Hai tuần trước (ngày 1/3), YEG - cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1, vẫn đứng vị trí số một về thị giá trên thị trường chứng khoán Việt. Với 245.000 đồng/cổ phiếu, thị giá của YEG khi đó thậm chí còn xếp trên SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn với mức 242.000 đồng.
Trong khi SAB đã tăng lên mức giá 252.000 đồng (ngày 15/3) và là cổ phiếu có giá cao nhất thị trường thì YEG lại đang “ngụp lặn” trong 10 phiên giảm sàn liên tiếp.
Với mức giá giao dịch chỉ còn 118.800 đồng/cổ phiếu, YEG hiện còn không lọt nổi top 10 thị giá cổ phiếu cao nhất.
Chỉ sau 2 tuần, YEG trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất trên thị trường hiện nay. Ước tính, YEG đã giảm 126.200 đồng trên mỗi cổ phiếu, tương đương gần 52% thị giá chỉ trong thời gian ngắn. Vốn hóa công ty này chỉ còn hơn 3.700 tỷ đồng, trong khi trước đó lên tới hơn 7.660 tỷ đồng.
YEG vẫn trong tình trạng "trắng bên mua" dù lực bán lên tới hơn 7% vốn cổ phần đang niêm yết. Nguồn: HSC. |
Giảm sàn 10 phiên liên tiếp, nhưng lượng dư bán cổ phiếu này vẫn ở mức rất lớn, lên tới hơn 2,24 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 7% vốn cổ phần niêm yết. Trong khi đó, lực mua vào rất hạn chế. Phiên giao dịch sáng nay mới chỉ trên 16.500 cổ phiếu khớp lệnh.
Lượng dư bán tại giá sàn lên tới hơn 7% vốn cổ phần niêm yết cũng cho thấy tâm lý tiêu cực từ giới đầu tư cá nhân với YEG. Bởi phần lớn vốn cổ phần YEG đều nằm trong tay các lãnh đạo và cổ đông tổ chức, nên toàn bộ hơn 7% cổ phần đang bị bán tháo này đều là sở hữu của các cổ đông nhỏ lẻ.
Phiên giảm sàn thứ 10 liên tiếp này đồng nghĩa với việc Yeah1 cũng sẽ phải giải trình biến động bất thường của cổ phiếu theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến YEG giảm sàn 10 phiên liên tiếp đã được công bố từ trước đó. Đầu tháng 3, Yeah1 cho biết đã nhận được thông tin từ YouTube về việc chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) đối với các công ty liên quan có hoạt động kinh doanh tới mảng YouTube Adsense của Yeah1 bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Nguồn: VNDirect. |
YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube, vi phạm nghiêm trọng và lặp lại.
Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Yeah1.
Yeah1 sau đó đã làm việc với YouTube nhưng không có thông tin nào về kết quả của quá trình đàm phán, dù trước đó doanh nghiệp hẹn sẽ thông tin vào ngày 11/3. Nguồn tin cho biết Yeah1 đã thất bại trong đàm phán tiếp tục hợp tác với YouTube.
Đến sáng ngày 14/3, danh sách kênh thuộc network chỉ còn hơn 600 kênh, giảm gần 1.000 kênh so với thời điểm đầu tháng 3, theo số liệu trên trang thống kê Kedoo. Điều này cho thấy các kênh hoặc đã bị đá khỏi hệ thống Yeah1 Network, hoặc đã được "chuyển nhượng" sang network mới.
Doanh nghiệp này cũng phải bán lại khoản đầu tư tại ScaleLab (mạng đa kênh có trụ sở tại Mỹ) cho các chủ sở hữu cũ chỉ sau 2 tháng rót tiền để thu hồi khoản đầu tư 12 triệu USD, với lý do bảo toàn lợi ích.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng tuyên bố mua vào cổ phiếu với số lượng lớn. Tuy nhiên, những động thái nhằm cứu vãn tình hình vẫn không giúp cổ phiếu YEG dứt đà giảm sàn trong 2 tuần vừa qua.