Khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, anh Lê Trung, du học sinh bậc thạc sĩ tại Anh, chỉ nhận được thông tin rằng trung tâm tiếp nhận hồ sơ thị thực VFS Global - một đối tác của Cục Quản lý Thị thực và Xuất nhập cảnh Anh - tại thành phố cũng đóng cửa.
Sau đó, anh không nhận được thông tin nào mới từ trung tâm cũng như Đại sứ quán Anh tại Việt Nam. "Tôi rất bị động trong việc sắp xếp kế hoạch sắp tới", Lê Trung nói với Zing.
Một số du học sinh khác nói họ cảm thấy hoang mang và lo lắng. “Hai tuần nay tôi mất ngủ. Tôi đã chuẩn bị tinh thần văn phòng VFS không hoạt động bình thường trở lại như trước đây. Tôi đang trao đổi với trường để giải quyết vấn đề của mình”, chị Janie Dương, du học sinh hệ thạc sĩ tại Anh, nói.
Hôm 26/8, trung tâm VFS Global thông báo chính thức mở cửa trở lại từ 30/8. Theo đó, đơn vị tại Hà Nội sẽ mở cửa 3 ngày trong tuần với thời lượng ngắn nhằm đảm bảo yêu cầu giãn cách. Hôm 27/8, cơ quan tại thành phố Hồ Chí Minh thông báo sẽ mở duy nhất một ngày trong tuần.
Tuy nhiên, số lượng hồ sơ mới được tiếp nhận không thể đáp ứng đủ nhu cầu của số người có nhu cầu đến Anh, bao gồm các du học sinh.
Thông báo chính thức về việc nộp hồ sơ thị thực đi Anh tại văn phòng VFS. Ảnh: UK in Vietnam. |
Bất ngờ mở đăng ký vào đêm muộn
Việc đơn vị tiếp nhận hồ sơ mở trang đăng ký cho người có nhu cầu xin visa vào thời điểm đêm muộn khiến nhiều người bức xúc.
“Văn phòng VFS chỉ thông báo sẽ mở website để người có nhu cầu đến Anh hẹn lịch. Tuy nhiên, họ không thông báo giờ nào sẽ mở. Tôi nghĩ họ sẽ mở vào giờ hành chính. Nhưng 23h hôm 26/8, website chính thức được mở ra", Hà Phương, một du học sinh khác cho hay.
Hà Phương nhấn mạnh chính sách mập mờ này gây bất lợi rất nhiều, "vì không phải ai cũng thức đến nửa đêm hoặc ngồi canh máy tính suốt. Tôi vào trễ 30 phút và không kịp đăng ký”.
Việc mở trang đăng ký mà không báo trước, kèm theo số lượng suất đăng ký ít khiến nhiều du học sinh không kịp đặt lịch hẹn làm thủ tục thị thực. Một số sinh viên hy vọng VFS sẽ mở thêm thời gian để các bạn có thể đặt lịch hẹn.
“Việc bạn đặt được lịch hẹn lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào may mắn", Lê Trung nói.
Phạm Hà Phương sẽ nhập học tại Đại học Durham, Anh. Tuy nhiên, Phương vẫn chưa nộp được hồ sơ xin thị thực để nhập cảnh. Ảnh: NVCC. |
"Tôi học được bài học từ các bạn ở Hà Nội rằng phải liên tục kiểm tra cổng đăng ký. Khi có thông báo trung tâm ở TP.HCM mở lại, tôi và bạn bè thấp thỏm. Những bạn không đặt được thì phải chờ cả đêm để xem trung tâm có mở thêm suất đăng ký nào nữa không”, Trung cho biết thêm.
Việc hoàn thiện hồ sơ thị thực gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của một số sinh viên, bởi việc không kịp đến Anh sẽ gây ra rào cản cho quá trình học tập.
“Trường tôi hỗ trợ cho sinh viên học online. Tôi phải đến trường trước tháng 4. Nếu học online, tôi sẽ phải học lệch múi giờ. Tôi mới vào năm nhất nên không quen bạn bè và thầy cô. Nhưng tôi thấy mình còn may mắn vì có thể học online. Nhiều trường bây giờ không cho học online nữa bởi điều đó giảm hiệu quả học tập”, Hà Phương nói.
Đầu năm 2020, đại dịch bùng lên mạnh mẽ tại nước Anh. Nhiều du học sinh phải trở về Việt Nam. Từ thời điểm đó, nhiều bạn đã xin tạm ngừng việc học một năm với mong muốn được quay trở lại trường năm 2021. Tuy nhiên, nếu năm nay không được cấp visa kịp thời để đi học lại, điều đó đồng nghĩa một số du học sinh phải nghỉ học 2 năm liền.
Nhiều chi phí phát sinh khi tình hình dịch căng thẳng
Theo trang web của Chính phủ Anh, khi nộp hồ sơ thị thực, mỗi người cần phải nộp 470 bảng Anh là phí bảo hiểm cho một năm ở Anh và 348 bảng Anh là phí làm visa cho sinh viên (một bảng Anh khoảng 31.800 đồng). Khoản phí này được nộp cho Cục Quản lý Thị thực và Xuất Nhập cảnh Anh.
Người muốn xin thị thực có thể thanh toán online hoặc nộp trực tiếp khi đến văn phòng VFS. Nếu họ bỏ ngang quy trình để ở nhà học online, điều đó đồng nghĩa hồ sơ xin thị thực chưa hoàn thiện. Lúc này, họ phải chờ đến 6 tuần để được nhận lại số tiền đã nộp.
Một số du học sinh chần chừ việc đăng ký nộp hồ sơ cho VFS lúc này. Họ không chắc chắn việc có thể qua Anh đúng thời gian nhập học. Sau khi đăng ký làm visa, nếu hủy, họ mất thời gian chờ đợi để nhận lại gần 850 bảng Anh.
Anh chia ra 3 nhóm vùng nhằm kiểm soát người nước ngoài: vùng xanh (các quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp), vùng vàng (các quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 trung bình), và vùng đỏ (các quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao).
Hiện tại, từ Việt Nam đến Anh, một người được yêu cầu cách ly 10 ngày tại nhà. Theo trang chính thức của chính phủ Anh, người đến từ vùng đỏ sẽ buộc phải cách ly tại khách sạn 10 ngày với chi phí hơn 2.000 bảng Anh.
“Trong thời gian tới, nếu diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, Việt Nam có thể rơi vào vùng đỏ đối với Anh. Chi phí lại đội lên cao hơn vì phải trả thêm một khoản phí cách ly 10 ngày tại khách sạn”, Lê Trung lo lắng.
Lê Trung hy vọng có thể kịp nhập học tại Đại học Glasgow, Anh vào mùa thu năm nay. Ảnh: University of Glasgow. |
Mong mỏi cải thiện quy trình cấp thị thực
Anh Lê Trung hy vọng các bên liên quan có thể tìm ra giải pháp mới để giải quyết lượng hồ sơ lớn của du học sinh.
“Đại dịch đã thúc đẩy quá trình đổi mới của nhiều ngành. Nếu cứ tiếp tục chờ đợi đại dịch kết thúc, tương lai của các du học sinh sẽ không biết đi về đâu. Vậy nên tôi cho rằng quy trình đối với các cơ quan tiếp nhận thị thực cũng cần đổi mới để thích nghi với bối cảnh đại dịch”, Trung nói.
Hôm 27/8, thông báo chính thức của văn phòng VFS tại Việt Nam cho biết Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ du học sinh bằng việc cung cấp thư giải thích lý do nhập học muộn.
Trả lời Zing, đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết các bên liên quan đang nỗ lực để trợ giúp các bạn du học sinh Việt Nam.
“Giáo dục là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, và chúng tôi mong muốn tiếp tục chào đón và hỗ trợ các sinh viên Việt Nam đến Vương quốc Anh trong năm nay", đại diện Đại sứ quán Anh trả lời email của Zing.
Nhiều du học sinh khẩn thiết kêu gọi Đại sứ quán Anh và các bên liên quan nhanh chóng tìm ra giải pháp hỗ trợ sinh viên quay trở lại xứ sở sương mù học tập.
“Tôi hiểu dịch bệnh khó khăn. Nhưng tôi cho rằng việc đi học cũng là điều thiết yếu”, Hoàng Uyên, du học sinh hệ thạc sĩ tại Anh, nói.