Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ phiếu 'họ FLC' mất thanh khoản

Sự lao dốc của nhóm FLC Group không còn gây tác động lên thị trường chung, VN-Index cân bằng quanh mốc tham chiếu với sự giằng co của nhóm cổ phiếu trụ.

Thông tin tiêu cực về việc hạn chế giao dịch ngay lập tức khiến nhóm cổ phiếu FLC Group bị bán tháo kể từ đầu phiên 26/5. Toàn bộ 6 mã có thanh khoản nhóm này đều có thời điểm chạm giá sàn.

Trong đó, mã FLC bị tranh bán giá sàn ngay từ đầu phiên và sau đó rơi vào trạng thái mất thanh khoản khi chỉ khớp lệnh tượng trưng vài nghìn cổ phiếu trong một số thời điểm. Kết phiên, mã này vẫn còn gần 17 triệu cổ phiếu chất giá sàn.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các cổ phiếu ROS, HAI, KLF và AMD đều bị tranh bán giá sàn. Khả quan hơn có ART chỉ giảm 6,6% về 5.700 đồng.

Tổng khối lượng còn tranh bán giá sàn của 5 mã trên vẫn còn hơn 41 triệu cổ phiếu (khối lượng này vẫn chưa gồm hàng triệu cổ phiếu bán lệnh ATC đã bị hủy).

chung khoan ngay 26/5,  co phieu FLC,  dau co anh 1

Cổ phiếu họ FLC Group bị tranh bán giá sàn. Bảng giá SSI.

Tối hôm qua, HoSE đã ra thông báo chuyển 3 cổ phiếu thuộc hệ sinh thái trên là FLC, ROS và HAI từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 1/6.

Lý do là tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy chế.

Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông FLC, ROS, HAI chỉ được giao dịch trong buổi chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức thỏa thuận kể từ ngày 1/6.

Những tác động tiêu cực từ nhóm FLC Group đã không còn gây ảnh hưởng nhiều như trước đây. Thị trường chung diễn biến tương đối ổn định với xu hướng đi ngang trong ngày 26/5.

VN-Index kết phiên tăng nhẹ 0,14 điểm (0,01%) lên 1.268,57 điểm. Trong khi HNX-Index lại giảm nhẹ 1,62 điểm (-0,51%) về 313,29 điểm.

chung khoan ngay 26/5,  co phieu FLC,  dau co anh 2

VN-Index giằng co quanh mốc tham chiếu ngày 26/5. Đồ thị: TradingView.

Xu hướng thị trường được giữ khá cân bằng bởi sự phân bổ của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Rổ chỉ số VN30 hôm nay giảm nhẹ 0,09% với 15/30 mã giảm giá.

Đóng góp tích cực nhất vào chỉ số là VHM của Vinhomes với mức tăng 1,2% lên 68.700 đồng, tiếp đến là HPG của Hòa Phát tăng 1,6% đạt 35.000 đồng, PLX của Petrolimex tăng 2,8% ở mức 42.550 đồng.

Một nhóm cổ phiếu tăng tốt và hút mạnh dòng tiền hôm nay đến từ khối chứng khoán. Dẫn dắt đà tăng là cổ phiếu đầu ngành SSI tăng giá 2,3% đạt 29.450 đồng, ngoài ra còn có VDS tăng trần, SBS bứt phá 4,6%, CTS có thêm 2,8%.

Nhóm cổ phiếu thủy sản tiếp đà bứt phá sau phiên tăng trần đồng loạt hôm qua, trong đó VHC, ANV, FMC tăng thêm 1%. Nhóm cổ phiếu sản xuất điện như REE tăng 4,5%, VSH tăng 3,3% hay TTA có thêm 4,4%. Nhóm thép ghi nhận sắc xanh hàng loạt tại HPG, HSG, NKG, SMC...

chung khoan ngay 26/5,  co phieu FLC,  dau co anh 3

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất phiên 26/5. Nguồn: VNDirect.

Ở chiều đối lập, MSN của Masan Group là mã có tác động xấu nhất lên thị trường bởi mất giá 1,7% về 108.600 đồng. Tiếp đến là VPB của VPBank giảm 1,4% còn 31.050 đồng, NVL của Novaland mất 1,1% xuống 78.000 đồng.

Cổ phiếu phân bón cũng có chiều hướng điều chỉnh với DPM mất 3,9%, DCM giảm 3,2%. Cổ phiếu dầu khí ghi nhận BSR rơi 2,5% về 23.800 đồng, PVS điều chỉnh giảm 2,7% hay PVC rới 2,5%...

Mặc dù chỉ số có sự cân bằng, độ rộng thị trường vẫn có phần nghiêng về sắc xanh. Toàn sàn có 554 mã tăng giá, 388 mã giảm giá và 172 mã đứng tại tham chiếu.

Thanh khoản thị trường lại trở về mức thấp khi lực cầu không còn, tổng giá trị giao dịch đạt 16.210 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 280 tỷ đồng trên HoSE.

Chứng khoán phái sinh có phải 'tội đồ' hút thanh khoản?

Chuyên gia chứng khoán lý giải thanh khoản cơ sở mất hút là do nhiều yếu tố cộng hưởng, nhà đầu tư cũng không nên đoán đáy thị trường mà nên giải ngân từng phần.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm