Khi giá VCB một mình đi lên, nó tạo ra khoảng cách biệt với thị giá cổ phiếu các ngân hàng khác và lẽ tất nhiên nhà đầu tư cảm thấy BID, CTG, MBB, STB, SHB, EIB, ACB trở nên quá rẻ. Ngay lập tức dòng tiền dịch chuyển vào nhóm này, sức lan toả được nhân rộng. Chưa thể nói bước đi của cổ phiếu ngân hàng dài tới đâu và liệu chúng có đủ sức thay thế nhóm dầu khí dẫn dắt thị trường, nhưng ngay cả khi chúng có điều chỉnh trở lại, thời kỳ “ngủ đông” dường như đã kết thúc, đáy đã được thiết lập.
Những người ở trong guồng máy hoạt động ngân hàng và các nhà quan sát đều thống nhất rằng thời gian khó khăn nhất của lĩnh vực này sắp kết thúc. Giai đoạn hai của công cuộc tái cơ cấu ngân hàng đang khởi động. Ngân hàng Nhà nước khẳng định tới đây sẽ không còn trường hợp tổ chức tín dụng tự cơ cấu lại, mà sẽ là bắt buộc sáp nhập, hợp nhất. Những ngân hàng quá yếu sẽ được quốc hữu hoá và Nhà nước sẽ là cổ đông lớn nhất.
Thí dụ Ngân hàng TMCP Xây Dựng. Nguồn tin thân cận từ NHNN cho biết tới đây Nhà nước sẽ can thiệp bằng cách mua lại vốn của các cổ đông trên cơ sở kiểm toán và định giá độc lập. Nói là mua, song trên thực tế Nhà nước sẽ không phải bỏ ra đồng nào vì có khả năng Xây Dựng đã mất hết vốn chủ sở hữu. Nếu muốn tham gia tái cơ cấu cùng với Nhà nước, cổ đông của Xây Dựng có thể góp thêm vốn vào, bù lại phần vốn chủ sở hữu âm. Khả năng này xem ra khó vì không nhiều cổ đông có “tiền tươi thóc thật”.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang đổ vào cổ phiếu ngân hàng, tạo sức lan tỏa trên thị trường. |
Mua ngân hàng tái cơ cấu và mua ngân hàng bình thường là hai khái niệm khác nhau. Nhà nước hoặc một đối tác nào đó mua tái cơ cấu là mua trách nhiệm, cụ thể là trách nhiệm với người gửi tiền. Đương nhiên khi Nhà nước thực hiện quốc hữu hoá, tuyên bố Xây Dựng là ngân hàng của Nhà nước, người gửi tiền sẽ không rút nữa và những người gửi mới sẽ giao dịch với ngân hàng. Từ nguồn huy động mới, khách hàng mới, Xây Dựng sẽ tự đứng dậy được.
Khi Nhà nước trở thành ông chủ, Xây dựng sẽ chuyển đổi mô hình từ ngân hàng cổ phần thành ngân hàng TNHH. Nhà nước sẽ bỏ tiền ra “nuôi” Xây Dựng cho đến khi hết “bệnh”, “có da có thịt”, thì sẽ mang bán đấu giá, không loại trừ niêm yết để huy động vốn. Nhà nước “nuôi” bằng cách nào? Phương án lập ra một ban lãnh đạo bao gồm nhân lực được cử đến hỗ trợ từ các ngân hàng khoẻ mạnh được xem xét. Hoặc NHNN sẽ giao Xây Dựng cho một ngân hàng khác quản lý. Cách này giống như ông chủ đi thuê người điều hành. Sau này nếu ngân hàng quản lý có nhu cầu mua luôn Xây Dựng để sáp nhập vào mình, sẽ được ưu tiên.
Việc can thiệp của Nhà nước ở thời điểm hiện tại được cho là cần thiết và đã chín muồi. Bây giờ không thể ép những ngân hàng tốt “cõng” ngân hàng yếu vì nếu “cõng” quá sức, sẽ ảnh hưởng, gây “hoà tan” luôn bên khoẻ.
Song song với Xây Dựng, một số ngân hàng khác sẽ được xử lý. Đề án sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank đã chính thức được phê duyệt. Ngân hàng TMCP Đại Dương đang được kiểm toán lại để tìm ra một bức tranh thật của bảng cân đối tài sản. NHNN tuyên bố sẽ làm quyết liệt: những ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro cho năm 2014; không bán hết số nợ xấu cho VAMC để đưa nợ xấu về dưới 3% sẽ không được chia cổ tức. Sự “đau đớn” có thể kéo dài thêm 2 năm nữa, nhưng những ngân hàng có nền tảng minh bạch như VCB, BID, MBB, ACB có thể chính thức bước vào vùng tăng trưởng mới sau 6-9 tháng nữa.
Không nghi ngờ quí II và quí III năm nay sẽ là thời điểm thuận lợi nhất kể từ năm 2007 để sở hữu cổ phiếu ngân hàng ! Qui luật từ các thị trường chứng khoán quốc tế chỉ ra sau khủng hoảng cổ phiếu ngành tài chính thường có sức bật mạnh nhất và bền vững nhất.