Một lối đi hẹp men theo một hàng rào cây ô rô xanh vừa đủ che những đôi mắt tò mò. Một khoảnh sân sau với nhiều cây cỏ chăm chút công phu, lấy không gian cho dân nghiện thuốc lá tự do hít thở, và kín đáo hơn, sau mấy khóm cây tường vi lòa xòa là nơi quý bà quý ông xả bớt những thứ tích lũy trong người qua suốt những dặm đường dài xa ngái.
Rồi đến một cầu thang gỗ cũ kĩ, tiếng của gỗ sồi rên rỉ theo mỗi bước chân khách. Ở chỗ cầu thang ngoặt để lên tiếp tầng trên, một cánh cửa mở để lộ gian gác lửng tranh tối tranh sáng. Nhiều người nhòm vào. Có tiếng ai đó thì thào:
- Đấy đấy, ông ta đã sống tại phòng này...
Vâng, đấy chính là căn gác nơi nhà danh họa Van Gogh sống bảy mươi ngày cuối cùng trong đời. Bảy mươi ngày tạm coi là hạnh phúc của ông vì họa sĩ được bao bọc trong tình cảm bạn bè và được có thời gian không phải kiếm cái ăn để thoải mái hiến mình cho sáng tạo nghệ thuật.
Cũng là bảy mươi ngày đau khổ như cả cuộc đời ngắn ngủi của nhà hội họa tài hoa, “một cuộc đấu tranh dài và vô vọng vượt lên cơn bệnh thường xuyên gặm nhấm và một thế giới không ngừng chối bỏ ông” (lời nhà nghiên cứu nghệ thuật hội họa Pháp Robert Fohr viết sau khi Van Gogh từ trần).
Bảy mươi ngày đủ dài cho ông sáng tác bảy mươi bức tranh chân dung và phong cảnh, một số trong đó sẽ được coi là những tuyệt tác tự cổ chí kim trong ngành nghệ thuật tạo hình...
Bảy mươi ngày kết thúc bằng một phát súng tự bắn vào ngực mình, vào một chiều lang thang rồi lạc lối giữa cánh đồng rộng không có bóng người, đúng lúc tâm hồn đang chới với, càng tin chắc mình đã bị cuộc sống bỏ rơi, đã đến bước đường cùng này thì sống nữa làm chi! Nhưng cuối cùng, ông lại trở về với căn gác xép của mình, tại đây ông từ trần hai hôm sau, ngày 29 tháng 7 năm 1890. […]
Quán trọ Ravoux (nơi ở cuối cùng của danh họa Van Gogh). Nguồn: wikipedia. |
Người dẫn đường giục các khách tham quan bước tiếp. Tôi hiểu: chưa đến lúc khách tham quan được phép vào phòng để nhìn cho kĩ. Còn phải đi tiếp lên gác trên, đến một căn phòng tối om, tại đó người ta chiếu cho xem một cuốn phim về cuộc đời nhà danh họa, đặc biệt về bảy mươi ngày cuối ông sống trong ngôi nhà này. […]
Trình tự tham quan được người ta sắp xếp khá bài bản. Từ căn phòng đầy ắp kỷ niệm danh nhân này, mời các bạn xuống luôn tầng trệt. Đây là phần sau của căn nhà, khá rộng, dường như được cơi nới thêm, nơi bày bán phiên bản các tác phẩm của Van Gogh.
Đáng tiếc không còn - và tôi nghĩ chắc ít người hôm nay mua được - phiên bản những tác phẩm nổi danh nhất của ông. Lục lọi chán tôi cũng chỉ chọn được vài bức tranh in trên giấy không lấy gì làm ưng ý lắm. Từ phòng tranh chúng tôi bước sang gian phòng rộng nhìn ra phía trước, nơi có lối vào chính từ một đường phố. Đây mới chính là lữ quán. Hồi nãy, khi chúng tôi theo cái ngách có bờ rào ô rô để vào sân sau, gian này còn đóng chặt cửa vì chưa tới giờ đón… khách ẩm thực.
Một căn phòng khá rộng, song trở nên chật chội bởi bày biện quá nhiều bàn ghế đủ cho nhiều đoàn khách ăn đến dùng bữa cùng một lúc. “Quán rượu” là từ người viết bài này tạm dùng. Tên gọi bằng tiếng Pháp của nó gợi cảm hơn nhiều: auberge, có nghĩa nôm na là quán cơm bình dân ven đường.
Thời xưa, thi thoảng khách lữ hành gặp ven các đường cái vùng xa xôi cách trở một cái auberge, một số quán trọ có cả chỗ cho du khách buộc tạm con ngựa mệt phờ vào gốc cây ở góc sân nhờ người cho ngựa ăn, rồi vào bên trong quán nghỉ tạm qua đêm, đợi đến sáng mai sẽ lên ngựa rong ruổi tiếp những dặm đường, có thể gọi văn hoa hơn là lữ quán. Ấy là do tôi mường tượng ra, nhưng tin chắc là không quá sai ngoa so với thực tế lịch sử.
Auberge Van Gogh. Lữ quán Van Gogh. Nghe gợi cảm lắm chứ! Mà đó chính là thương hiệu khá lừng danh của nhà hàng này ở nước Pháp hiện đại. Bạn hãy mường tượng đi, trong tay cầm li rượu vang đỏ, ta cũng là một du khách lang thang giống như ai đó xưa kia, và chắc ta cũng ít nhiều có mắc bệnh tâm thần giống như căn bệnh đã hành hạ Van Gogh, may sao đến lúc những nẻo đường xa sắp làm cho ta kiệt sức thì may mắn gặp luôn cái lữ quán này sau những ngày lấm láp bụi trần gian.
Cách trang trí trong auberge cố tình tái tạo bầu không khí thôn dã ở châu Âu vào cuối thế kỷ trước. Nhưng thực đơn thì hiện đại lắm, sang trọng lắm. Và giá thức uống càng đắt như cứa cổ...
Ấy thế mà anh bạn cùng đi, người chủ trì chuyến thăm và cũng là người mời chúng tôi đến đây cụng li hôm nay, cho biết các tour du lịch từ nội đô Paris tới đây phải đặt hàng giữ chỗ trước từ lâu, dĩ nhiên phải đóng cược tiền nhiều tuần nhiều tháng trước thời điểm, thì mới bảo đảm cho các vị khách quý của mình đến ngày hẹn chắc chắn sẽ có chỗ ngồi sát bên cạnh nhau và nâng cốc chúc mừng nhau trong cái lữ quán… bình dân này.
Xong bữa trưa kéo dài, mỗi thực khách được ông chủ lữ quán tặng một vật kỷ niệm. Hôm tôi đến, khớp vào dịp cuối năm, cho nên món quà đơn giản là một tấm lịch treo tường. Lịch của năm sau, đương nhiên, in trên một tờ giấy rộng.
Tôi mang cái quà biếu giản đơn về Hà Nội, cái quý có thể mang ra khoe với bạn bè là bên trên các dòng in ngày tháng trong năm, có in lại một bức tranh của Van Gogh. Nhưng lại hơi tiếc, đây chỉ là một bức tranh tầm tầm, không nằm trong số những tuyệt tác của nhà danh họa mà mọi người đều hâm mộ, để cho tôi được tha hồ khoe với mọi người.