Đầu năm 2015, khi trận mã cầu do ca sĩ Thu Minh lên ý tưởng, phối hợp Hoàng gia Anh thực hiện tại TP.HCM, nhiều người cho rằng đó là trận polo đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, tập ba bộ truyện tranh Long thần tướng phát hành gần đây, đưa ra chi tiết các nhân vật từ thời Trần đã chơi bóng trên lưng ngựa.
Poster Long thần tướng tập ba do họa sĩ Thành Phong vẽ tái hiện một trận đấu mã cầu thời Trần. |
Ở tập ba này, nhân vật Long đang trú ở chùa Yên Khánh thì bị bắt cóc. Cậu được đưa tới phủ Chiêu Quốc của Trần Ích Tắc (nhân vật có thật trong lịch sử), được nuôi dưỡng ăn học. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ích Tắc là người thông minh, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương.
Ông mở học đường nuôi dưỡng văn sĩ bốn phương, đào tạo thành tài. Đặc biệt Ích Tắc thông thạo nhiều thú chơi. Vì thế, khi cốt truyện Long thần tướng tập ba có nội dung để nhân vật Long ở phủ Chiêu Quốc, các thói quen sinh hoạt, thú chơi nơi đây được tái hiện.
Cụ thể, các tranh ở trang 130, 131, 132 trong truyện vẽ lại cảnh các học sĩ ở phủ Chiêu Quốc thi đấu mã cầu. Các nhân vật ngồi trên lưng ngựa, tay cầm vồ có cán dài để điều khiển bóng. Thời gian, địa điểm trận cầu được ghi rõ là “Thiệu bảo năm thứ ba, Tân Tỵ (1281), thành Thăng Long”.
Tranh vẽ các học sĩ phủ Chiêu Quốc đấu mã cầu. |
Nhóm Phong Dương Comics cho biết không phải Long thần tướng là truyện tranh mà các tác giả muốn hư cấu sao cũng được. Việc để các nhân vật từ thời Trần chơi mã cầu là có căn cứ, dựa trên tư liệu lịch sử. Các công hầu thời Trần đánh bóng trên lưng ngựa được viết lại trong An Nam chí lược (Lê Tắc biên soạn năm 1335).
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức lược dịch một đoạn trong Quyển Đệ Nhất, phần Phong tục An Nam chí lược: "Tháng hai dựng Xuân Đài, bọn ca kỹ hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đài. Vua coi các trò tranh đua trước sân, coi bọn lực sĩ và con trẻ đấu vật, ai thắng thì được thưởng. Các công hầu thì đánh bóng trên lưng ngựa. Quan nhỏ thì chơi các trò như đánh cờ vây, đánh vu bồ (bài thẻ), đá bóng, giác đấu, sơn hô hầu".
Để tái hiện lại trận mã cầu thời Trần bằng tranh, họa sĩ Thành Phong phải nghiên cứu, tham khảo hình ảnh liên quan. Anh phân tích các bức tranh vẽ lại việc chơi mã cầu trong lịch sử của một số nước châu Á để có thể hiểu về kỹ thuật, dụng cụ, thao tác chơi thời đó.
Đây không phải lần đầu tiên nhóm tác giả này khổ công vì một chi tiết trong Long thần tướng. Để làm được bộ truyện tranh lịch sử, các tác giả luôn có sự tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa.
Từng chi tiết, hình ảnh, lời ăn tiếng nói, trang phục, bối cảnh đều phù hợp lịch sử. Quy trình sáng tác luôn tuân thủ nghiêm ngặt: Khánh Dương biên kịch, Thành Phong, Mỹ Anh vẽ, sau đó Thành Phong sẽ sửa lời thoại. Công đoạn cuối cùng, cố vấn bộ truyện là nhà nghiên cứ Trần Quang Đức sẽ biên tập lại lần cuối.
Các phiên bản sách Long thần tướng tập ba. |
Lấy bối cảnh thời Trần, Long thần tướng không chuyển tải những sự kiện hoành tráng, vĩ mô trong biến cố lịch sử. Tác phẩm kể câu chuyện hư cấu, nhưng tái hiện góc nhìn chân thực lịch sử ở từng chi tiết nhỏ.
Con người thời Trần ăn mặc như thế nào, răng tóc ra sao được thể hiện ở tập một. Kinh thành thời xưa ra sao, việc tiếp đón sứ của láng giềng, lễ hội trong triều thể hiện ở tập hai. Đến tập ba, những thú chơi của quý tộc Việt được thể hiện.
Tập ba bộ truyện tranh Long thần tướng phát hành được một thời gian, tiếp tục ghi điểm trong làng truyện tranh Việt. Sở dĩ bộ sách được đông đảo công chúng yêu thích, đạt giải thưởng quốc tế, bởi tác phẩm không chỉ kể bằng tranh một câu chuyện hấp dẫn, mà còn chứa đựng hàm lượng lịch sử, văn hóa dân tộc.