Vào thời điểm đen tối của đại dịch, các y tá, bác sĩ không chỉ chịu đựng những nỗi đau về thể xác, từ những vết cắt vào da mặt do đeo mặt nạ quá lâu, cho đến những vấn đề khác như da tay bỏng rát vì rửa tay bằng cồn quá nhiều.
Trầm cảm
Hai bàn tay Mia ngày xưa mịn màng, bây giờ mỏng và bóng lên như nhựa. Khi rửa tay với cồn thì đau rát không thể tả. Băng cá nhân cứ thế dán chằng chịt lên những vết thương.
Sau cơn bão Covid-19, y, bác sĩ như những cành cây khô vươn mình chống bão. Họ trở nên xơ xác, tơi tả, khi phải đối mặt hàng trăm nỗi lo buồn lớn nhỏ không tên. Thiếu đồ bảo hộ chỉ là một phần của bức tranh to lớn ấy.
Có nhiều y, bác sĩ không chịu nổi gánh nặng trách nhiệm đang đè nặng trên vai. Họ thường xuyên căng thẳng, đau buồn và tồi tệ nhất là cảm giác không thể cứu sống được bệnh nhân rồi nhìn họ ra đi, như cái chết gần đây của Xie.
Có rất nhiều y, bác sĩ đã rơi vào trầm cảm. Bệnh stress được duy trì trên nền tảng của căn bệnh trầm cảm giống như thứ độc dược đi vào cơ thể và dần dần hủy hoại lục phủ ngũ tạng, cướp đi mọi sự lạc quan và niềm vui trong cuộc sống của họ.
Sức cùng, lực kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần nhưng họ không thể ngừng suy nghĩ về công việc, đại dịch và những bệnh nhân, về tương lai của vaccine, ngay cả khi trút đi lớp y phục trên người.
Sự trầm cảm đeo bám họ theo đúng nghĩa của “con chó đen” trung thành không bao giờ rời xa. Trầm cảm cộng với tình trạng cách ly xã hội là bộ đôi kinh ác vì họ buộc phải đối diện những nỗi buồn lo của mình trong sự đơn độc.
Nhiều y, bác sĩ rơi vào trạng thái trầm cảm trong cuộc chiến với Covid-19. Ảnh minh họa: Mdlinx. |
Joan là nạn nhân của con chó đen đấy, ngay cả trước khi Covid-19 diễn ra. Cuộc sống cá nhân của bà đã trải qua nhiều thăng trầm và biến cố. Tuy trong mắt của đồng nghiệp bà hơi lập dị, Joan vẫn là y tá tận tụy và hết lòng với bệnh nhân. Bà đã có thâm niên hơn 40 năm làm nghề.
Joan trước nay vốn là người nghiện thuốc. Gần đây, mỗi ngày, bà hút gấp đôi số điếu bình thường. Bà cần đến nicotin hơn bao giờ hết.
Gần đây, tôi bị chứng mất ngủ - Joan thì thào qua làn khói thuốc - Mỗi đêm phải nốc một viên oxazepam mới ngủ được. Năm nay, tôi 65 tuổi rồi, đã trải qua hai lần ung thư, chấn thương đầy mình, không lúc nào là không đau.
Không chồng, con gái thì đã mất. Tôi đi làm vì muốn đi làm, vì công việc khiến tôi cảm thấy cuộc đời của mình còn một mục đích sống. Haha, một người bệnh đi chăm sóc những người bệnh khác. Cô xem có buồn cười không? Cô nhìn tôi như thế này, thật ra thì bên trong lục phủ ngũ tạng đang chết dần chết mòn cả đấy.
Mia ngạc nhiên vì đã rất lâu rồi bà Joan không chủ động tâm sự với cô nhiều như thế. Joan gần đây như trở thành con người khác. Ánh mắt vô hồn, nụ cười trên môi mà trước đây vốn đã hiếm hoi, bây giờ dường như lặn mất tăm như một viên sỏi bị ném xuống một chiếc hồ sâu, chiếc hồ chứa những nỗi niềm bí mật mà không một ai có thể nhìn thấy được.
