Mở cửa phiên giao dịch 14/3, cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 tiếp tục rơi vào trạng thái giảm sàn khi chỉ còn giao dịch ở mức giá 127.700 đồng/cổ phiếu.
Tính từ đầu tháng 3 đến nay, sau 9 phiên giảm sàn liên tiếp, YEG đã mất 117.300 đồng trên mỗi cổ phiếu, tương đương với gần 48% thị giá. Vốn hóa công ty này cũng đã giảm về mức chỉ còn xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, giảm 3.700 tỷ đồng so với chỉ hai tuần trước đó.
Đáng chú ý, tình trạng bán tháo tiếp tục diễn ra trong phiên hôm nay khi có tới 2,23 triệu cổ phiếu YEG đang bị giới đầu tư rao bán ở giá sàn. Trong khi cả phiên sáng mới có hơn 12.000 cổ phiếu khớp lệnh giao dịch.
Với mức cổ phiếu dư bán ở giá sàn lên tới hơn 7% vốn cổ phần niêm yết, trong khi lực mua không đủ mạnh, đà giảm sàn của Yeah1 chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong nhiều phiên tới.
Chia sẻ với Zing.vn về trường hợp cổ phiếu YEG, một chuyên gia phân tích của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết mô hình hoạt động kinh doanh của Yeah1 còn khá mới tại Việt Nam khiến nhiều nhà đầu tư không hiểu rõ. Bên cạnh đó, định giá của cổ phiếu này ngay từ khi niêm yết đã "quá cao" nên rất khó để biết được cổ phiếu này sẽ giảm về đâu.
Một chuyên gia của công ty chứng khoán cho rằng trong vòng một tháng tới, sẽ có gần 1 triệu cổ phiếu đăng ký mua (bao gồm 600.000 cổ phiếu quỹ) từ các lãnh đạo, cổ đông và nội bộ doanh nghiệp được khớp lệnh. Khi đó, nhà đầu tư trên thị trường sẽ có cảm nhận rõ hơn về giá trị nội tại tối thiểu từ những người trong cuộc tại Yeah1.
Theo quy định, cổ phiếu tăng trần/giảm sàn 10 phiên liên tiếp bắt buộc phải giải trình với các Sở giao dịch chứng khoán về diễn biến bất thường của cổ phiếu.
Thực tế với một cổ phiếu tăng trần 10 phiên liên tiếp thì giá ở phiên tăng thứ 10 sẽ gấp tới 1,97 lần nếu niêm yết trên HOSE, hoặc 2,59 lần nếu niêm yết trên HNX so với phiên đầu tiên của chuỗi tăng.
Ngược lại, cổ phiếu giảm sàn liên tiếp 10 phiên, thị giá cổ phiếu niêm yết trên HOSE sẽ chỉ còn 48%, nếu niêm yết trên HNX thì chỉ còn 35%.
Thực tế, đa phần các cổ phiếu trước khi giảm sâu thường có nhiều phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, trường hợp của Yeah1 lại đến từ một thông tin liên quan tới YouTube, nền tảng chia sẻ video mà tập đoàn này đang hoạt động kinh doanh chính.
Cụ thể, xuất phát từ việc YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Tập đoàn Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Mạng chia sẻ video này đã quyết định chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) từ ngày 31/3 đối với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Yeah1.
Trong đó, 3 công ty thuộc Yeah1 chịu liên đới trong sự cố lần này bao gồm SpringMe Pte. Ltd.; Yeah1 Network Pte Ltd; và ScaleLab LLC.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Yeah1, mảng kinh doanh YouTube AdSense chỉ đóng góp khoảng 1 triệu USD cho tập đoàn trong năm vừa qua, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó các hoạt động kinh doanh khác vẫn duy trì ổn định theo kế hoạch và không bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
Tuy nhiên, mới đây, Yeah1 cũng đã phải bán lại toàn bộ 100% vốn tại ScaleLab cho các chủ cũ nhằm thu hồi lại khoản đầu tư 12 triệu USD đã rót vào đây chỉ 2 tháng trước.
Động thái này được cho rằng sẽ giúp ScaleLab thoát khỏi liên đới tới SpringMe. Đồng thời tránh việc Yeah1 phải trích lập dự phòng với 12 triệu USD đã đầu tư vào công ty của Mỹ này trong trường hợp không thể nối lại thỏa thuận với YouTube.