Kết thúc tuần giao dịch từ 13-17/9, VN-Index tiếp tục tăng 7 điểm (0,54%) so với tuần trước lên gần 1.353 điểm. Tương tự khi HNX-Index tăng gần 8 điểm (2,26%) lên 358 điểm và UPCoM-Index tăng 2 điểm (2,09%) lên 97,4 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó, tổng giá trị giao dịch trung bình đạt 26.845 tỷ đồng/phiên, giảm 3,4%. Trong đó giá trị khớp lệnh trung bình giảm 4% về mức 24.862 tỷ đồng/phiên.
Diễn biến VN-Index trong tuần 13-17/9. Đồ thị: TradingView. |
Tâm điểm của thị trường trong tuần giao dịch vừa qua là việc khối ngoại bán ròng rất mạnh 82,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 3.336 tỷ đồng. Trong khi đó nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước hấp thụ toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại, giúp giữ vững sự tích cực của thị trường chung.
Về nhóm cổ phiếu, ngành hàng tiêu dùng ghi nhận sự tích cực với thông tin nới lỏng dần các biện pháp giãn cách cũng như mở dần hệ thống bán lẻ, các mã đầu ngành như MSN của Masan Group tăng 12,3%, SAB của Sabeco tăng 6,3% hay BHN của Bia Hà Nội tăng 14%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí, khoáng sản, hóa chất cũng được hưởng lợi từ giá sản phẩm tăng cao gần đây. Nhóm dầu khí chứng khoán mức tăng 6-14% trong tuần qua. Trong khi đó cổ phiếu ngành than, khí, tài nguyên, hóa chất cũng có nhiều phiên tăng trần.
Louis Capital tiếp đà bứt phá
Cổ phiếu TGG của Louis Capital tiếp tục là cái tên nổi bật nhất trong tuần vừa qua với việc có thêm 5 phiên tăng trần, tương đương tăng 39,76%, vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng các cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE.
Chuỗi tăng của TGG bắt đầu từ phiên 9/8 và tăng giá gần 420% chỉ sau 28 phiên giao dịch vừa qua. Trong đó cổ phiếu này có đến 24 phiên tăng kịch trần, 3 phiên giá xanh và chỉ duy nhất một phiên điều chỉnh vào ngày 24/8.
Do diễn biến giá cổ phiếu tăng nóng và bị đồn thổi thao túng giá, ban lãnh đạo Louis Capital trong tuần đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để khẳng định không thực hiện bất kỳ hành vi nào để tác động về giá cổ phiếu cũng như thao túng thị trường chứng khoán.
Tăng tốt tiếp theo trong danh sách này là cổ phiếu Thuduc House (TDH) với mức tăng 39,49% và kéo dài chuỗi 6 phiên tăng trần. Đà tăng đột biến sau khi Louis Land thông báo trở thành cổ đông lớn tại Thuduc House, giúp cổ phiếu bất động sản này gần như “cháy hàng” với lượng dư mua trần lên gần 20 triệu đơn vị mỗi phiên.
Đà tăng giá của TGG hay TDH nằm trong chuỗi M&A liên tục của Louis Holdings trên sàn chứng khoán. Một số đơn vị khác trong chuỗi thâu tóm này có thể kể đến Louis Land (BII), Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), Sametel (SMT), Chứng khoán APG (APG) hay DAP Vinachem (DDV)…
STT | Mã CK | Tăng giá | Mã CK | Giảm giá |
1 | TGG | 39,76% | RDP | -16,67% |
2 | TDH | 39,49% | FIT | -15,19% |
3 | ASP | 29,01% | PHC | -14,71% |
4 | YBM | 27,37% | APH | -14,46% |
5 | VIP | 26,17% | SII | -9,55% |
6 | BMC | 26,15% | MCP | -6,93% |
7 | TCD | 25,98% | VFG | -6,75% |
8 | JVC | 22,67% | TSC | -6,61% |
9 | CSV | 22,58% | BKG | -6,52% |
10 | FTM | 22,4% | CLW | -6,45% |
Bên cạnh đó, cổ phiếu tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP) cũng tăng mạnh hơn 29% trong tuần vừa qua, trong đó có 4 phiên tăng trần nhờ hưởng lợi từ tình trạng thiếu khí đốt trên thế giới có thể đẩy giá bán lên cao. Nhiều mã ngành khí đốt khác cũng có đà tăng tốt trong tuần.
Nhóm khoáng sản có Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái (YBM) và Khoáng sản Bình Định (BMC) tăng giá lần lượt 27,37% và 26,15%. Công ty Vận tải Xăng dầu Vipco (VIP) cũng ghi nhận cổ phiếu tăng giá 26,17% trong tuần.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FIT của tập đoàn cùng tên tiếp tục bị bán mạnh khi nhà đầu tư chốt lời sau đà tăng nóng cũng như áp lực pha loãng khi doanh nghiệp có kế hoạch phát hành thêm tổng cộng 77 triệu cổ phiếu, trong đó hơn 25,47 triệu cổ phiếu trả cổ tức và chào bán gần 51 triệu cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó RDP của Rạng Đông Holding cũng rơi mạnh 16,67% trong tuần vừa qua khi cổ phiếu bị rơi vào diện cảnh báo. Mã PHC của Phục Hưng Holdings tiếp tục rơi 14,7% và lũy kế đã mất khoảng 30% chỉ sau nửa tháng.
Cổ phiếu vận tải biển tăng mạnh nhất
Tại sàn niêm yết HNX, nhóm Louis cũng tiếp tục gây sóng khi cổ phiếu Cáp Nhựa Vĩnh Khánh (VKC) tăng mạnh nhất 59,57% trong tuần vừa qua.
Đây đã là chuỗi tăng trần 11 phiên liên tiếp của mã này, sau thông tin Louis Capital mua vào cổ phần để trở thành cổ đông lớn sở hữu 5,7% vốn VKC.
Bên cạnh đó Samatel (SMT) cũng tăng tốt 52,5% trong tuần để nối dài chuỗi 20 phiên tăng liên tiếp khi được Louis Holdings thâu tóm, trong đó có đến 18 phiên kịch trần.
Cổ phiếu DZM của Cơ điện Dzĩ An tăng tốt thứ 2 trên sàn HNX với mức 56,86% và là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp. Đà tăng nhờ thông tin phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá.
Nhóm cổ phiếu ngành than cũng nổi sóng trên sàn HNX khi hàng loạt mã như TC6, THT, TVD, TDN đều đạt mức tăng cao trong tuần vừa qua với mức tăng 40-50%. Diễn biến này là nhờ giá than trên thế giới liên tục tăng cao, lập đỉnh 10 năm.
STT | Sàn HNX | Tăng giá | Sàn UPCoM | Tăng giá |
1 | VKC | 59,57% | SSG | 92,68% |
2 | DZM | 56,86% | VE9 | 85,71% |
3 | SMT | 52,51% | HFB | 84,69% |
4 | SDA | 52% | KHB | 74,55% |
5 | TC6 | 50% | PXT | 69,23% |
6 | THT | 43,88% | SNC | 65,25% |
7 | VNR | 41,2% | VFR | 65,28% |
8 | MBG | 39,51% | SDD | 59,46% |
9 | TVD | 39,13% | NTT | 58,82% |
10 | TDN | 38,57% | S72 | 58,14% |
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu Vận tải biển Hải Âu (SSG) gây bất ngờ lớn với mức tăng gần 93% chỉ sau một tuần, với 5 phiên tăng trần liên tiếp.
Cổ phiếu ngành vận tải biển này trước đó hầu như không có thanh khoản. Tuy nhiên kể từ đầu tháng 6, SSG bắt đầu vào chuỗi tăng giá từ mức 2.400 đồng lên 15.800 đồng mỗi cổ phiếu như hiện nay, tương đương mức tăng đến 558% chỉ sau hơn 3 tháng giao dịch.
Mã VE9 của Đầu tư Xây dựng Vneco 9 cũng bứt phá với mức tăng 85,7% với chuỗi 6 phiên kịch trần. Mã HFB của Công trình Cầu phà TP.HCM cũng bất ngờ tăng giá 84,7%, nhưng với thanh khoản rất hạn chế.
Cổ phiếu KHB của Khoáng sản Hòa Bình cũng tạo chú ý với đà tăng 74,55% trong tuần.
Đà tăng của KHB chỉ thực sự bắt đầu từ cuối tháng 8 đến nay với mức tăng giá hơn 284%. Ngoài ra, mã chứng khoán này cũng từng có một đợt tăng đột biến khác vào đầu tháng 4. Tính từ đầu năm, nhà đầu tư nắm giữ KHB đã có lãi đến 1.100%.
Dù tăng mạnh nhưng hoạt động kinh doanh lại khá nghèo nàn. Khoáng sản Hòa Bình gần như không có doanh thu giai đoạn 2017-2019 và chỉ bắt đầu ghi nhận từ nửa sau 2020 đến nay. Báo cáo nửa đầu năm cho thấy công ty có doanh thu 191 triệu đồng nhưng lỗ 108 triệu đồng. Tổng lỗ lũy kế đã lên gần 149 tỷ đồng.