Cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect đang trở thành tâm điểm trên thị trường khi được giao dịch với khối lượng đột biến, thậm chí nhiều phiên còn giao dịch lớn nhất sàn chứng khoán, vượt mặt cả cổ phiếu quốc dân như HPG.
Trong phiên 27/10, mã chứng khoán này tiếp tục đứng đầu sàn HoSE khi có hơn 37 triệu cổ phiếu được sang tay (giá trị hơn 410 tỷ đồng). Khối lượng này chiếm đến 7,06% tổng lượng giao dịch trên sàn niêm yết lớn nhất.
Đây cũng là phiên đánh dấu sự trở lại của VND sau chuỗi ngày bị bán tháo dữ dội. Mã chứng khoán này đã từ sắc đỏ bứt phá nhanh lên giá trần 11.350 đồng, thậm chí kết phiên vẫn còn dư mua trần hơn 10 triệu đơn vị khác.
Trong các phiên trước đó, VND cũng là cổ phiếu được giao dịch nhiều hàng đầu thị trường nhưng trong tình cảnh bán tháo liên tiếp 6 phiên, trong đó có 4 phiên gần nhất giảm kịch sàn (21-26/10).
Tổng lượng bán trong 6 phiên giảm kể trên là hơn 170 triệu cổ phiếu (chiếm hơn 14% tổng lượng cổ phần). Riêng phiên 26/10 chứng kiến sự "tháo chạy" lớn nhất với 77 triệu cổ phiếu được sang tay. Cùng thời gian này, giá VND cũng lao dốc 27%, tương đương với giá trị vốn hóa bốc hơi 4.800 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia vào làn sóng bán tháo khi liên tục rút vốn. Khối ngoại đã bán ròng liên tiếp từ phiên 20/10 đến nay với tổng giá trị 290 tỷ đồng, là một trong những mã bị bán ròng mạnh nhất thị trường.
Cổ phiếu VND liên tục tìm đáy mới dưới áp lực bán quyết liệt. Đồ thị: TradingView. |
Mới đây, VNDirect cũng ra thông cáo cho biết nhiều đối tượng đang lợi dụng tình hình thị trường không khả quan để tung các tin đồn thất thiệt, xuyên tạc liên quan đến nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, trong đó có VNDirect, dẫn đến nhiều cổ phiếu bị bán tháo.
Công ty chứng khoán khẳng định là một định chế trung gian nên có tham gia tích cực trong việc tư vấn phát hành trái phiếu của các Ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, NHTM cổ phần… với số lượng giao dịch khá lớn và chiếm tỷ trọng cao trong danh mục.
Hoạt động tư vấn phát hành cho các doanh nghiệp (phi ngân hàng) cũng ghi nhận giá trị tư vấn đạt 23.530 tỷ trong năm 2021 (năm 2020 là 6.868 tỷ).
"Thương vụ lớn nhất là giao dịch tư vấn và bảo lãnh phát hành cho Công ty Điện gió Trung Nam Đăk Lăk với quy mô 10.250 tỷ đồng, trong đó các NHTM đã mua hơn 8.600 tỷ đồng", VNDirect cho biết.
Công ty chứng khoán nói thêm đã điều chỉnh chiến lược một cách cẩn trọng để thích nghi với điều kiện thị trường năm 2022. Công ty đang có quy mô vốn chủ sở hữu gần 14.500 tỷ đồng, đảm bảo an toàn tài chính theo chuẩn mực quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, VNDirect cũng lựa chọn tư vấn trên nguyên tắc cơ hội đầu tư an toàn, công cụ lãi suất cố định có dòng tiền tốt/ổn định để thanh toán cho trái phiếu và có nhiều kỳ hạn khác nhau từ ngắn cho đến dài hạn 13 năm.
VNDirect nhấn mạnh đang phối hợp và làm việc với cơ quan có thẩm quyền để truy tìm và xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, xuyên tạc về công ty và các chủ thể khác của thị trường chứng khoán, cũng như xử lý các đối tượng có hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm, công ty mẹ VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 31% lên lên 5.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 5% về mức 1.380 tỷ đồng do sự sụt giảm trong quý vừa qua.
Công ty mẹ sở hữu quy mô tổng tài sản hơn 42.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt đang đạt hơn 2.900 tỷ, các tài sản tài chính nắm giữ hơn 17.900 tỷ đồng, các khoản đầu tư gần 7.000 tỷ hay các khoản cho vay margin gần 13.000 tỷ đồng.