Trong khi thị trường chứng khoán châu Á đóng cửa nghỉ Tết Nguyên Đán 2020, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đã chịu ảnh hưởng tiêu cực khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vius corona (nCoV) từ Vũ Hán (Trung Quốc) bùng phát. Khi chứng khoán châu Á giao dịch trở lại, thị trường này cũng chịu tác động tương tự khi hầu hết đều giảm điểm.
Tuy nhiên, tại cả thị trường quốc tế và trong nước, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp dược phẩm và thiết bị y tế lại có phản ứng tích cực trước thông tin trên.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 30/1, khi thị trường chứng khoán trong nước giảm hơn 3% trên sàn HOSE và hơn 2% trên HNX thì nhóm cổ phiếu dược phẩm, y tế lại tăng mạnh.
Trong đó, cổ phiếu CDP của Dược phẩm Trung ương Codupha dẫn đầu nhóm này khi tăng kịch trần (14,5%) từ 7.000 đồng/cổ phiếu lên 7.900 đồng. Cũng có đà tăng kịch biên độ (14,4%) là mã HDP của Dược Hà Tĩnh, tăng lên 14.300 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu các doanh nghiệp dược phẩm và sản xuất khẩu trang tăng trưởng khi dịch cúm corona bùng phát. Ảnh: Asia One. |
Trên sàn HNX và HOSE, nhiều cổ phiếu ngành dược phẩm tăng giá mạnh, trái ngược so với thị trường chung, như Thuốc thú y Trung ương Navetco (VET) tăng 13,3%; Y tế Danameco (DNM) tăng 7,1%; Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV) tăng 6,4%; Dược Hậu Giang (DHG) tăng 5,7%... Cổ phiếu JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật và SJF của Công ty Sao Thái Dương còn tăng kịch biên độ (gần 7%)
Đáng chú ý, nhiều đại diện trong nhóm cổ phiếu này đang hoạt động trong tình trạng kém hiệu quả. Một số doanh nghiệp không hề sản xuất hay điều chế vắc xin.
Một số doanh nghiệp có ghi nhận doanh thu từ việc kinh doanh thiết bị y tế nhưng không rõ cơ cấu doanh thu từ các sản phẩm như khẩu trang, dụng cụ y tế hỗ trợ chữa bệnh cúm nhưng vẫn hưởng lợi từ tâm lý của giới đầu tư.
Việt Nam không phải thị trường duy nhất xuất hiện xu hướng này. Tại Nhật Bản, cổ phiếu một hãng sản xuất khẩu trang y tế đã tăng gần 600% sau một tháng.
Cụ thể, cổ phiếu công ty Kawamoto Corp (Nhật Bản) đã tăng một mạch từ vùng giá dưới 500 Yên/cổ phiếu lên 3.095 Yên (gần 660.000 đồng/cổ phiếu), tương ứng mức tăng 592% sau một tháng kể từ khi virus corona bùng phát. Trong khi đó, Theo số liệu từ Bloomberg, doanh thu Kawamoto Corp trong năm 2019 đạt 23,6 tỷ Yên (trên 5.000 tỷ đồng) và lợi nhuận đạt 70,53 triệu Yên (15 tỷ đồng).
Thành lập năm 1914, Kawamoto ngoài việc sản xuất mặt nạ phòng độc, khẩu trang y tế, công ty này còn sản xuất các thiết bị, vật tư y tế khác như miếng dán cá nhân, găng y tế, bơm tiêm, máy đo huyết áp…
Tương tự, trên sàn chứng khoán Mỹ, nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế đã tăng rất mạnh từ khi virus corona bùng phát tại Vũ Hán.
Trong đó, cổ phiếu của Công ty Nano Viricides đã tăng gấp 3 lần thị giá sau một tuần từ khi dịch bùng phát, hiện giao dịch ở mức 11,14 USD/cổ phiếu trong khi 1 tuần trước đó ở dưới ngưỡng 4 USD.
Cổ phiếu Alpha Pro Tech - công ty sản xuất khẩu trang N95, cũng đã tăng một mạch từ vùng giá 3,5 USD lên gần 8 USD/cổ phiếu sau hơn một tuần. Hiện tại, cổ phiếu này đã giảm về mức 6,15 USD, nhưng vẫn cao hơn giá trước đó 76%.
Cổ phiếu của công ty Allied Healthcare Products, Co-Diagnostics cũng đã gấp 3 lần giá trị; cổ phiếu Inovio Pharmaceuticals tăng gần 100% sau thông tin về virus corona...
Nhiều cổ phiếu trong số này trước đó không ai giao dịch nhiều năm, công ty không có doanh thu và hoạt động trong tình trạng thua lỗ, âm tài sản…