Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thư viện ở các trường học công đang thoi thóp

"Thư viện là trái tim của trường học, nhưng trái tim này đang thoi thóp", TS Vũ Dương Thúy Ngà (nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện) nhận định.

van hoa doc anh 1

TS Vũ Dương Thúy Ngà (nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Đức Huy.

Theo chia sẻ từ TS Vũ Dương Thúy Ngà (nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thư viện được coi là trái tim của trường học, nhưng thực tế, các thư viện tại trường công lập đa phần là sách giáo khoa, lượng sách tham khảo vẫn còn rất ít, chưa kể các dòng sách thường thức khác phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khuyến đọc, xây dựng văn hóa đọc gặp nhiều khó khăn.

"Trái tim của trường học" chưa được chăm chút

Trong buổi tọa đàm nhân ngày hội Văn hóa Gia đình ngày 29/6 tại Hà Nội, TS Vũ Dương Thúy Ngà cho biết văn hóa đọc ở Việt Nam từng trải qua giai đoạn bị xao nhãng.

So với các giai đoạn trước, dù kinh tế xã hội còn nhiều bất ổn, việc đọc sách luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Điển hình như trong ba lô của các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc luôn có những cuốn sách. Đây đều là hành trang giúp họ có thêm dũng khí đối mặt với nhiều khó khăn phía trước.

“Năm 1986 khi ra mới ra trường, tôi và những người đồng nghiệp đã dành thời gian đi khắp các tỉnh thành để nâng cao chất lượng thư viện của địa phương. Nhờ đó những nỗ lực nhỏ đó, một hệ thống thư viện trên cả nước được hình thành. Dù vậy, văn hóa đọc không chỉ dừng lại ở việc cung cấp một nguồn sách mà nó còn nằm ở việc tổ chức đọc”, TS Vũ Dương Thúy Ngà nhận định.


van hoa doc anh 2

Các diễn giả chia sẻ tại Ngày hội Văn hóa gia đình. Ảnh: Times.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng nhận định rằng thư viện được mọi người gọi là “trái tim của trường học”. Tuy nhiên, khu vực này đang nhận được rất ít sự quan tâm của giáo viên và học sinh. Trong quá trình đi khảo sát, TS Vũ Dương Thúy Ngà đã nhận thấy các thư viện trường học hầu như chỉ có sách giáo khoa, sách tham khảo rất ít và những dòng sách khác cung cấp tri thức, phát triển khả năng ngôn ngữ lại càng ít hơn.

Điều này khiến TS Vũ Dương Thúy Ngà trăn trở về xây dựng nền tảng văn hóa đọc Việt Nam. Bà cũng chỉ ra rằng, suốt những năm qua nhu cầu đọc của người Việt Nam tăng. Bất kỳ khu vực nào bà mang sách đến người dân đều đón nhận rất nhiệt tình. Từ thực trạng này, TS Vũ Dương Thúy Ngà cho rằng, xây dựng văn hóa đọc có thể cần bắt đầu từ phía gia đình.

“Tình yêu nước bắt đầu từ trong nôi và tình yêu sách cũng vậy. Văn hóa đọc phải được xây dựng từ gia đình, từ cha mẹ, anh chị và họ hàng”, TS Vũ Dương Thúy Ngà cho biết.

Về vấn đề trên, ông Vũ Trọng Đại (Giám đốc CTCP Xuất bản Khoa học và Giáo dục thời đại) tâm sự rằng 10 năm trước khi cùng bà Vũ Dương Thúy Ngà tổ chức các hội sách, lượng người đến lẻ tẻ. Nhưng nhờ các chính sách thúc đẩy của nhà nước, đặc biệt là ngày Sách và Văn hóa đọc, các hoạt động về xuất bản đã được chú ý hơn.

TS Vũ Dương Thúy Ngà cũng cho rằng các chính sách liên quan đến học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc được nhà nước phát triển từ nhiều thập kỷ. Trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất hiện trên các bảng xếp hạng về văn hóa đọc.

Chìa khóa xây dựng thói quen đọc cho con trẻ

Trong quá trình khảo sát từ thực tiễn, ông Vũ Trọng Đại cho rằng gia đình Việt Nam hiện nay trao truyền văn hóa, tri thức thông qua ba hình thức chính gồm: Ca dao tục ngữ, truyền miệng và văn bản chính thức.

van hoa doc anh 3

Phụ huynh chọn sách cho con tại nhà sách Kim Đồng.

“Nhiều gia đình vẫn nghĩ rằng để đạt được thịnh vượng thì đòi hỏi phải có một nền tảng kinh tế tốt. Nhưng yếu tố con người mới là điều quyết định tất cả. Trong đó, giáo dục gia đình từ văn hóa đọc cần phải được phát huy tốt hơn”, ông Vũ Trọng Đại chia sẻ với ZNews - Tri Thức.

Sự lầm tưởng đề cập ở trên giống với suy nghĩ của nhiều phụ huynh. Có người cho rằng con cái họ chỉ có thời gian ôn thi và học giỏi, không có thời gian đọc sách. Như vậy họ chỉ nhìn thấy ngọn mà quên mất nền tảng là phải để trẻ phát triển các kỹ năng tư duy, đọc hiểu ngôn ngữ và nâng cao nhận thức về bản thân, xã hội.

Trước thực trạng trên, ông Vũ Trọng Đại đưa ra giải pháp rằng cần làm phong phú thêm dòng sách về quản trị gia đình. Phương thức quản trị gia đình là cách gia đình tổ chức, điều hành và quản lý các hoạt động, quy tắc và thói quen trong cuộc sống hàng ngày.

Phương thức này bao gồm việc lập kế hoạch, phân chia trách nhiệm, quản lý thời gian và tài nguyên, cũng như thiết lập các giá trị và mục tiêu chung cho các thành viên trong gia đình. Việc hiểu về phương thức này có thể là chìa khóa mở ra việc xây dựng thói quen đọc sách cho con trẻ.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Chuỗi sự kiện về sách 'Nhà mình thích ở bên nhau'

Chuỗi sự kiện “Nhà mình thích ở bên nhau” gồm các hoạt động dành cho cả cha mẹ và các con, như cuộc thi vẽ tranh và triển lãm về gia đình, booktour đọc sách chủ đề gia đình...

Chuỗi sự kiện về sách 'Nhà mình thích ở bên nhau'

Chuỗi sự kiện “Nhà mình thích ở bên nhau” gồm các hoạt động dành cho cả cha mẹ và các con, như cuộc thi vẽ tranh và triển lãm về gia đình, booktour đọc sách chủ đề gia đình...

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm