Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cà phê Paris

Quán cà phê, từ vài ba thế kỷ nay hầu như đã trở thành dấu ấn đậm nét trong đời sống ngày thường của người dân Paris.

Một số hiệu cà phê nổi tiếng không kém các công trình lịch sử, văn hóa, thậm chí hàng ngày có đông khách tới lui hơn. Một tác giả Mỹ, Donald G. Mitchell viết: “Đã đến Paris mà không bước vào hiệu cà phê Paris thì có khác chi tới Ai Cập mà không đi xem các Kim tự tháp”.

Mấy chục năm sau, triết gia người Áo Rudolf Steiner khái quát hơn: “Văn hóa châu Âu thể hiện qua các quán cà phê, các con đường đi bộ và các ngõ phố chật hẹp đông nghịt người lại qua”.

Người ta đến hiệu cà phê để tán gẫu; để nói chuyện văn chương, xã hội hay luận bàn về một vở diễn hoặc một tác phẩm mới trình làng; có khi còn để bàn các đại sự quốc gia hay mưu đồ thay đổi các nhà cầm quyền qua kỳ tổng tuyển cử sắp diễn ra, tuy nhiên phần lớn là để chẳng làm gì cả.

Như nhà văn Léon Paul Fargue viết: “Người Pháp vào hiệu cà phê là để mình có mặt tại hiệu cà phê...”. Đơn giản thế thôi. Cuộc sống thường nhật của không ít văn nhân nghệ sĩ ngày trước là từ hiệu cà phê đến thư viện, hay từ hiệu sách, và từ thư viện về với quán cà phê.

Thậm chí có người quả quyết: “Hiệu cà phê thực tế là một thiết chế của nước Pháp, một thiết chế cực kỳ dân chủ. Chẳng ai có thể cai trị nổi các hiệu cà phê đâu. Cách mạng Pháp đã hình thành từ hiệu cà phê bởi các hiệu cà phê vốn thuộc về cách mạng”. (M. de Salvandry).

Du ky Phan Quang anh 1

Nhà hàng Fouquet’s - nơi duy nhất trên đại lộ Champs Élysées năm 1990 có quán cà phê vỉa hè. Nguồn: artphotolimited.

Có bao nhiêu hiệu cà phê trong hai mươi quận nội thành của thủ đô nước Pháp? Một nghìn năm trăm hiệu! Cục Thống kê chính thức của Nhà nước Pháp cung cấp cho ta con số ấy.

Vậy mà nhiều người quả quyết, chắc chắn các quán cà phê có thực nhiều hơn con số thống kê, gấp cả chục lần cơ. Trong khi nhiều người lại bảo, thật ra số hiệu cà phê đích thực cũng chỉ đến chừng ấy mà thôi.

Bởi mấy từ “quán cà phê” ở Paris bao hàm nghĩa khá rộng, ai muốn hiểu theo cách nào cũng được. Hiệu cà phê không đơn thuần là nhà hàng chuyên bán loại thức uống ấy, mà hiệu cà phê còn là nơi người ta đến để dùng ly nước giải khát, để ăn nhanh, nhét tạm chút gì đấy vào dạ dày cho qua bữa, nói theo cách người Pháp, “ăn mỗi một đĩa”, chứ không phải đầy đủ lễ bộ món vào món ra, món chính món phụ... cầu kỳ, tốn kém thời gian và mau chóng làm rỗng cái ví tiền của khách. […]

Nhà hàng Fouquet’s nằm ở góc đại lộ Champs Élysées và đại lộ George V là một nơi như thế. Từ hơn một thế kỷ nay, nhà hàng ấy - khởi thủy là quán rượu khiêm tốn của những người dân lái xe tải - là điểm lui tới của giới thượng lưu, các chính trị gia cao cấp, những ngôi sao trong làng văn học, nghệ thuật và những người giàu có nhất ở thủ đô Paris.

Kỷ niệm 100 năm ngày ra mắt thương hiệu Fouquet’s (1899-1999), nhà hàng được nhà nước xếp hạng là... “di tích lịch sử văn hóa quốc gia Pháp”. Đấy cũng chính là nơi khai sinh trào lưu nghệ thuật và văn học có xu hướng cách tân sẽ được gọi là chủ nghĩa Dada (Dadaisme) được nhiều người không riêng ở nước Pháp mà nhiều nơi trên thế giới biết tiếng.

