Chị Nguyễn Thị Hạnh rời Quảng Xương (Thanh Hóa) từ năm 1999, khi vừa học hết cấp 3. Chị Nam xin làm công nhân. Tới nay, đã 38 tuổi, chị Hạnh có thâm niên 20 năm làm cho công ty giày da của Đài Loan đặt tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Trong khi bạn bè chuyển hết công ty này tới công ty khác, chị Hạnh vẫn gắn bó một nơi. Nhờ đó, sau hơn 5 năm, chị được chuyển lên làm tổ trưởng một dây chuyền gồm 8 người.
Lách luật
Chị Hạnh cho biết khoảng từ năm 2010 tới nay, kinh tế khó khăn, lương và bảo hiểm tăng, các công ty đẩy mạnh thay lao động lâu năm bằng người trẻ hơn ở những công việc chỉ học 2-3 tuần là làm được. Nhiều công ty thông báo chỉ tuyển lao động dưới 33 tuổi nên nhiều bạn bè chị Hạnh không tìm được việc ở công ty mới, đành về chạy chợ, đi lượm ve chai, nhặt đồng nát.
Tình trạng thải loại lao động 35-40 tuổi ở các doanh nghiệp đã được ghi nhận trên thực tế. Ảnh: Như Ý. |
“Những người gắn bó với công ty gần 20 năm như tôi, lương và phụ cấp được gần 8 triệu đồng, chúng tôi làm tăng ca ít, con cái ốm đau nên nghỉ nhiều. Trong khi công nhân trẻ mới vào, lương chỉ 3-4 triệu đồng mỗi tháng, họ chịu khó tăng ca, ít nghỉ.
Mới năm ngoái thôi, công ty thông báo ai trên 35 tuổi nếu tự xin nghỉ sẽ được nhận trợ cấp một lần bằng 6-7 tháng lương. Nếu không nghỉ, công ty sẽ chuyển sang dây chuyền khác”, chị Hạnh kể.
Như phản ánh của PV Tiền Phong (số ra ngày 3/3/2017), thực tế doanh nghiệp (DN) tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động, thải loại công nhân khi họ tới 35 đến 40 tuổi đang có xu hướng phổ biến hơn. Tới nay chưa ghi nhận trường hợp DN nào loại công nhân ở tuổi đó bị xử lý, thậm chí một khảo sát trên diện rộng cũng chưa được thực hiện.
Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương, cũng cho biết trên địa bàn có tình trạng trên (đặc biệt với lao động nữ). Việc loại lao động tuổi 35 trở lên chủ yếu diễn ra ở DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sản xuất trong ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, điện tử…
“DN luôn muốn giảm tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền nghỉ phép, thưởng lễ tết… Qua đó tối đa hóa lợi nhuận, nên luôn tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động đối với công nhân lớn tuổi”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, DN có nhiều cách để chấm dứt hợp đồng với lao động lớn tuổi, như tăng định mức, sản lượng phải hoàn thành để số lao động lớn tuổi không đáp ứng được và bị chấm dứt hợp đồng, hoặc họ tự nghỉ.
Một cách khác là họ bố trí dây chuyền có số lao động lớn tuổi ít người hơn so với dây chuyền có lao động trẻ, với lý do lao động lớn tuổi làm lâu thạo nghề, quen tay hơn người trẻ…
Có DN cào bằng mức lương giữa lao động lớn tuổi và lao động trẻ, khiến nhiều lao động lớn tuổi cảm thấy bị đối xử không công bằng, từ đó họ tự nghỉ việc. Thậm chí, DN thay đổi dây chuyền, công nghệ nên đưa đơn xin nghỉ việc cho người lao động ký, thay vì đào tạo lại theo luật.
Hậu quả nặng nề
Mới đây, Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã khảo sát mẫu tại 64 DN cả nước và cũng ghi nhận có tình trạng thải loại lao động lớn tuổi. Tuy nhiên, tới nay chưa có một khảo sát, điều tra đầy đủ nào về vấn đề này, tất cả mới dừng lại ở ghi nhận hiện tượng.
“Những đề xuất sửa đổi mới sẽ phải tính tới ngăn chặn DN thải loại LĐ lớn tuổi”.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tại Công ty Honda Việt Nam ở Vĩnh Phúc, theo khảo sát của tổ liên ngành tỉnh này, giai đoạn 2013-2016, mỗi năm DN này tuyển mới từ 1.000- 3.000 lao động, chủ yếu lao động phổ thông. Cùng đó, mỗi năm Honda chấm dứt hợp đồng lao động với từ 1.000 tới gần 3.000 người (tương đương số tuyển mới), chỉ giữ lại mỗi năm vài trăm người.
Để “thay máu” lao động, Honda Việt Nam tổ chức các kỳ thi sát hạch tay nghề, và đa số người thi đều bị… rớt.
Do Honda làm không trái luật, nên đoàn liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ có thể kiến nghị: “Honda Việt Nam xem xét điều chỉnh nội dung đánh giá năng lực để ký hợp đồng không thời hạn cho phù hợp với thực tế Việt Nam”.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng dù ghi nhận có việc DN thải người lao động lớn tuổi, nhưng rất khó xử phạt, vì DN có nhiều cách lách luật. Như chỉ ký 2 hợp đồng ngắn hạn rồi thôi, thậm chí trả thêm tiền để lao động lớn tuổi tự xin nghỉ việc.
Cần nghiên cứu lại luật lao động
Theo một nguyên lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng chấm dứt hợp đồng với lao động lớn tuổi sẽ nghiêm trọng hơn nếu Bộ Luật lao động sửa đổi (đang lấy ý kiến) được thông qua.
Theo Bộ Luật lao động sửa đổi, chủ sử dụng lao động chỉ được ký 2 hợp đồng xác định thời hạn liên tục, hợp đồng thứ 3 phải ký không thời hạn. Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi sẽ mở hơn, nếu hợp đồng lao động có thời hạn hết hiệu lực, người LĐ vẫn tiếp tục làm việc thì xem như hợp đồng “tự động ký mới” với thời hạn như hợp đồng cũ. Chỉ khi người lao động và chủ sử dụng ký lại hợp đồng mới, thì đó mới là hợp đồng không xác định thời hạn.
“Nếu quy định mới này được thông qua, DN chỉ cần ký một hợp đồng có thời hạn, sau đó không ký lại hợp đồng mới, lao động vẫn làm việc bình thường nhưng mãi mãi vẫn là hợp đồng có thời hạn. Như vậy, chủ sử dụng thích chấm dứt hợp đồng khi nào cũng được”, ông này phân tích.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng những thay đổi trong Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi về hợp đồng lao động sẽ phải nghiên cứu lại. Do khi xây dựng dự thảo, vấn đề thải loại lao động lớn tuổi chưa nóng như hiện nay.