Tối nay, tôi quyết định uống hết một chai rượu. Đã lâu rồi tôi không uống. Nhưng thời gian gần đây có nhiều chuyện làm tôi buồn quá, phải uống thật say để ngủ một giấc thật ngon, ngủ như chưa từng được ngủ!
Joan bỗng phá lên cười man rợ, trong tiếng cười xen lẫn sự chua chát. Bà đừng uống nhiều quá, không tốt cho sức khỏe đâu - Mia ra vẻ mô phạm - Hút thuốc nhiều như thế còn chưa đủ hại sao?
Cảm ơn cô nhiều nhé...
Vì điều gì cơ?
Vì đã luôn là bạn của tôi - Mia cố nhìn kỹ vì cô thấy mắt Joan ươn ướt. Mia không biết do ánh đèn đường phản chiếu, hay mắt Joan thật sự đang long lanh?
Họ sợ tớ mang bệnh
Sao mặt bạn rầu rĩ thế Faith? Có chuyện gì?
Thấy Faith bước vào nhà với vẻ mặt hầm hầm, Mia ngạc nhiên. Cô bạn vốn là người vui vẻ, hoạt náo, tưởng như chẳng bao giờ biết buồn, hôm nay mặt lại dài như cái bơm thì thật là lạ lắm.
Không thể tin được, thật là không thể nào tin được Mia ạ! - Faith chau mày - Ngày hôm nay tớ bị từ chối những hai lần!
Từ chối? Ai từ chối cậu cơ?
Cả thế giới này đảo điên cả rồi! - Faith vẫn bực dọc nói - Hôm nay, tớ đi mua đồ ở một cửa hàng điện tử, tên bảo vệ đứng gác cửa nhìn thấy tớ mặt đồng phục không cho vào. Họ sợ tớ mang bệnh!
Sau đó, tớ đến một quán cà phê định mua một ít thức ăn đem về thì họ không bán cho tớ. Tên phục vụ láo toét ấy còn la vào mặt tớ: “Cô không nên làm virus lây lan tùm lum!”.
Nói xong, Mia thấy mắt bạn mình hoe đỏ. Faith cười nhạt:
Chúng ta hy sinh sức khỏe của bản thân, chấp nhận rời xa gia đình của mình, chỉ để được đáp lại với những thái độ hắt hủi, xa lánh và ghê sợ như thế sao?
Sao lại có chuyện kỳ cục như thế được chứ? - Mia lắc đầu, rồi chợt nhớ đến bản thân mình cũng từng bị hành hung trên tàu hỏa vì mang trên người bộ đồng phục y tá, lòng cô dâng lên một sự đồng cảm sâu sắc.
Chuyện này đã là gì đâu - Faith hùng hồn tiếp lời - Ở Pennirth, cảnh sát được gọi đến một cửa hàng McDonald sau khi một nữ hộ lý đang mang thai bị hành hung ngay chỗ lối chạy của xe hơi đấy! May mà hình như cô ấy không sao cả!
Rồi Faith thở hắt ra, kết luận:
Rồi một ngày nào đó, chính chúng ta có thể là người cứu mạng những kẻ đã sỉ nhục chúng ta trong bệnh viện! Khi mà chúng ta phải thọc ống thở xuống cổ họng chỉ để duy trì đường hô hấp cho họ, thì họ sẽ phải ước gì mình chưa từng hành động lỗ mãng và thiếu suy nghĩ như vậy!
Là người mẹ, Mia cảm thấy câu chuyện này thật không thể chấp nhận được. Cô thấy căm phẫn dùm cho nữ hộ lý kia. Lòng cô dâng lên một nỗi buồn, một nỗi buồn rất Covid-19.