Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ hội nào cho những hãng bay mới như Bamboo Airways?

Theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, thị trường hàng không Việt vẫn rộng cơ hội cho các hãng bay mới, nhưng thách thức là không hề nhỏ.

Không thể phủ nhận Việt Nam là một trong những thị trường hàng không tăng trưởng hấp dẫn nhất thế giới. Theo số liệu từ World Bank, thị trường hàng không Việt ghi nhận lượng khách bay tăng 28% năm 2016 và dự kiến còn tăng mạnh hơn trong các năm sau.

Sức hấp dẫn của thị trường không chỉ khiến các hãng bay ngoại như AirAsia hay Lion Air rục rịch muốn cất cánh tại Việt Nam, mà còn khiến không ít doanh nghiệp Việt muốn tham gia kinh doanh hàng không, trong đó điển hình là Bamboo Airways của Tập đoàn FLC.

Cơ hội vẫn rộng mở

Thị trường hàng không trong nước đang là cuộc đua song mã của Vietnam Airlines và Vietjet Air, khi một hãng thống lĩnh phân khúc truyền thống (FSC) và một hãng áp đảo tại phân khúc giá rẻ (LCC).

bamboo airways la hang nao anh 1

Theo số liệu từ BVSC, năm 2016, hai doanh nghiệp này chia nhau miếng bánh lớn của thị trường, với hơn 40% thị phần mỗi hãng. Jetstar Pacific và VASCO nắm chưa tới 20% thị phần.

Dù thị trường đã bắt đầu có sự định hình và có kẻ mạnh tại các phân khúc rõ ràng, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng cơ hội vẫn rộng mở với các hãng bay mới.

"Mình phải nhìn vào thị trường hàng không các nước trong khu vực. Giả sử giống như Thái Lan, nước này có chỉ số PPP (sức mua trên đầu người) một năm vào khoảng 16.961 USD - năm 2017, tỷ lệ khách bay so với dân số của họ là 103%. Trong khi đó tại Việt Nam, con số này mới đạt khoảng gần 50%. Điều này đồng nghĩa thị trường hàng không Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng", TS. Du nhận định.

"Nếu tính bình quân toàn cầu, Việt Nam với chỉ số PPP năm 2017 đạt 6.775 USD/năm, đang ở mức bình quân. Bên cạnh đó, thị trường hàng không Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng hành khách rất cao, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới, và nằm trong nhóm đầu. Có được điều này tôi cho rằng là do sự xuất hiện của Vietjet Air, mở ra phân khúc LCC.

Với đà tăng trưởng và lát cắt thị trường hiện tại, tôi nghĩ cơ hội cho các hãng mới vẫn có, nhưng sự cạnh tranh hết sức khốc liệt", ông Du nói thêm.

bamboo airways la hang nao anh 2
TS. Huỳnh Thế Du cho rằng dư địa cho các hãng bay mới tại thị trường hàng không Việt là vẫn còn, nhưng cạnh tranh sẽ hết sức khốc liệt. Ảnh: Hoàng Hà.

Khi so sánh thị trường hàng không Việt hiện tại với 5-10 năm trước đây, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng thời điểm nào thị trường cũng khốc liệt theo một cách riêng.

5-10 năm trước, khi các hãng hàng không liên tục ra đời rồi phá sản, ông Du nhận định do khi đó quy mô thị trường còn hẹp, thói quen đi máy bay còn chưa được định hình tại Việt Nam, rất nhiều hãng đã không thể trụ nổi. Vietjet Air có chiến lược tốt và đã bứt phá khỏi nhóm các hãng mới.

"Hiện tại, khi thị trường có hai ông lớn thống trị hai phân khúc FSC và LCC. Các hãng mới sẽ phải vượt qua hai 'gã gác cổng' này để gia nhập thị trường. Hàng không là ngành kinh doanh rất đặc thù, và cần có quy mô lớn, nếu không hãng mới sẽ không thể chịu được áp lực từ hai ông lớn này, và sẽ thất bại ngay giai đoạn đầu", TS. Du khẳng định.

Mua nhiều máy bay chưa chắc là liều lĩnh

Về việc FLC mạnh tay mua sắm máy bay với nhiều thương vụ hàng tỷ USD, giới quan sát quốc tế có những phản ứng không tích cực. 

Tờ Washington Post dẫn lời ông Henry Harteveldt, một nhà phân tích hàng không vũ trụ thương mại tại Atmosphere Research: “Việc mua 20 máy bay 787 cho thấy mức độ tự tin cao, thậm chí là táo bạo, và cho thấy họ có một túi tiền dồi dào. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng bỏ qua kế hoạch tài chính cơ bản cho một hãng hàng không, nơi bạn thường mua một vài chiếc bay thử và chờ phản ứng thị trường trước khi mở rộng. Đó là một động thái rất táo bạo, rất mạo hiểm”.

bamboo airways la hang nao anh 3
Mua nhiều máy bay chưa chắc đã là quyết định liều lĩnh của Bamboo Airways. Ảnh: FLC.

Richard Aboulafia, nhà phân tích hàng không vũ trụ của Teal Group, thì hoài nghi thị trường hàng không Việt Nam khó còn chỗ cho một hãng khác, khi đã có 3 hãng phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Du thì không hẳn 2 thương vụ mua tổng cộng 44 chiếc máy bay từ Boeing và Airbus là liều lĩnh.

"Chúng ta phải nhìn vào chi tiết các hợp đồng, để thấy đây là những thương vụ mua sắm cho tương lai, hướng tới những tính toán dài hạn. Có thể những thương vụ này vẫn hợp lý theo tính toán về tiềm năng thị trường của hãng", TS. Du nói.

Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhận định thêm những hợp đồng lớn như thế này rất nhiều khả năng sẽ có sự góp mặt của các đơn vị đầu tư tài chính cho vay vốn. Và khó tin rằng các đơn vị này sẽ để hãng "nhắm mắt làm liều", mua sắm phải ở mức độ an toàn nào đó họ mới cho FLC vay. 

Bên cạnh đó, có những hợp đồng hoành tráng như vừa qua cũng là một cách hay để FLC khẳng định quyết tâm, cho cơ quan chức năng thấy rằng tập đoàn này đang có những động thái nhất định, để có cơ sở cân nhắc về giấy phép bay.

Bamboo Airways đã khẳng định sẽ mở bán vé trực tuyến vào ngày 2/9, và chuyến bay thương mại đầu tiên của hãng sẽ cất cánh ngày 10/10, dù hãng vẫn chưa nhận được giấy phép kinh doanh hàng không từ Cục Hàng không.

Chưa được cấp phép, Bamboo Airways đã thông báo bán vé từ ngày 2/9

Hãng hàng không đang chờ cấp phép của tập đoàn FLC khẳng định sẽ mở bán vé trực tuyến cho chuyến bay đầu tiên của mình vào ngày 2/9.



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm