Tháng 9/2020, cuộc họp của FIFA quyết điều chỉnh quy định nhập tịch cho các tuyển thủ quốc gia. Trước đây, chỉ cần chơi một trận chính thức, cầu thủ sẽ không được thay đổi đội tuyển. Nhưng ngày nay, nếu không chơi quá 3 trận chính thức, cầu thủ vẫn có quyền đổi sang đội tuyển khác. Ba trận đấu này cần “không thuộc vòng chung kết các giải cấp châu lục hoặc thế giới”.
Declan Rice là một ví dụ. Anh từng đá 3 trận giao hữu cho tuyển Cộng hòa Ireland hồi năm 2018. Sau đó, Rice chuyển sang khoác áo tuyển Anh và là trụ cột của “Tam sư” vào chung kết Euro 2020.
Luật mới của FIFA đã mở ra cơ hội cho hàng loạt tài năng khắp thế giới, đồng thời có thể là cơ hội cho những cầu thủ Việt kiều hướng về Việt Nam trong tương lai.
Lee Nguyễn ra sân chính thức ở Copa America, nên không còn cơ hội thay đổi đội tuyển quốc gia. |
Nuối tiếc mang tên Lee Nguyễn
Trong rất nhiều cầu thủ Việt kiều, Lee Nguyễn vẫn được xếp vào hàng đẳng cấp nhất. Tiền vệ này từng là ngôi sao ở giải vô địch quốc gia Mỹ (MLS). Anh sớm có suất ở tuyển Mỹ cách đây 14 năm khi còn là một cầu thủ trẻ. Ở tuổi 21, Lee Nguyễn có 28 phút trước Paraguay và Colombia ở Copa America 2007.
Đó là mốc son trong sự nghiệp non trẻ của Lee lúc ấy, những cũng khiến anh không còn cơ hội thay đổi đội tuyển nếu muốn nữa. Copa America là giải đấu thuộc hệ thống chính thức của châu Mỹ. Khi Lee về Việt Nam vào năm 2009, nhiều người đã mơ mộng về việc Lee khoác áo tuyển Việt Nam. Nhưng 28 phút ở Copa America khiến điều đó không bao giờ xảy ra.
Bản thân Lee cũng không có nhiều cơ hội với tuyển Mỹ. Tỏa sáng ở MLS suốt giai đoạn 2012-2018, Lee vẫn không được trao nhiều cơ hội. Anh chỉ 2 lần được đá chính cho tuyển Mỹ trong các trận giao hữu, 7 lần khác vào sân từ ghế dự bị.
Khi đã chẳng còn chút hy vọng nào với tuyển Mỹ, Lee Nguyễn lại không thể cân nhắc thêm một lựa chọn khác. Mẫu cầu thủ có đẳng cấp như cựu tiền vệ PSV Eindhoven luôn rất cần với tuyển Việt Nam. Nhiều người tin rằng nếu bóng đá Việt Nam hành động quyết liệt hơn, dành nhiều sự quan tâm cho các cầu thủ Việt kiều hơn trong giai đoạn đó, chúng ta có thể thuyết phục Lee trước khi anh ra sân ở Copa America 2007.
Hồng Quân là một trong số ít cầu thủ Việt kiều thành công tương đối ở tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Cơ hội cho tuyển Việt Nam với cầu thủ Việt kiều
Chuyện của Lee Nguyễn không mới, nhưng lại chỉ ra một vấn đề của bóng đá Việt Nam. Trong một thời gian dài, chúng ta không có sự quan tâm đủ lớn, không có những biện pháp đủ mạnh để thuyết phục các tài năng trẻ gốc Việt trên thế giới. Mọi thứ chỉ được cải thiện phần nào kể từ năm 2019, thời điểm tuyển Việt Nam vừa vô địch AFF Cup, tạo tiếng vang ở Asian Cup, mở đường cho ông Park Hang-seo thực hiện chiến lược tiếp cận các cầu thủ Việt kiều. Dù vậy, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có thêm cầu thủ Việt kiều chất lượng ngoài Đặng Văn Lâm.
Nỗ lực của VFF trong vài năm qua cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn đủ sức lôi kéo các tài năng Việt kiều từ thế giới. Thành tựu mới đây của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ hai World Cup càng củng cố khả năng đó. Với Filip Nguyễn, anh vẫn còn nguyên cơ hội khoác áo tuyển Việt Nam. Cầu thủ này mới được CH Czech triệu tập và chưa chơi bất kỳ phút nào.
Thực ra, cơ hội để tuyển Việt Nam “chốt” Filip Nguyễn từng đến từ năm 2016. Khi đó, thủ thành này thử việc ở CLB Thanh Hoá theo giới thiệu từ một cộng đồng Việt Nam tại Đông Âu và cũng thông qua HLV Mai Đức Chung. Nhưng Filip cứ lặng lẽ thử việc và cũng lặng lẽ rời xứ Thanh khi đội bóng này không sẵn sàng ký hợp đồng với anh.
Bản thân ông Chung “Xe ca” từng có ý định mang nhiều cầu thủ gốc Việt về lại quê hương. Một trong số đó chính là tiền vệ Mạc Hồng Quân, ngôi sao quê Hải Dương tập ở lò đào tạo danh tiếng Sparta Praha. Sự đảm bảo cho “tính chân thực” về lý lịch của Hồng Quân chính là việc nhiều đồng đội của anh vừa ra sân cho CH Czech tại EURO 2020. Ông Chung dẫn dắt Thanh Hoá và “tiến cử” Hồng Quân với bầu Đệ.
Tiền vệ này nhận mức lương “khủng”, trở thành ngôi sao được chú ý và ra sân cho tuyển Việt Nam. Nhìn vào Hồng Quân hay Đặng Văn Lâm sau này, đó rõ ràng là gợi ý không tệ cho những tài năng Việt trên thế giới.
Về Việt Nam, chơi bóng tại V.League và ra sân cho tuyển quốc gia ở những giải châu lục hay vòng loại World Cup, đó rõ ràng là con đường khả thi hơn việc ở lại trời Âu và mơ mộng về những đội tuyển hùng mạnh nhưng không có nhiều cơ hội.