Vietnam Airlines đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2022 hôm 16/12. Ảnh: Vietnam Airlines. |
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có quyết định đưa cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26/12.
Lý do là hãng hàng không này đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vào ngày 16/12, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định tại khoản 4 điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.
Trước đó, cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7 do chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022.
Đáng chú ý, trong thông báo mới nhất của HoSE, Sở này cho biết Vietnam Airlines vẫn “có kết quả kinh doanh thua lỗ trong hai năm liên tục (2020-2021)”.
Trong khi mới đây hãng hàng không này đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và ghi nhận kết quả thua lỗ trong năm thứ ba liên tiếp.
Ngoài ra, HoSE cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi cổ phiếu HVN ở diện hạn chế giao dịch do hãng bay này chậm công bố thông tin BCTC kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Thông báo này đồng nghĩa việc HoSE vẫn chưa ghi nhận BCTC kiểm toán năm gần nhất mà Vietnam Airlines công bố.
Ra khỏi diện cảnh báo nhưng 2,2 tỷ cổ phiếu của Vietnam Airlines vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết. HVN vi phạm cả ba điều kiện gồm kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Theo báo cáo kiểm toán, năm 2022, Vietnam Airlines lỗ hơn 11.200 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 lên con số trên 35.000 tỷ. Vốn chủ sở hữu của hãng theo đó đã âm 11.000 tỷ đồng.
Dù vậy, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Vietnam Airlines - cho biết hoàn cảnh của Vietnam Airlines khi rơi vào 3 năm thua lỗ liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu là "tình huống rất đặc biệt".
Trong những năm trước dịch Covid-19, hãng luôn là một trong những doanh nghiệp đứng đầu trong nhóm có vốn hóa lớn, tài chính minh bạch, khả năng sinh lời cao trên HoSE. Tuy nhiên, dịch bệnh là yếu tố ảnh hưởng mang tính khách quan đã tác động nghiêm trọng đến ngành hàng không, và các hãng đều rơi vào tình trạng tương tự.
“Chúng tôi tin rằng cơ quan Nhà nước, cơ quan quản lý liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá yếu tố này khách quan, thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết trên thị trường chứng khoán”, ông Hiền nói.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Vietnam Airlines, sau 9 tháng đầu năm, hãng đã ghi nhận 68.089 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 3.535 tỷ.
Tại phiên họp vừa qua, ban lãnh đạo Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất cả năm nay đạt khoảng 91.658 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến ở mức âm 5.823 tỷ đồng.
Với kế hoạch này, trong quý cuối năm nay hãng dự kiến ghi nhận 23.569 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 2.288 tỷ. So với cùng kỳ quý IV/2022, kế hoạch doanh thu quý cuối năm này của Vietnam Airlines sẽ tăng 21% và giảm lỗ gần 300 tỷ đồng.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...