Khẩu pháo 76.2 mm gắn với cỗ linh xa được chế tạo năm 1896, nhưng chưa từng được đưa ra chiến trường. Thay vào đó, nó được nước Anh sử dụng trong các tang lễ lớn, theo Telegraph.
Truyền thống sử dụng linh xa có gắn pháo trong lễ tang của một vị quân chủ Anh bắt đầu năm 1901, khi Nữ hoàng Victoria qua đời. Quyết định này được chính nữ hoàng đưa ra sau khi chứng kiến nghi thức tương tự trong lễ tang Hoàng tử Leopold, con trai bà.
Cỗ linh xa sẽ được sử dụng trong tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II ngày 19/9 tới. Ảnh: PA |
Đặc biệt, cỗ linh xa sẽ không được kéo bởi động cơ hay ngựa. Thay vào đó, các thủy thủ trong lực lượng hải quân Anh sẽ tự tay kéo đi.
Nguồn gốc của tục lệ này vẫn chưa rõ ràng, nhưng dường như đây vốn không phải là điều cố ý. Một phiên bản của câu chuyện cho rằng đàn ngựa kéo xe lồng lên, khiến quan tài có nguy cơ bị rơi.
Một phiên bản khác - được kể lại bởi Công chúa Alice, cháu của Nữ hoàng Victoria - cho rằng những con ngựa đã phải chờ đợi dưới thời tiết lạnh giá quá lâu và không chịu kéo quan tài. Phiên bản thứ ba lại cho rằng dây buộc đàn ngựa bị đứt.
Sau đó, Hoàng tử Louis xứ Battenberg - một người họ hàng của Nữ hoàng Victoria - đề nghị hải quân Anh cử các thủ thủy kéo linh xa.
Sau tang lễ, hải quân Anh từ chối trả lại khẩu pháo cho lực lượng pháo binh. Năm 1910, Vua George V chính thức chuyển giao khẩu pháo này cho lực lượng hải quân.
Tới tang lễ của Thủ tướng Winston Churchill năm 1965, việc sử dụng một cỗ xe pháo của hải quân đã trở thành nghi lễ chính thức trong lễ tang cấp nhà nước. Khi vị thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh qua đời, cỗ linh xa của ông được kéo bởi 98 thủy thủ qua đường phố London, với 44 thủy thủ khác đi đằng sau.