Mở cửa phiên 24/4, VN-Index tăng nhẹ sau phiên ATO nhưng nhanh chóng rơi xuống mức dưới tham chiếu. Phải đến nửa cuối phiên chiều, thị trường mới ngược dòng thành công và đóng cửa với mức tăng 0,4%, VN-Index dừng ở 777 điểm.
Độ rộng thị trường hôm nay khá cân bằng với 177 mã tăng và 159 mã giảm giá trên sàn HoSE. Trong nhóm VN30, số lượng mã chốt phiên trong sắc xanh so với đỏ là 12-11.
VNM (Vinamilk) trở thành động lực quan trọng nhất của thị trường hôm nay sau khi tăng hết biên độ. Cổ phiếu VNM có phiên giao dịch ấn tượng sau thông tin doanh nghiệp thông qua phương án mua 17,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.
Cổ phiếu ngành xây dựng, thép tiếp tục giao dịch khởi sắc trước kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư công. CTD (Coteccons), HSG (Hoa Sen) cùng tăng trần, HPG (Hòa Phát) tăng 2%.
Nhóm ngân hàng diễn biến tiêu cực hơn thị trường chung. BID (BIDV), VCB (Vietcombank), MBB (MBBank), STB (Sacombank) cùng đóng cửa với mức giảm nhẹ dưới 1%. Báo cáo tài chính quý I của một số ngân hàng cho thấy nợ xấu có xu hướng tăng trong mùa dịch.
Thanh khoản thị trường cải thiện so với phiên trước đó khi tổng giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 3.200 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục giao dịch tiêu cực với tổng giá trị bán ròng 385 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Mã bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất hôm nay là VNM (97 tỷ).
Diễn biến của VN-Index và VN-Index phiên giao dịch 24/4. Ảnh: SSI. |
Bộ phận phân tích của KBSV cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán trong nước đang tạm thời trung tính và nằm trong vùng tích lũy. Nhịp hồi phục về cuối phiên hôm nay giúp cơ hội tiếp tục đi lên trong tuần sau có phần chiếm ưu thế với điều kiện thị trường thế giới không biến động quá tiêu cực trong phiên cuối tuần.
“Với 3 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường đã kết thúc tuần với dấu hiệu tích cực khi hình thành vùng đáy sau cao hơn đáy trước. Nhà đầu tư chấp nhận vào hàng kể cả khi lượng hàng T+ còn chưa được giải phóng cho thấy kỳ vọng đã lạc quan hơn và tâm lý tích cực hiện tại là cơ sở để thị trường còn tiếp tục tăng tiếp”, MBS cũng đưa ra quan điểm lạc quan.
Trong kịch bản tích cực, nhịp tăng ngắn hạn của thị trường sẽ tiếp diễn với mục tiêu hướng tới vùng 796 đến 804 điểm nhưng vẫn sẽ có những nhịp rung lắc trong phiên.
Tuy nhiên, chuyên gia của công ty đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên có sẵn các kịch bản phù hợp bất kể thị trường đi theo chiều hướng nào để đảm bảo an toàn khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa được kiểm soát triệt để.
Kết quả tăng điểm của chứng khoán Việt Nam hôm nay cũng ngược dòng với xu hướng đi xuống của thị trường châu Á. Các chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đồng loạt giảm điểm từ 0,6% đến 1,3%.