Mẫu xe VF 3 ra mắt góp phần hỗ trợ giá cổ phiếu VFS. Ảnh: VinFast. |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5 trên sàn Nasdaq (Mỹ), cổ phiếu VFS của nhà sản xuất xe điện VinFast Auto tạm dừng ở mốc 6,32 USD/đơn vị, tăng gần 30% so với phiên trước đó. Sau khi tạo đáy ở mốc 2,26 USD hồi cuối tháng 4, thị giá VFS đã tăng gần 3 lần tính đến nay.
Với việc thị giá cổ phiếu tiến lên mức cao nhất kể từ đầu năm, vốn hóa thị trường của VinFast được nới rộng lên gần 15 tỷ USD và trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ 4 trên sàn chứng khoán này. Vị trí của VinFast cũng xếp trên nhiều đối thủ nổi tiếng cùng ngành như NIO, XPeng đến từ Trung Quốc hay Rivian đến từ Mỹ.
Giao dịch cùng thời điểm với VFS, cổ phiếu của một số hãng xe điện như TSLA của Tesla lại quay đầu giảm 1,4% xuống 174,95 USD/cổ phiếu; Rivian giảm 2,1% xuống 10,28 USD/cổ phiếu hay NIO giảm 1,1% xuống 5,22 USD/cổ phiếu.
Nhịp phục hồi của VFS xuất hiện trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ được giao dịch khởi sắc trong 2 tuần trở lại đây. Trong phiên hôm qua, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng thiết lập kỷ lục mới ở mốc 16.795 điểm.
Trên thực tế, cổ phiếu VFS cũng được hưởng lợi đáng kể nhờ sở hữu nhiều câu chuyện riêng. Trước hết, VinFast đã có màn ra mắt mẫu xe điện VF 3 thành công vào ngày 13/5 với gần 6.900 khách hàng đặt cọc để nhận được phiên bản giới hạn.
Giá cổ phiếu VFS hồi phục mạnh kể từ cuối tháng 4. Ảnh: Google Finance. |
Với mức giá niêm yết dao động 240-322 triệu đồng, VinFast VF 3 nhanh chóng trở thành hiện tượng trên thị trường ôtô Việt Nam. Sản phẩm này cũng được kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Trong ngày ra mắt, giá cổ phiếu VFS cũng chứng kiến một nhịp tăng vọt hơn 51% lên 4,56 USD/cổ phiếu.
Đến ngày 16/5, tức 3 ngày kể từ thời điểm mở đặt cọc sớm, VinFast thông báo đã có 27.649 đơn đăng ký mua xe VF 3. Tất cả đơn đặt cọc này đều không được hoàn hủy hoặc chuyển nhượng.
Dự kiến, những chiếc VinFast VF 3 đầu tiên sẽ được bàn giao cho khách hàng từ tháng 8 và sẽ có tối thiểu 20.000 xe được bàn giao trong năm nay.
Tại thị trường Việt Nam, đối thủ duy nhất của VF 3 ở thời điểm hiện tại đang là Wuling Hongguang Mini EV, mẫu xe điện sản xuất bởi liên doanh General Motors - SAIC - Wuling đang có giá niêm yết 239-282 triệu đồng.
Năm ngoái, Wuling Hongguang Mini EV chỉ bán được 591 xe cho khách hàng Việt Nam, thấp hơn gần 90% so với kế hoạch ban đầu (hơn 5.500 xe/năm).
Bên cạnh đó, việc chính phủ Mỹ công bố loạt chính sách thuế quan xuất khẩu mới nhắm vào một số ngành hàng từ Trung Quốc, bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu xe điện gấp 4 lần từ 25% lên 100% hay tăng thuế từ 7,5% lên 25% với pin sử dụng cho xe điện, cũng là lý do giúp các sản phẩm của VinFast có ưu thế trước mắt.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.