Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có nơi thương lượng 2 năm mới tăng 1.000 đồng tiền ăn cho công nhân

"Nhiều người chủ chỉ nghĩ về lợi nhuận. Có những nơi, công đoàn phải đi thương lượng với chủ doanh nghiệp 2 năm mới tăng được 1.000 đồng tiền ăn cho công nhân", ông Hiểu nói.

Câu chuyện trên được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, chia sẻ sáng 23/11 tại buổi họp báo phát động cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài công nhân và công đoàn. Cuộc thi được giao cho Báo Lao Động phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thực hiện.

Theo ông Hiểu, các thống kê cho thấy khoảng 17-18 triệu người Việt Nam đang là công nhân. Quá trình đi thực tế ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp, ông ghi nhận nhiều câu chuyện đau lòng của lực lượng này.

Ông kể lại câu chuyện một nữ công nhân ở Bình Dương vẫn phải đi làm trong khi đang phải xạ trị ung thư. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi mẹ già bị bệnh tim và 2 đứa con, trong đó một bé bị suy thận. Chị không dám để công ty biết mình bị ung thư vì sợ bị cho nghỉ việc, trong khi cả gia đình đang trông chờ vào khoản lương hàng tháng của chị.

sang tac truyen ngan ve cong nhan anh 1

Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân và công đoàn, sáng 23/11. Ảnh: M.H.

Ngoài ra, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng khi quan hệ chủ - thợ hình thành càng rõ nét thì công nhân càng mất đi vị thế của mình. Có những nơi, công đoàn phải đi thương lượng với chủ doanh nghiệp gần 2 năm trời mới tăng được hơn 1.000 đồng tiền ăn ca, từ 14.000 lên 15.000 đồng.

"Nhiều chủ doanh nghiệp chỉ nghĩ thuần túy về lợi nhuận. Công nhân dù gắn bó lâu dài nhưng đến khi họ 40-50 tuổi, có nơi lại tìm cớ đuổi việc. Nhiều người phải đi làm nghề khác để kiếm sống, có người không dám về quê vì không còn nhà cửa; có người không dám lấy vợ lấy chồng vì không đủ kinh tế để lập gia đình", ông Hiểu nói.

Ông cho rằng những câu chuyện trên đủ để thấy rằng xã hội phải quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu đến lực lượng đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kinh tế, xã hội. Đằng sau những tòa nhà cao tầng hay dây chuyền sản xuất là số phận của những lao động phải tha hương kiếm sống, cố gắng bám trụ khu công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, dòng văn học viết về công nhân và người lao động từng phát triển khá mạnh mẽ và hội tụ hàng trăm tác giả lớn. Qua thời gian, đề tài này "hơi lùi lại ở trong văn học".

Ông cũng cho biết đợt dịch vừa qua bộc lộ nhiều vấn đề xoay quanh cuộc sống của người lao động, công nhân. Câu hỏi về sự bền vững trong công việc của họ gây nhức nhối không chỉ cho Tổng LĐLĐ Việt Nam, mà cho cả những nhà văn.

"Hội Nhà văn và những người yêu văn học rất suy nghĩ. Chúng tôi thấy cần phải lên kế hoạch đưa người lao động và công đoàn trở lại thành một trong những nhân vật trung tâm của văn học, cùng những nhân vật khác", ông Phương nói.

Cuộc thi "Sáng tác văn học về đề tài công nhân và công đoàn" diễn ra trong 2 năm, thời gian nhận bài từ tháng 11/2021 đến hết tháng 8/2023. Tổng giải thưởng của cuộc thi là 2,5 tỷ đồng, trích từ nguồn xã hội hóa. Cơ cấu giải đặc biệt của thể loại tiểu thuyết có giá trị lên đến 400 triệu đồng, thể loại truyện ngắn là 200 triệu đồng.

Đề xuất 7 nhóm giải pháp phục hồi thị trường lao động

Dự thảo chương trình phục hồi thị trường lao động của Bộ LĐTB&XH gồm 7 nhóm giải pháp lớn, trong đó tập trung việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Người dân được nghỉ 3 ngày liên tục dịp Tết Dương lịch 2022

Người lao động cả nước được nghỉ Tết Dương lịch 2022 trong 3 ngày, bao gồm một ngày nghỉ cuối tuần và một ngày nghỉ bù.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm