Ẩn mình trên các tầng thấp của một tòa nhà buồn tẻ bên cạnh văn phòng thủ tướng, trụ sở của ban thư ký NSC Nhật Bản không mấy hoành tráng so với văn phòng của NSC Mỹ - vốn tọa lạc tại tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower tráng lệ cạnh Nhà Trắng.
Dẫu vậy, vẻ ngoài của văn phòng không phản ánh tầm ảnh hưởng của đơn vị này đối với việc hoạch định chính sách của Nhật Bản trong thập kỷ kể từ khi nó được thành lập năm 2013.
Tháng tới, lập trường địa chính trị mà hội đồng đã giúp định hình sẽ được thể hiện khi Thủ tướng Fumio Kishida chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.
Theo nguồn tin thân cận, 110 người làm việc cho ban thư ký là những quan chức sáng giá nhất từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Lực lượng Phòng vệ và gần đây là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.
Một cuộc cách mạng
Ông Tetsuro Kuroe là lãnh đạo ban thư ký của bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2013, khi chính quyền của Thủ tướng khi đó là Shinzo Abe bắt đầu thành lập ban thư ký của NSC.
"Văn phòng thủ tướng đã yêu cầu tôi cử những người giỏi nhất của mình đến ban thư ký mới. Một số đồng nghiệp của tôi lo ngại rằng hoạt động của Bộ sẽ bị ảnh hưởng nếu chúng tôi cử những người có năng lực nhất của mình đi, nhưng chúng tôi vẫn không lùi bước", ông nhớ lại.
Điều quan trọng, các nhân viên của ban thư ký đã được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược mà không bị ràng buộc bởi “nỗi ám ảnh” của Nhật Bản về tính trung lập địa chính trị sau Thế chiến II.
Nobushige Takamizawa, cựu Phó tổng thư ký của NSC, nhận định việc thành lập hội đồng này giúp định hình quan điểm trong chính phủ về tình hình an ninh quốc tế và khu vực, bao gồm cả những thách thức lớn do Trung Quốc đặt ra.
“Điều đó mang tính cách mạng vì việc chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm giữa các nhà lãnh đạo cho phép Nhật Bản có một đánh giá toàn diện, từ đó đặt nền tảng tốt cho việc trao đổi quan điểm với Mỹ và các quốc gia có cùng chí hướng”, ông chia sẻ thêm.
Takeo Akiba, Tổng thư ký Ban An ninh Quốc gia Nhật Bản Takeo Akiba (phải) gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Nhà Trắng vào tháng 5/2022. Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản ở Washington, D.C. |
NSC được thành lập sau khi một số sự cố khiến căng thẳng với Trung Quốc bùng lên. Năm 2010, Bắc Kinh đã dừng tất cả cuộc trao đổi cấp nội các với Tokyo về vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc và tàu cảnh sát biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Quần đảo Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) hay Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản) trên biển Hoa Đông đã là vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ hai nước trong nhiều năm.
Trong thập kỷ kể từ khi NSC được thành lập, vị thế của Nhật Bản trên thế giới dường như đã trở nên đậm nét hơn nhiều.
"Trong nhiều năm, người dân Nhật Bản nghĩ rằng con đường dẫn đến hòa bình là trung lập. Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng rằng hòa bình sẽ không được thiết lập bởi Nhật Bản tự cam kết trung lập bằng tay không. Hòa bình đến từ việc nhìn thẳng vào cán cân quyền lực khu vực và tạo ra sự răn đe”, một quan chức cấp cao giấu tên của ban thư ký chia sẻ.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7, ông Kishida sẽ chủ trì các cuộc thảo luận về cách bảo vệ trật tự quốc tế tự do, cởi mở và ổn định, đồng thời chống lại các tác nhân không tuân thủ hệ thống dựa trên luật lệ.
Một chủ đề trong chương trình nghị sự sẽ là làm thế nào để “vô hiệu hóa” tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với các quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn và nghèo hơn.
Từng được coi là người ôn hòa với Trung Quốc hơn người tiền nhiệm Abe, ông Kishida đã khiến Washington bất ngờ với các chính sách của mình. Đặc biệt, ông đã tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Nhật Bản “thổi phồng căng thẳng trong khu vực để tìm kiếm những bước đột phá quân sự”.
Chiến lược an ninh quốc gia và hai tài liệu quốc phòng đi kèm mà chính quyền ông Kishida công bố vào tháng 12/2022 đã làm rõ bạn bè và đối thủ của Nhật Bản.
Đối với Trung Quốc, chiến lược khẳng định cả hai nước “đều có trách nhiệm quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực và cộng đồng quốc tế".
"Nhật Bản sẽ xây dựng 'mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định' với Trung Quốc thông qua liên lạc ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó Nhật Bản khẳng định lập trường của mình và kêu gọi các hành động có trách nhiệm”, chiến lược nhấn mạnh.
Củng cố liên minh Nhật - Mỹ
Nhiệm vụ hàng ngày của ban thư ký bao gồm thu thập thông tin, xem xét thông tin tình báo và chuẩn bị các lựa chọn chính sách cho các bộ trưởng trong NSC.
Các thành viên chủ chốt của hội đồng gồm thủ tướng, chánh văn phòng nội các, cùng bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng.
Nobukatsu Kanehara, Phó tổng thư ký trong những ngày đầu, cho biết một lợi ích rõ ràng là việc thành lập hội đồng này đã mở ra các kênh liên lạc trực tiếp với Nhà Trắng.
Trước đó, Lầu Năm Góc vẫn thảo luận với Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong khi Bộ Ngoại giao hai nước thảo luận với nhau, nhưng không ai thảo luận với thành viên NSC của Nhà Trắng.
“Điều quan trọng là nắm bắt chính xác những gì đang xảy ra ở Nhà Trắng và củng cố liên minh Nhật - Mỹ”, Shigeru Kitamura, cựu Tổng thư ký NSC Nhật Bản, nói.
Trong khi NSC và ban thư ký của hội đồng này đã đưa Mỹ - Nhật xích lại gần nhau hơn, cơ quan này lại dựa trên mô hình của Anh.
Năm 2013, Đại sứ quán Anh tại Tokyo đã đề nghị giới thiệu với Nhật Bản về NSC của họ. Một phái đoàn gồm bốn thành viên, trong đó có Ryoichi Oriki, cựu sĩ quan hàng đầu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đã dành 5 ngày ở London.
Lực lượng Mỹ và Nhật chuẩn bị cho một cuộc tập trận chung. Ảnh: Kyodo. |
“Chúng tôi biết rằng điều quan trọng là NSC phải là cơ quan ra quyết định, không chỉ là nơi thảo luận hay phối hợp. Thật vô nghĩa khi đi đến kết luận tại NSC, sau đó lại phải đến Bộ Tài chính trình bày một lần nữa để có được tài trợ. Đây nên là nơi đưa ra tiếng nói cuối cùng”, ông Oriki nói.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chia sẻ vào thời của ông, hoàn toàn có thể chắc chắn về việc tổng thống Mỹ sẽ gọi cho ai đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng.
"Đó là thủ tướng Anh", ông nói. Dẫu vậy, điều đó hiện đã trở nên không chắc chắn, ông chia sẻ.
Trớ trêu thay cho Anh, quốc gia đã hướng dẫn Nhật Bản về cách xây dựng NSC, cuộc gọi đầu tiên từ một tổng thống Mỹ giờ đây có thể dành cho ông Kishida.
Những cuốn sách để hiểu thêm về Nhật Bản
Zing giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về đất nước Nhật Bản - một cường quốc hàng đầu châu Á và được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.
Độc giả có thể đọc thêm tại đây.