Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo của Chính phủ việc thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững. Lao động nữ tập trung trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp, hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao.
Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ cũng thấp hơn so với lao động nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ cũng thấp hơn so với lao động nam. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu lên thực trạng sa thải lao động ở độ tuổi trên 35, trong đó phần lớn là lao động nữ, đang là vấn đề đáng báo động.
Bộ trưởng Dung cũng dẫn ra kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp, cho thấy có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc.
Lý do chính được các doanh nghiệp đưa ra là cơ cấu lại sản xuất, hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Lãnh đạo ngành LĐTB&XH cho biết Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp và can thiệp bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Tỷ lệ lao động thất nghiệp năm 2016 phân theo giới tính. |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho biết qua khảo sát, đời sống của nữ công nhân làm việc ở các khu công nghiệp đa số rất khó khăn.
“Có thông tin còn cho biết đa số nữ công nhân ở các khu công nghiệp cứ trên 35 tuổi là bị doanh nghiệp sa thải, không được hoặc không thể tiếp tục làm việc nữa”, bà Nga nêu thực trạng.
Theo bà Nga, phụ nữ ở độ tuổi 35 đang là trụ cột gia đình, đang phải nuôi dạy con cái mà việc chuyển đổi công việc là sẽ rất khó khăn. Tới đây, các cơ quan của Quốc hội sẽ có những đợt kiểm tra, khảo sát cụ thể về vấn đề này.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết tình trạng “vắt chanh bỏ vỏ” của các doanh nghiệp.
Nguyên nhân là một số doanh nghiệp chỉ thích sử dụng lao động nữ trẻ tuổi để tận dụng sức lao động, giá rẻ. Khi nữ công nhân đã lớn tuổi hơn thì sa thải để tuyển dụng mới các nữ công nhân khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ bà cũng rất “đau đáu” về đời sống của nữ công nhân . Ảnh: Hoàng Hà. |
Bà Hải nhấn mạnh điều này rất cần lên án, xem xét có giải pháp khắc phục.
Bà Hải cũng dẫn ra con số năm 2016 có 1,2 triệu lao động thất nghiệp ở độ tuổi trên 35 thì chiếm hơn 80% là phụ nữ. Đồng nghĩa với việc khoảng 960.000 phụ nữ mất việc khi đang ở độ tuổi trụ cột gia đình.
Theo bà Hải, lý do là do Bộ luật lao động chưa quy định rõ, cụ thể về tình trạng sử dụng lao động nữ trên 35 tuổi. Thế nên có doanh nghiệp FDI rất lớn về sản xuất xe máy ở miền Bắc một năm thay đến 40% lao động. Cứ tuyển người trẻ vào rồi liên tục sa thải, tuyển mới mà cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, xử lý được.
Nghe các ý kiến kể trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ bà cũng rất “đau đáu” về đời sống của nữ công nhân. Bà đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH phải có rà soát, xem xét lại vấn đề này.