Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Có lúc nghe súng nổ đùng đùng mà vẫn phải đi làm'

"Mình sợ lắm nhưng vẫn phải đi làm. Sau lần này về nhà ở luôn với vợ, làm ruộng, ăn rau muống mà an toàn", anh Kiên - một trong 25 lao động vừa trở về từ Libya chia sẻ.

Trưa 9/8, nhóm 25 lao động Việt Nam làm việc trong các khu vực nguy hiểm của Libya là Benghazi và Tripoli đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều người không giấu niềm vui mừng khi về tới Việt Nam.

Cả đoàn phải xin thức ăn, nước uống cầm hơi

Anh Phùng Văn Kiên (quê Lào Cai) được Công ty Vinaconex đưa sang Libya làm việc theo hợp đồng 2 năm với công việc là thợ mộc, tính đến ngày về anh đã làm được 13 tháng, mức lương ký với công ty là 300 USD

Anh Kiên xúc động: “Về được Việt Nam là tôi mừng lắm. Ở bên đó, đi làm mà nơm nớp lo sợ vì tình hình bên ngoài thì súng nổ đùng đùng nhưng mình vẫn phải đi làm. Nghỉ ngày nào là chủ trừ lương. Chúng tôi làm việc với tâm trạng lo sợ, súng nổ bên tai đì đùng như vậy 25 ngày thì được lệnh là gấp rút về nước”.

25 lao động từ Libya về tới sân bay Tân Sơn Nhất.
25 lao động từ Libya về tới sân bay Tân Sơn Nhất.

Chia sẻ về quãng đường để về được Việt Nam, anh Vũ Văn Lộc (quê Nam Định), người được Vinaconex đưa sang Libya làm việc nói: “Vất vả, cực khổ nhất là khi đoàn lao động tới cửa khẩu ở biên giới giữa Libya và Ai Cập. Không có đồ ăn, thức uống, cả đoàn phải chịu đói khát cực khổ 3 ngày 4 đêm giữa sa mạc. Để cầm cự, mọi người phải đi xin đồ ăn và nước uống của những đoàn sơ tán qua. Lúc đó tâm trạng ai cũng bức bối, lo sợ”.

Anh Hoàng Đức Khoa (quê Hà Nội), nói thêm: “Những ngày ở biên giới phía Libya rất khủng khiếp. Có nhiều người Libya cứ gí súng vào người mình, tiền bạc, tư trang không cẩn thận là mất. Có trưởng đoàn bị lấy mất 1.400 USD. Sau đó, chúng tôi được di chuyển sang phía Ai Cập thì tình hình có vẻ ổn hơn. Đến ngày 7/8 thì, chúng tôi được sắp xếp lên máy bay để trở về Việt Nam”.

Người lao động cho biết, rất vui mừng khi trở về Việt Nam.
Người lao động cho biết, rất vui mừng khi trở về Việt Nam.

Hy vọng 3 người mất tích sẽ an toàn

Các lao động này cho biết thêm, cả đoàn có 28 người nhưng có 3 người mất tích trong thời gian chờ được chuyển qua Cairo. Trong đó, có 2 thợ nước, 1 thợ xây (2 người do Công ty Vinaconex đưa đi, 1 người do SIMCO Sông Đà đưa đi).

Về lý do 3 người mất tích, không liên lạc được, theo lời anh Kiên, do lao động ở Libya không được làm thêm, nhưng chủ sử dụng lao động cũng không cấm người lao động ra ngoài làm thêm nên sau giờ làm chính thức, người lao động thường ra ngoài để kiếm việc làm thêm, tăng thu nhập. 

“Ngày thường chúng tôi vẫn đi làm như vậy nhưng tối hôm đó, 3 anh đi làm rồi không thấy về. Hy vọng 3 người mất tích sẽ an toàn”, anh Kiên nói.

Anh Hoàng Đức Khoa cho biết, hiện có 3 người trong đoàn mất tích.
Anh Hoàng Đức Khoa cho biết, hiện có 3 người trong đoàn mất tích.

Các lao động cho biết, họ sang Libya làm việc với chi phí ban đầu hơn 30 triệu, mức lương từ 300-350 USD/tháng, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng tích lũy được 250 USD. Nhưng tháng vừa rồi, vì phải vội trở về nên tháng lương cuối cùng không nhận được.

“13 tháng làm việc, tiền lương vừa đủ chi phí bỏ ra để đi. Hy vọng các chi phí đi về Việt Nam công ty sẽ hỗ trợ chúng tôi. Thời hạn hợp đồng vẫn còn nhưng tình hình chiến sự vậy, không ai mong muốn cả, mình về nước được đã là may, còn công ty có hỗ trợ gì thêm không thì chúng tôi cũng chưa biết”, anh Khoa nói.

ng Khải trả lời câu hỏi của PV.
Ông Khải trả lời câu hỏi của phóng viên.

Về việc người lao động cho biết, họ hoàn toàn “mù tịt” về thông tin đi lại, hỗ trợ của công ty, ông Nguyễn Văn Khải, đại diện cho công ty Vinaconex, người trực tiếp đưa người lao động trở về Việt Nam cho biết, về đây mới có số điện thoại, email để liên lạc với công ty để biết rõ hướng giải quyết, còn ở Libya, trong khu vực chiến sự, khó mà cập nhật được thông tin nên chưa thông báo cụ thể với người lao động.

Khi về tới Việt Nam, nhận được thông tin, ông đã phổ biến cụ thể cho người lao động. Về tháng lương mà công ty bên Libya còn nợ người lao động, ông Khải cho biết, công ty vẫn có trách nhiệm với người lao động và sẽ liên hệ với bên Libya để có được hướng giải quyết tốt nhất.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/25-lao-dong-libya-ve-toi-viet-nam-co-luc-nghe-sung-no-dung-dung-ma-van-phai-di-lam-232780.bld

Theo Lê Tuyết - Bảo Chương/Lao động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm