Sau thời điểm lao dốc khi mở cửa phiên sáng, thị trường chứng khoán đang dần lấy lại sự ổn định nhờ nhà đầu bình tĩnh hơn và đợt bán tháo chấm dứt sau những thông tin tiêu cực về biến thể Covid-19 mới tại Nam Phi.
VN-Index kết phiên chỉ còn giảm hơn 8 điểm (0,55%) về mức 1.484,84 điểm và là phiên giảm thứ 2 liên tiếp do áp lực từ diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu.
Đáng chú ý là lực cầu lớn trên sàn niêm yết HNX đã giúp cho chỉ số này lấy được sắc xanh khi kết phiên tăng gần 2 điểm (0,43%) lên 460,58 điểm. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,24%.
Dù vậy thị trường vẫn nhuốm màu ảm đạm khi ưu thế nghiêng về bên bán. Toàn thị trường ghi nhận 623 mã chốt phiên giảm giá và chỉ có 459 mã tăng giá.
Chứng khoán thu hẹp dần đà rơi trong phiên chiều. Đồ thị: TradingView. |
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến khác tiêu cực; trong đó VN30 chỉ có 4 mã đứng trên mức tham chiếu. Diễn biến tiêu cực nhất phiên hôm nay đến từ nhóm ngân hàng khi nhiều mã giảm khá sâu 1-5%.
Tâm điểm trong hôm nay chính là mã VIC của Vingroup khi bất ngờ tăng trần lên 105.300 đồng/cổ phiếu, trở thành mã có đóng góp lớn nhất kìm hãm đà rơi của thị trường khi đã góp +6,7 điểm vào chỉ số chung. Bên cạnh đó VHM của Vinhomes cũng tăng 1,8% trong phiên.
Ngoài ra, cổ phiếu dược phẩm, y tế cũng đang hưởng lợi từ thông tin về biến thể virus mới. Hàng loạt mã chạm trần như DVN, DBT, AMV, VMD, CDP và các mã khác tăng 2-6%.
Cổ phiếu bất động sản cũng dần bứt phá về phiên chiều, chủ yếu ở nhóm đầu cơ. Các mã DRH, DXG, PTL, SCR, PVL đều đã tăng hết biên độ trong khi nhiều mã khác cũng lấy được sắc xanh khi kết phiên.
Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng đang hưng phấn khi mã VIX tăng hết biên độ. Các mã lớn trong ngành cũng có mức tăng khá cao 1-4% như SSI, HCM, VND, APS, VIG...
Thị trường lao dốc đã kích thích lượng cầu bắt đáy tuy nhiên bên mua vẫn chưa chấp nhận mua đuổi giá cao hơn khiên thanh khoản thị trường có phần hạ nhiệt. Tổng giá trị giao dịch trong cả phiên đạt 38.833 tỷ đồng, giảm 8,2% so với phiên cuối tuần trước. Riêng giá trị khớp lệnh tại sàn HoSE giảm 8,4% xuống còn 30.033 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại vẫn diễn biến khá tiêu cực khi thực hiện bán ròng hơn 350 tỷ đồng, trong đó tập trung bán ròng mạnh các mã HCM, VPB, PNJ...
Cổ phiếu VIC "gồng gánh" thị trường chung. Nguồn: VNDirect. |
Thị trường trong nước diễn biến khá tương đương với đà bán tháo các tài sản đầu tư trên thị trường quốc tế. Cuối tuần trước chỉ số Dow Jones tại Mỹ có lúc mất hơn 1.000 điểm trong phiên 26/11, Phố Wall có phiên Black Friday tệ nhất kể từ năm 1950.
Các tài sản đầu tư khác cũng lao dốc, giá dầu giảm 13% và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lao dốc nặng nhất kể thời kỳ đầu của đại dịch. Tài sản đầu cơ cắm đầu giảm khi giá Bitcoin lao dốc khoảng 20% kể từ kỷ lục thiết lập ngày 10/11.
Thị trường cổ phiếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch sáng 29/11. Hang Seng của Hong Kong sụt giảm khoảng 0,3%, còn chứng khoán tại các thị trường Trung Quốc đại lục biến động trái chiều.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có thời điểm lao dốc khoảng 1% rồi thu hẹp mức giảm còn khoảng 0,2%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,39%. Cổ phiếu của Australia cũng trượt dốc, S&P/ASX 200 giảm 0,17%.
Goldman Sachs Group cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Gauteng trong tháng tới nhưng không cho rằng biến chủng mới là lý do đủ để có thay đổi đáng kể về danh mục đầu tư, dựa trên giả định những loại vắc xin Covid-19 hiện vẫn có hiệu quả và Omicron không nguy hiểm hơn những chủng virus khác.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cân nhắc phòng hộ ngắn hạn cho các tài sản tăng trưởng nhạy cảm với rủi ro, do đây là cuối năm cùng với thanh khoản và nguy cơ liên quan chính sách trong tháng 12 tới.