Đây là nơi hàng năm người ta tiến hành lễ trao Giải thưởng quốc gia César của ngành điện ảnh Pháp. Năm 1913, trước ngày bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ I, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt từ Mỹ bay sang Pháp, ông đã chọn nhà hàng Fouquet’s này mở tiệc chiêu đãi chính khách Pháp Aristide Briand, với mục đích hai người bàn bạc riêng may ra tìm được con đường cứu vãn hòa bình.

[…]

Các quán cà phê từ vài ba trăm năm nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn chương, nghệ thuật nước Pháp. Giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp là Giải Goncourt được trao hàng năm kể từ năm 1896, do sáng kiến của hai văn sĩ anh em nhà Goncourt.

Du ky Phan Quang anh 2

Les Deux Magots, một trong hai quán cà phê nổi tiếng ở Paris. Nguồn: chefdenise.

Ban giám khảo gồm mười nhà văn tên tuổi, được gọi là Viện hàn lâm Goncourt, bắt đầu từ 1903 hàng năm hội họp tại hiệu Le Café de la Paix thuộc quận 9 thành phố Paris để xem xét, bỏ phiếu chọn tác phẩm hay nhất. Tiếp đó họp báo tại một nhà hàng khác ở phố Drouot để công bố kết quả.

Một số hiệu cà phê, giải khát có giải thưởng văn học nghệ thuật thường niên và cũng không phải xoàng của riêng họ. Trong số này có quán cà phê Les Deux Magots tổ chức giải thưởng văn học mang tên của nhà hàng mình từ năm 1933, hoặc cửa hàng giải khát Lipp từ 1935, hoặc của La Closerie des Lilas [Trại hoa tử đinh hương] từ 1984, và gần đây hơn là Giải thưởng Văn học Café de Flore từ năm 1994... Không ít vị trong số những người đoạt các giải này rồi sẽ trở thành những nhà văn, nghệ sĩ hàng đầu của nước Pháp ngày nay...

Theo các giai thoại văn học hiện vẫn lưu truyền trong sử sách, trong thế kỷ XIX, nhà văn Honoré de Balzac, một trong những tác giả nổi tiếng là chuyên cần cày cuốc văn chương, ông đã lưu lại cho đời một khối lượng đồ sộ tác phẩm văn học.

Cứ mỗi sáng hay đêm, ngồi vào bàn viết là y như ông lớn tiếng gọi người giúp việc: “Mang cà phê vào đây! Pha thật nhiều cà phê, thật nóng và thật đậm vào!”.

Ngược lên hơn hai thế kỷ trước, nhà viết kịch cổ điển đã đi vào các sách giáo khoa bậc trung học ta trước Cách mạng Tháng tám năm 1945 là Racine, ông đã viết vở kịch Những người sính kiện tụng tại hiệu cà phê La Fosse aux Lions (tạm dịch Hố Sư tử).

Còn tu sĩ Abbé Prévost đã lưu lại cho trần gian cuốn tiểu thuyết Manon Lescaut (mà dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đặt cho một cái tên Việt rất gợi cảm: Mai nương Lệ cốt là nhờ có quán cà phê Le Mouton Blanc (Con cừu trắng), nơi nhà văn làm nên tác phẩm.

Gần đây hơn, trong thế kỷ XX, hai vợ chồng các danh sĩ: triết gia Jean-Paul Sartre và nhà văn Simone de Beauvoir thường xuyên có mặt tại nhà hàng La Coupole dọc đại lộ Montparnasse. Mỗi người chiếm một cái bàn cách xa nhau, rồi mải miết ai làm việc nấy, cơ hồ như hai ông bà này chẳng hề quen biết nhau, cho đến giờ cùng rời bàn viết trở về nhà riêng của mình.

Nghe nói Jean-Paul Sartre từng viết những thiên triết luận nổi tiếng nhất của ông tại nơi đây. Nhiều trang bản thảo của ông hiện được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Pháp là cơ man những tờ giấy rời có in thương hiệu nhà hàng này ở phía trên, bên góc trái, vốn dành cho tất cả mọi khách hàng trong trường hợp ai có nhu cầu gì đó muốn ghi nhờ vài ba chữ rồi đút tờ giấy ấy vào túi.

Phan Quang / Đông A & NXB Văn học

SÁCH HAY