10h sáng 11/7, máy bay King Air B350 VH-FIX/FL-90 hạ cánh trên đường băng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn trong niềm vui, sự hân hoan chào đón nồng nhiệt của lãnh đạo và người dân địa phương.
Ông Bùi Văn Nhiên (sinh năm 1969), nhân viên bảo vệ sân bay xúc động: “Không ngờ chỉ hơn 2 năm sau, mọi tưởng tượng đã thành sự thật. Tôi ở đây, quan sát công trường từng ngày nhưng vẫn bất ngờ khi dự án được hoàn thiện. Có cảng hàng không, khách du lịch khắp nơi sẽ về với Vân Đồn, kinh tế sẽ phát triển, con em trong thôn xã sẽ có thêm công ăn việc làm”.
Bước ra khỏi khoang lái, cơ trưởng người Australia Charles John Fogarty thuộc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam bày tỏ niềm hạnh phúc và phấn chấn: “Tôi đã thấy những dãy núi trùng điệp bao trọn một vùng non nước hữu tình. Nhìn từ trên cao, màu đỏ rực của mái vòm nhà ga như cánh buồm no gió giữa đại dương, còn tháp không lưu thì chính xác là một pháo đài. Vùng đất này quá đẹp”.
T
heo quyết định điều chỉnh quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Tổng mức đầu tư của dự án là 7.700 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng). Các hạng mục đầu tư của dự án gồm có đường băng dài 3,6 km; 2 sân quay đầu, đường lăn nối với sân đỗ và đường lăn thoát nhanh; nhà ga công suất 2,5 triệu hành khách/năm, diện tích nhà ga mở rộng, vị trí đỗ tối thiểu được 6 máy bay…
Những con số ấn tượng về dự án cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
|
Trước ngày bay hiệu chỉnh, anh Phạm Ngọc Hoàng, Trưởng ban Quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chia sẻ: “Dù đã kinh qua tất cả dự án kỷ lục do Tập đoàn Sun Group đầu tư tại Việt Nam, nhưng dự án đầu tiên về lĩnh vực hàng không này thực sự là một thách thức lớn. Kiên định với chiến lược ‘đứng trên vai những người khổng lồ’, chủ đầu tư đã bắt tay với những đối tác lớn trong lĩnh vực hàng không ở tất cả các hạng mục: tư vấn, quy hoạch, thiết kế, thi công, và vận hành”.
Nói như vậy không có nghĩa là dấu ấn của tập đoàn kinh tế “made in Vietnam” Sun Group chỉ thể hiện ở mảng đầu tư. Những hạng mục “rường cột” của dự án do chính chủ đầu tư trực tiếp triển khai thi công, giám sát và vượt khó để hoàn thành như: san lấp mặt bằng, thi công mái vòm nhà ga và công trình đài kiểm soát không lưu.
Mỗi lần ngắm đường băng dài 3,6 km nổi bật giữa vùng non nước, đầm phá xanh mướt mải, chuyên gia Arjan Kuin không khỏi tự hào: “Những ngày đầu tới đây khảo sát, tất cả trước mắt tôi chỉ là những đầm lầy nối tiếp nhau, vịt bơi bì bõm. Cả một vùng rộng lớn tịnh không có lối đi. Lúc đó tôi đã nghĩ, làm cách nào để giải phóng và san lấp được hết diện tích sình lầy rộng lớn này? Nhưng chỉ đúng một năm sau, các bạn đã xong phần nền, đường băng ở vị trí cao ráo, được san ủi đẹp đẽ”. Đó cũng là hạng mục khiến vị chuyên gia hơn 40 năm kinh nghiệm của NACO ấn tượng nhất.
Theo ông Arjan, để hoàn thiện các hạng mục cốt lõi của cảng hàng không quốc tế ở vùng đất xa xôi và thiếu thốn như Vân Đồn trong 27 tháng là cả nỗ lực lớn.
Chờ mưa qua đi, cả công trường lại hối hả làm ngày đêm để bắt kịp tiến độ. Theo anh Phạm Ngọc Hoàng, những khó khăn mà ông Arjan ấn tượng thực tế cũng là thách thức quen thuộc với Sun Group khi đã triển khai rất nhiều dự án ở các địa bàn hiểm trở, khắc nghiệt như đỉnh Fansipan (Lào Cai), Bà Nà (Đà Nẵng) hay Nam Phú Quốc (Kiên Giang).
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có các công trình phụ trợ như: khu nhà điều hành trên khu đất rộng 6.000 m2, đài kiểm soát lưu không trên khu đất diện tích 6.270 m2, hệ thống đường dẫn, vườn khí tượng và hệ thống quan trắc khí tượng tự động.
T
ừ khoang lái máy bay nhìn xuống, mái vòm nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn trông như một cánh buồm đỏ thắm. Điểm thú vị khác của mái vòm là màu sắc trên mái có thể thay đổi từ cam sang đỏ trong các điều kiện thời tiết khác nhau.
Theo các chuyên gia kiến trúc của NACO - Công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay Hà Lan, thiết kế lấy cảm hứng từ chính biểu tượng của vùng biển Quảng Ninh đã đưa công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn bản địa này trở thành nhà ga ấn tượng nhất Việt Nam cũng như trong khu vực.
Nằm bên cạnh nhà ga Vân Đồn, công trình Trung tâm kiểm soát không lưu được các phi công người Australia ca ngợi “hoành tráng như một pháo đài”. Sừng sững giữa không gian rộng lớn, đây là nơi đem đến tầm nhìn 360 độ, ngắm trọn vẹn đường băng dài và quần thể Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn từ trên cao.
Phát biểu tại lễ chào đón chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, ngay khi Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức vận hành, diện mạo của Vân Đồn nói riêng và Quảng Ninh nói chung sẽ thay đổi hoàn toàn, những cơ hội giao thương mới được mở ra, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của kinh tế - xã hội địa phương. Những điều này sẽ đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế”.
Sau khi kết thúc kế hoạch bay hiệu chỉnh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để sẵn sàng đưa vào vận hành khai thác vào cuối tháng 12 năm nay.
Ngay từ lúc này, nhà tư vấn NACO đã triển khai kế hoạch đào tạo nhân sự, khai thác và vận hành sân bay. Chuyên gia tư vấn Arjan Kuin nhấn mạnh, vượt lên trên tất cả, con người vẫn là yếu tố tiên quyết cần được đầu tư ngay từ thời điểm này, bởi nhân sự hàng không là một lĩnh vực chuyên biệt đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, nhìn vào kinh nghiệm, tiềm lực và tâm huyết của chủ đầu tư Sun Group, thương hiệu NACO và triển vọng to lớn của vùng đất này, vị chuyên gia mỉm cười: “Thách thức cũng chính là cơ hội để chúng ta khẳng định và ghi dấu ấn. Hãy tin tưởng vào tương lai, chắc chắn, Vân Đồn sẽ cất cánh”.