Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ phiếu ngân hàng lao dốc vì tin đồn

Tất cả cổ phiếu ngành ngân hàng ngày 17/8 đều đi xuống, đặc biệt cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank đã giảm sàn. Đây là lần đầu tiên sau 6 tháng cổ phiếu này lao dốc mạnh.

Tin đồn liên quan đến việc Eximbank bị kiểm soát đặc biệt và ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank, bị bắt được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Tuy nhiên, trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một lãnh đạo NHNN khẳng định cơ quan này không công bố kiểm soát đặc biệt Ngân hàng xuất nhập khẩu (Eximbank). Hiện tại kết luận thanh tra vẫn chưa công bố. Đồng thời vị này cũng khẳng định, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, không bị bắt như tin đồn trên thị trường chứng khoán.

Phòng truyền thông của Eximbank cũng khẳng định, hiện tại ông Lê Hùng Dũng vẫn làm việc bình thường và ngân hàng cũng không nhận được quyết định kiểm soát đặc biệt từ NHNN, như tin đồn trên thị trường chứng khoán.

NHNN khẳng định không kiểm soát đặc biệt Eximbank.
NHNN khẳng định không kiểm soát đặc biệt Eximbank.

Chứng khoán giao dịch khá êm ả trong buổi sáng nay, hai chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index giảm nhẹ so với chốt phiên hôm cuối tuần. Tuy thế, chỉ số chứng khoán đã bất ngờ quay đầu giảm điểm khá sâu đầu giờ chiều. Nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất là ngân hàng. Cụ thể EIB của Eximbank giảm sàn, khoảng 12.600 đồng một cổ phiếu (6,7%), VCB của Vietcombank mất 2.000 đồng; ACB của Ngân hàng Á Châu, BID của BIDV, CTG của Vietinbank đều mất hơn 1.000 đồng một cổ phiếu...

Tin đồn về Eximbank rộ lên sau khi Ngân hàng Đông Á bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Việc đại hội đồng cổ đông của Eximbank bị cổ đông chất vấn rất nhiều vấn đề, trong đó có lợi nhuận sụt giảm hằng năm, nợ xấu tăng cao và NHNN chưa thông qua đề án nhân sự của ngân hàng này đã khiến nhiều người lo lắng, vì vậy đã có những tin đồn gây tác động đến cổ phiếu EIB và cổ phiếu của các ngân hàng khác.

Liên quan đến vấn đề nhân sự của Eximbank, một lãnh đạo ngân hàng này cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ cử thêm cán bộ tham gia vào hội đồng quản trị của ngân hàng này. NHNN cũng sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể mà Eximbank đề xuất để quyết định. Đến khoảng giữa tháng 9/2015, đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank mới họp để bầu nhân sự mới. Từ nay đến thời điểm đó, Hội đồng quản trị Eximbank không có gì thay đổi.

Hoạt động kinh doanh của Eximbank đi xuống mạnh trong các năm qua. Nếu như năm 2011, lãi sau thuế của Eximbank vào khoảng 3.000 tỷ đồng, thì năm 2012 chỉ còn hơn 2.000 tỷ và 658,7 tỷ cho năm 2013, còn 2014, ngân hàng lãi vỏn vẹn 57 tỷ đồng.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, Eximbank đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để giải quyết nợ xấu trong thời gian qua, điều này khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. Và việc này sẽ kéo dài cho đến hết năm nay, vì trong năm nay Eximbank vẫn sẽ tiếp tục bán nợ cho VAMC khoảng 2.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc trích lập dự phòng sẽ tăng lên, ăn vào lợi nhuận. Kết quả mới nhất mà Eximbank công bố là lợi nhuận sau thuế quý II của ngân hàng chỉ đạt 27 tỷ đồng.

Ông Phú cũng cho biết, hiện tại cả NamA Bank và Eximbank cũng chưa bàn đến chuyện sáp nhập, những tin đồn trên thị trường đều không đúng. Việc tham gia cổ phần của NamA Bank vào Eximbank cũng không nhiều để khẳng định có sự thâu tóm Eximbank từ phía Nam Á Bank.

Eximbank và Nam Á về một nhà?

Đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được bất cứ kiến nghị hay đề xuất nào của hai ngân hàng Eximbank và Nam Á về việc sáp nhập.

http://www.thesaigontimes.vn/134484/a.html

Theo Thanh Hương/Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm