Thông tin Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xem xét giao việc đăng kiểm phương tiện cho các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ôtô chính hãng nhận được sự quan tâm của giới tài xế.
Đây là cơ chế mới được Cục Đăng kiểm đề xuất với mong muốn tăng thêm sự thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, các giải pháp để triển khai vẫn còn là dấu hỏi.
Tiết kiệm thời gian
Trao đổi với Zing, lãnh đạo Cục Đăng kiểm khẳng định đề xuất cho các garage của hãng xe thực hiện khâu đăng kiểm ôtô không phải mới, việc này đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng và nhận được sự đồng thuận của các hãng xe.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý đăng kiểm sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu cơ chế này. Một trong những công việc tốn thời gian nhất là sửa đổi các nghị định, thông tư liên quan lĩnh vực đăng kiểm.
Khu vực garage bảo dưỡng, sửa chữa của các hãng xe thường được đặt ngay cạnh showroom bán hàng. Ảnh: HDTH. |
Để tìm hiểu xem việc trưng dụng garage của hãng xe làm nơi đăng kiểm ôtô khả thi đến đâu, Zing đã khảo sát một garage của hãng ôtô trên đường Nghi Tàm (Tây Hồ, Hà Nội).
Tại đây, giám đốc đại lý cho biết garage của họ đạt chuẩn 5S, bao gồm Sales (bán hàng), Service (bảo dưỡng, sửa chữa), Spare-parts (cung cấp phụ tùng), Safety driving (hướng dẫn lái xe an toàn) và Social contributions (đóng góp xã hội).
Phóng viên ghé vào khu vực dịch vụ (service), nơi có dây chuyền bảo dưỡng, sửa chữa ôtô chính hãng. Ông Tô Hoàng Nghĩa, quản đốc dây chuyền, tự giới thiệu có 32 năm kinh nghiệm trong ngành.
Đứng trước một dây chuyền sửa chữa, bảo dưỡng ôtô với năng lực tiếp nhận 80 lượt xe mỗi ngày, ông Nghĩa khẳng định 100% ôtô đã qua khâu bảo dưỡng ở đây đều vượt qua được khâu kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm. Cũng vì thực tế này, ông Nghĩa ủng hộ chủ trương cho garage tích hợp khâu đăng kiểm để tài xế không mất công kiểm tra xe 2 lần.
Thiết bị kiểm tra hệ thống treo, trượt ngang của ôtô bên trong garage. Ảnh: Ngọc Tân. |
Bên trong dây chuyền của hãng xe hiện có đầy đủ thiết bị như cầu nâng, máy đo khí thải, đo cường độ ánh sáng và độ chụm của đèn xe... có các máy móc kiểm tra hệ thống treo, trượt ngang, phanh... tương tự như thiết bị tại trạm đăng kiểm.
Giới thiệu về các thiết bị đo đạc bên trong garage, ông Nghĩa cho biết các thiết bị này đều có tem kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam với thời hạn kiểm định một năm/lần.
Những vẫn đề đặt ra
Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm mới chỉ nêu nhóm đối tượng dự kiến được trao quyền đăng kiểm là "các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô 3S, 4S của nhà sản xuất ôtô chính hãng".
Câu hỏi đầu tiên là Cục Đăng kiểm sẽ xác định cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ôtô như thế nào thì đủ điều kiện cấp quyền kiểm định phương tiện.
Tại Việt Nam, khái niệm garage ôtô cấp 3S hay 4S còn có cách hiểu khác nhau giữa từng hãng xe và cũng chưa có định nghĩa thống nhất từ cơ quan quản lý.
Đơn cử, một số hãng xe giải thích đại lý quy mô cấp 4S là tích hợp 4 chức năng: Sales (bán hàng) - Service (bảo dưỡng, sửa chữa) - Spare parts (cung cấp phụ tùng) và Spray-paint (sơn vỏ). Một số hãng khác lại giải thích chữ S là "Showroom", "Safety driving"...
Hiện nay, không chỉ các trung tâm bảo dưỡng chính hãng mà cả các garage tư nhân cũng tự thêm ký tự 3S, 4S vào tên thương hiệu để cho thấy cơ sở vật chất đầy đủ.
Sự nở rộ của các garage 3S, 4S sẽ đặt ra nhiệm vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước về đăng kiểm phải định nghĩa rõ garage thế nào thì đủ điều kiện để thực hiện đăng kiểm phương tiện.
Câu hỏi thứ 2 là việc quản lý, giám sát nhân lực đăng kiểm viên tại các garage như thế nào.
Hình dung sơ bộ, khi một garage được trao thêm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, họ phải có một đội ngũ đăng kiểm viên đầy đủ bằng cấp, chịu sự quản lý của Cục Đăng kiểm. Đăng kiểm viên này có thể là nhân lực được Cục Đăng kiểm phái đến làm việc tại garage, hoặc chính là các kỹ thuật viên cơ hữu của garage được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên.
Đăng kiểm viên kiểm tra ôtô tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. Ảnh: Duy Anh. |
Từ góc nhìn của người quản đốc, ông Tô Hoàng Nghĩa cho rằng sẽ khó đảm bảo yếu tố liêm chính nếu đăng kiểm viên nhận lương và chịu sự quản lý của hãng xe. Việc này có thể dẫn tới tình trạng đăng kiểm viên bị hãng xe tác động để ra những quyết định có lợi cho việc kinh doanh. Điều này đã được dẫn chứng trong vụ bê bối đăng kiểm vừa qua.
Vấn đề thứ 3 là nghĩa vụ của các "garage kiêm trạm đăng kiểm" trong việc phục vụ đều đặn nhu cầu của xã hội.
Hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, dù đã được xúc tiến xã hội hóa trong nhiều năm qua, vẫn mang bản chất của một dịch vụ công với yêu cầu hàng đầu là tính đều đặn, liên tục. Minh chứng là trong vụ bê bối đăng kiểm vừa qua, khi số lượng trung tâm đăng kiểm đột ngột sụt giảm, tình trạng quá tải lập tức diễn ra.
Để tránh tình trạng này, Cục Đăng kiểm sẽ phải có giải pháp để cho các đơn vị kiểm định, dù là đơn vị tư nhân hay garage của hãng xe, phải đảm bảo được tính đều đặn trong việc cung cấp dịch vụ.
Khi các garage san sẻ không gian làm việc của mình cho 3 nhiệm vụ là sửa chữa, bảo dưỡng và kiểm định phương tiện, họ phải cam kết đáp ứng được dịch vụ đăng kiểm một cách đều đặn để không gây ra tình trạng quá tải khi đột ngột ngừng cung cấp dịch vụ.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.