn chế đáng kể
Bà Angela Huyue Zhang
Sau đó, PBOC coi chiến dịch siết chặt kiểm soát Big Tech (các công ty công nghệ lớn) mới đây của Trung Quốc là cơ hội tuyệt vời để tạo áp lực lên SAMR. Nhưng đến nay, vẫn chưa rõ liệu cơ quan chống độc quyền Trung Quốc có sẵn sàng hợp tác với cơ quan quản lý ngân hàng hay không.
Theo bà Angela Huyue Zhang, lợi ích của SAMR không hoàn toàn trùng khớp với PBOC. SAMR là một cơ quan quản lý thị trường. Và họ cần xem xét tác động của các quy định đối với toàn bộ nền kinh tế, thay vì chỉ một lĩnh vực cụ thể.
"Mọi quyết định được đưa ra đều tạo một tiền lệ không chính thức, có thể hạn chế những quyết định khác trong tương lai", bà Zhang giải thích.
Thêm vào đó, một số đề xuất của PBOC, chẳng hạn chia tách doanh nghiệp, vượt ra khỏi khuôn khổ quy định chống độc quyền hiện có. Trên thực tế, Luật Chống độc quyền của Trung Quốc thậm chí không yêu cầu chia tách một doanh nghiệp lạm dụng thế độc quyền.
Theo bà Zhang, các dự thảo quy tắc của PBOC chỉ hoàn toàn mang tính hướng dẫn.
Do đó, cơ quan chống độc quyền của Bắc Kinh vẫn hành động khá cẩn trọng. Thậm chí, trong quy định chống độc quyền đối với các nền tảng Internet, SAMR đã loại bỏ một điều khoản gây tranh cãi liên quan đến dữ liệu. Đáng nói, nếu không bị loại bỏ, điều khoản này có thể đặt những công ty như Ant và Tencent vào thế bất lợi.