Hình ảnh tại thư viện điện tử dùng chung cho 45 trường đại học Việt Nam nằm trong khuôn viên Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Minh Hiếu. |
Thư viện công là một kênh phát hành truyền thống của các đơn vị làm sách với một lượng tiếp cận ổn định qua từng năm. Dù vậy trong thời đại số hóa, liên kết giữa thư viện và nguồn cung sách từ các nhà xuất bản công ty có thể phần nào bị ảnh hưởng. Chẳng hạn thư viện sử dụng sách điện tử không rõ nguồn gốc trong khi các đơn vị làm sách ra sức để kiểm soát tình trạng này.
Do đó, liên kết giữa thư viện và công ty sách là cầu nối quan trọng mở ra nhiều cơ hội không chỉ là vấn đề về bản quyền.
Ngăn chặn làn sóng sách lậu trên không gian số
Các đơn vị làm sách, nhà xuất bản luôn phải đau đầu với câu chuyện bản quyền sách. TS Nguyễn Văn Thiên (Trưởng khoa Thông tin, Thư viện, Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết mạng lưới thư viện số tại Việt Nam hình thành khá muộn so với trên thế giới, một số nước đã bắt đầu làm từ những năm 1990. Chính vì sự chậm trễ này, có một số phát sinh nảy ra như việc thiếu kiểm soát bản quyền.
“Một số cuốn sách có thể được scan ra bản điện tử để lưu hành nội bộ, nhưng khi đăng tải lên website thư viện, nhiều người dùng ngẫu nhiên trên không gian mạng cũng truy cập vào. Từ đó, người quản lý đã vô tình lưu hành một tài liệu không được cấp bản quyền”, TS Nguyễn Văn Thiên cho biết.
Một số tác phẩm vi phạm bản quyền đơn vị Alphabooks từng tìm thấy trên thư viện của một trường đại học. |
Vào hồi đầu tháng 6, đơn vị Alphabooks đã phát hiện một thư viện trường học sử dụng sách lậu. Bà Tạ Liên Hương, Phó giám đốc Alphabooks, đã cho biết: “Chúng tôi muốn lên tiếng để bất cứ tổ, chức, cá nhân nào khác đã, đang hoặc có ý định thực hiện các hành vi sao chép, phân phối trái phép sách thuộc quyền sở hữu của Alphabooks, nhận thức được hành vi đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quyền sở hữu trí tuệ”.
Có thể thấy, liên kết giữa các thư viện và đơn vị làm sách là cầu nối quan trọng để giảm thiểu vấn đề vi phạm bản quyền sách điện tử. Ngoài ra, thư viện có thể hợp tác với các công ty sách để phát triển các ứng dụng đọc sách điện tử an toàn, thân thiện với người dùng. Ứng dụng này có thể cung cấp truy cập dễ dàng đến các tài liệu điện tử từ thư viện mà vẫn đảm bảo bảo vệ bản quyền. Việc này giúp hạn chế người dùng tải sách từ các nguồn không hợp pháp.
Liên kết giữa thư viện và công ty sách có thể tạo ra một hệ sinh thái sách điện tử an toàn và hợp pháp, giảm thiểu vấn đề vi phạm bản quyền. Đồng thời, sự hợp tác này mang lại lợi ích cho các tác giả, nhà xuất bản, đảm bảo quyền lợi cho người đọc cũng như thúc đẩy văn hóa đọc lành mạnh trong cộng đồng.
Tăng cường nguồn sách cho thư viện
Theo thông tin từ Công ty sách Alphabooks, hồi cuối tháng 8, đơn vị đã ký kết hợp tác với thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội. Đại diện Alphabooks cho biết đây là cơ hội để hai bên trao đổi cung cấp nguồn học liệu học thuật phong phú, chất lượng cao cho sinh viên. Cùng với đó, với số lượng sách thuộc nhiều chủ đề khác nhau, Alphabooks có thể hỗ trợ đem đến nguồn tài nguyên lớn cho hoạt động giảng dạy, từ ấn phẩm in cho đến xuất bản phẩm điện tử.
“Sự kiện hợp tác với thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội là động lực để Alphabooks tiếp tục phát huy sứ mệnh, là cầu nối truyền tải những kiến thức và kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới tới với bạn đọc”, đại diện công ty sách chia sẻ.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (Đại diện Chibooks) ký kết hợp tác với đại diện Đại học Tôn Đức Thắng vào tháng 4/2024 (ảnh trái); Bà Tạ Liên Hương, Phó giám đốc Alphabooks ký kết hợp tác cùng đại diện thư viện của Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh phải). |
Trước đó, công ty sách Chibooks cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với thư viện trường Đại học Tôn Đức Thắng, đem tới 430 đầu sách. Hoạt động trên đem đến cho hai bên cơ hội chia sẻ tri thức, giao lưu và phát triển văn hóa đọc.
Bên cạnh hai đơn vị làm sách, đại diện công ty xuất nhập khẩu và phát triển văn hóa Cdimex cũng nhấn mạnh các thư viện có nhu cầu rất lớn trong việc tìm kiếm tài liệu ngoại văn. Đặc biệt đối tượng độc giả trẻ hiện nay có khả năng ngôn ngữ tốt và mong muốn được tìm đến tác phẩm gốc.
TS Vũ Dương Thúy Ngà (nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định rằng đối với thư viên trường học, các công ty sách mở ra sự tiếp cận cho giáo viên và học sinh, qua đó thư viện và học sinh có thêm nhiều thông tin về sách để lựa chọn tìm đọc, mở rộng sự hiểu biết.
Đối với công ty sách, thư viện chính là một kênh truyền thông để quảng bá sách mới, từ đó bản thân thư viện và các giáo viên, học sinh có thể trở thành khách hàng tiềm năng.
“Tôi cho rằng các công ty sách nên chủ động có sự phổi hợp với các thư viện trường học một cách thường xuyên không chỉ vào các dịp ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam mà cần lập kế hoạch cụ thể để cùng nhau thúc đẩy văn hóa học và tạo thêm các cơ hội học tập suốt đời trong nhà trường”, TS Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ.
Có thể thấy việc hợp tác với các công ty sách giúp thư viện mở rộng danh mục sách và tài liệu hiện có, từ đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả. Các công ty sách có thể cung cấp sách in, sách nói và cả sách điện tử, giúp thư viện làm phong phú nguồn tài nguyên của mình.
Sự hợp tác này cũng giúp các công ty sách có thể giới thiệu sản phẩm của mình đến một lượng lớn người dùng của thư viện. Điều đó không chỉ giúp các công ty sách tiếp cận thị trường mới mà còn giúp thư viện trở thành một cầu nối quan trọng, tạo điều kiện để người đọc dễ dàng tiếp cận với sách.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.