Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VN-Index chao đảo vì lo ngại biến chủng Omicron

Thị trường chứng khoán trong nước cũng đang chịu áp lực lớn từ thông tin tiêu cực về biến chủng Omicron, cả 3 sàn đều ghi nhận tình trạng bán tháo ngay khi mở cửa phiên sáng.

Những thông tin tiêu cực về biến chủng Covid-19 mới Omicron bắt nguồn từ Nam Phi đang tác động rất tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Lo ngại về biến chủng mới đã bắt đầu xuất hiện từ cuối tuần trước khi VN-Index bị điều chỉnh đáng kể chỉ sau một ngày chạm được đỉnh 1.500 điểm và thị trường càng bị bán tháo ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần vào ngày 29/11.

Chỉ số đại diện sàn có vốn hóa lớn nhất HoSE đã bốc hơi gần 24 điểm ngay phiên ATO mở cửa, sau đó có dấu hiệu hồi phục dần khi tâm lý nhà đầu tư bình tĩnh trở lại. Dù vậy tính đến 9h30, VN-Index đang giảm gần 23 điểm (1,5%) về dưới mốc 1.470 điểm.

Tình trạng bán tháo cũng được ghi nhận trên sàn HNX khi chỉ số mất gần 4 điểm (0,8%) về dưới 455 điểm và UPCoM-Index bốc hơi 1,5% còn 112,6 điểm.

Chung khoan toan cau lao doc,  lo ngai Omicron,  VN-Index lao doc anh 1

VN-Index lao dốc ngay khi mở cửa phiên sáng. Đồ thị: TradingView.

Thị trường giảm sâu đã kích thích lượng cầu bắt đáy gia nhập nhanh, lực mua lớn giúp chỉ số hồi phục nhanh chóng khi có thời điểm chỉ còn giảm chưa đến 8 điểm.

Tính đến 10h30, VN-Index ghi nhận mức giảm hơn 11 điểm (0,75%) với lượng thanh khoản đạt hơn 14.100 tỷ đồng. Thậm chí sàn niêm yết HNX đã lấy lại sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,47% lên 460,7 điểm và UPCoM-Index còn giảm 0,9% về 113,3 điểm.

Đà phục hồi đến từ một số cổ phiếu trụ cột, trong đó VIC của Vingroup đang “gồng gánh” cả thị trường khi thị giá tăng 5,6% để trở thành mã có tác động tích cực nhất lên chỉ số chung. Bên cạnh đó các mã liên quan là VHM và VRE cũng có được sắc xanh.

Sắc xanh cũng dần len lỏi vào nhóm chứng khoán khi mã đầu ngành SSI tăng 0,7%, bên cạnh đó đà tăng cũng ghi nhận trên các mã HCM, VND, MBS, VIG... Cổ phiếu bất động sản cũng đang hưng phấn khi một số mã có vốn hóa nhỏ như PTL, DRH tăng trần và nhiều mã đầu cơ khác cũng đang tăng 2-7%...

Ngược lại cổ phiếu ngân hàng vẫn đang kìm chân VN-Index khi phần lớn các mã đang giảm khá sâu khoảng 1-5%, trong đó đáng kể là VCB của Vietcombank giảm 2% là mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số chung.

Chung khoan toan cau lao doc,  lo ngai Omicron,  VN-Index lao doc anh 2

Những thông tin trái chiều về biến thể mới Omicron khiến nhà đầu tư chưa mặn mà mua đuổi giá cao, do vậy bên bán và mua vẫn đang giằng co. VN-Index tạm dừng phiên sáng giảm mạnh 14,55 điểm (0,97%) về mức 1.478,48 điểm.

Tuy nhiên nhà đầu tư trên sàn niêm yết HNX lại hưng phấn hưng khi mua đẩy chỉ số lên gần 462 điểm, tức tăng 0,68% trong phiên sáng. Sàn UPCoM giảm mạnh 1,1% xuống còn 113 điểm. Sắc đỏ chiếm áp đảo toàn thị trường khi lực bán vẫn ở mức cao và bên mua chưa thực sự chấp nhận trả mức giá cao hơn. Tổng số mã giảm giá là 719 trong khi số mã tăng giá chỉ có 313, số mã đứng giá là 111 cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến tiêu cực do sự lao dốc của nhóm ngân hàng, ngược lại nhóm Vingroup đang bứt phá để trở thành điểm tựa níu giữ thị trường không bị lao dốc quá nhanh. Riêng mã VIC đã góp +4,44 điểm vào chỉ số chung.

Đáng chú ý trong làn sóng bán tháo trên, cổ phiếu ngành dược cũng nổi lên là điểm sáng nhất khi hàng loạt mã bứt phá. Trong đó đáng kể như VMD, AMV hay DBT tăng hết biên độ, các mã DVN, TRA, DHG, DMC, CDP đều tăng mạnh 3-11%.

Thanh khoản toàn thị trường cao hơn 2% so với cuối tuần trước khi đạt tổng giá trị giao dịch hơn 24.000 tỷ đồng. Riêng giá trị giao dịch tại HoSE đạt 19.248 tỷ đồng, thấp hơn 4% so với phiên liên trước. Khối ngoại vẫn diễn biến tiêu cực khi bán ròng hơn 131 tỷ đồng trên HoSE sáng nay và 187 tỷ đồng trên HNX.

Chung khoan toan cau lao doc,  lo ngai Omicron,  VN-Index lao doc anh 3

Trước phiên giao dịch đầu tuần, phần lớn công ty chứng khoán đưa ra quan điểm khá thận trọng trong ngắn hạn khi cho rằng chỉ số có thể bị điều chỉnh và có mốc hỗ trợ tại mức cứng 1.460 điểm.

KB Việt Nam nhận định áp lực chốt lời sau nhịp tăng mạnh cùng với việc hình thành mẫu nến engulfing tiêu cực khiến chỉ số đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh trong những phiên tới, xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1.480 và sâu hơn là 1.460 điểm.

Sau khi tạm đóng các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ kê mua lại một phần tỷ trọng khi giá cổ phiếu mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ mạnh.

Yuanta Việt Nam cũng đưa quan điểm khá thận trọng khi cho rằng thị trường có thể bị điều chỉnh ở phiên giao dịch đầu tuần và mức hỗ trợ gần nhất của VN-Index là 1.459 điểm. Chỉ báo tâm lý giảm trong vùng bi quan cho thấy tâm lý ngắn hạn vẫn còn rất thận trọng với xu hướng ngắn hạn và dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.

Cẩn trọng với xu hướng chứng khoán ngắn hạn

Các đơn vị phân tích cho rằng việc thị trường điều chỉnh khi VN-Index chạm mốc 1.500 điểm là bình thường, tuy nhiên nhà đầu tư nên thận trọng với xu hướng ngắn hạn.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm