Hoàng Thị Hồng Chiêm, tên người con gái đặc biệt đã đi vào trí nhớ người dân nước Việt vào ngày mở đầu chiến tranh biên giới phía Bắc 17/2/1979, nơi đồn biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh) chống lại quân Trung Quốc xâm lược. Đồng thời, như bất cứ một hình tượng đã trở thành bất tử nào, hình ảnh chị đã được nhân hóa đi vào nghệ thuật, để mỗi khi nhắc đến tên chị là người ta lại nhớ đến những ngày hào hùng, bi tráng bốn mươi năm trước.
Người con gái khai thêm tuổi để được nhập ngũ
Trong văn học, hình ảnh chị xuất hiện ngay trong cuốn truyện ký Hoàng Thị Hồng Chiêm, tác giả Tống Khắc Hài (sách ra mắt tháng 8/1979, với số lượng in là 70.500 cuốn). Trong cuốn sách này thông qua những người thân của chị, hình ảnh chị hiện lên rõ ràng đầy đủ nhất.
Chị đã khai thêm tuổi để được nhập ngũ trong kháng chiến chống Mỹ. Xuất ngũ trở về cũng tình nguyện lên Pò Hèn sống với bà con dân tộc, làm mậu dịch viên, không ngại khó ngại khổ. Trước mặt mọi người lúc nào chị cũng tỏ ra cứng rắn, nhưng bên trong lại là một tâm hồn lãng mạng, bay bổng.
Bằng chứng là từ lời kể của người chị gái ruột tên Liễm thì chị luôn luôn ghi nhật ký và rất ham đọc sách. “Thích nghe chuyện, Chiêm còn thích đọc truyện. Cụ quản Tiến trong làng có một tủ sách. Bố tôi vẫn mượn sách về đọc, dù bố tôi có cất kín đến đâu thì Chiêm vẫn tìm ra bằng được và đọc ngấu nghiến. Sau này Chiêm vẫn giữ cái tính mê đọc sách như thế. Chiêm thích nhất truyện miền Nam - Truyện Phan Tứ, Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Sáng. Đầu giường Chiêm lúc nào cũng có sách, hễ đi đường xa là Chiêm mang sách đi theo”.
Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm. |
Đọc sách mua chưa đủ Chiêm còn đọc sách thư viện, chỉ tội thư viện huyện ít sách quá, chỉ ba tháng mà đã phải “nhai lại” (đọc lại) rồi. Từ sự ham tìm hiểu này mà ngay từ nhỏ Chiêm đã bộc lộ là người cương trực, sống nghĩa khí, căm thù cái ác.
“Bu tôi thì vẫn kể chuyện từ đời nảo đời nào bọn “giặc cốc lồ” ở bên Tầu kéo sang, thằng giặc nào tay cũng cầm dao, vai quảy cốc lồ. Nó đứng giữa đường, người mình đi qua có gì, nó giật lấy bỏ luôn vào cốc lồ. Nó xông vào từng nhà cướp của. Nhà nào nhiều quần áo, ngô khoai thì nó lấy cho đầy cốc lồ mới thôi. Hễ lần nào nghe bu kể lại chuyện ấy thì Chiêm đều bật dậy hỏi bu rằng sao người mình không chém lại nó, nhà nào cũng có dao băm dây khoai đem ra mà chém nó có được không?”.
Từ những ký ức của người thân trong cuốn sách ta có thể thấy tình hình căng thẳng nơi biên giới Việt - Trung trước ngày 17/2. Qua lời người mẹ đẻ của Chiêm: “Càng gần ngày tết, quân Trung Quốc càng kéo xe, kéo pháo về rầm rầm. Ai cũng tưởng nó sẽ đánh ngay sang vì ngày nào nó cũng gây ra lắm chuyện ngang ngược. Suốt bờ sông biên giới, súng đại bác của nó chĩa sang mình. Đồi núi bên ấy nó đào bới đỏ loét”.
Qua chính lời Chiêm khi viết thư kể cho chị gái Liễm nghe công việc hàng ngày của mình: “Ban ngày em đi vót chông, đêm thì đi căm chông và tuần tra canh gác. Chẳng đêm nào ngủ trọn được lấy bốn, năm tiếng, thậm chí còn thức trắng đêm vì báo động. Bọn em ở đây sát quá, chỉ cách chúng nó có con suối cạn thôi. Chúng vẫn mò sang cướp trâu bò, vào do thám ta. Nhiều đêm đi tuần chỉ lo nó bắt cóc thôi, thế nhưng bọn em chẳng sợ, vẫn cứ sống đàng hoàng, đất mình mình đi”.
Địch không tấn công biên giới của ta ngay mà còn mở hàng loạt vụ khiêu khích biên giới. Trước đó chúng bắn vào thuyền dân ta ở đồn Tài Xẹc làm chết một ngư dân Trà Cổ, rồi phục kích bắn hỏng một ôtô chở lương thực lên Pò Hèn, bắt cóc công nhân. Thám báo sang ta, thỉnh thoảng xả đạn qua biên giới, có chỗ xả cả súng cối. Mỗi ngày ở bên kia có hàng trăm xe quân sự chở súng đạn về Thán Sản, Đồng Tông và lên các triền núi, thêm một trạm ra đa và hai trận địa pháo ngay phía Pò Hèn nhìn sang.
Trong những ngày căng thẳng đó, tình yêu của chị Hoàng Thị Hồng Chiêm và anh Bùi Văn Lượng, công an vũ trang đồn Pò Hèn phải tạm gác lại. Họ chờ cho đến khi nào tình hình biên giới yên ổn, chờ cho mọi nhiệm vụ chung của tổ chức được hoàn thành mới tính đến niềm vui riêng cho mình là một đám cưới.
Kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc
Nhưng cái đám cưới thực sự ấy không xảy ra, khi mà đêm ngày 17/2/1979 giặc lợi dụng đêm tối, sương mù định bí mật vây hãm va đánh úp đồn.
Nhưng chúng không thực hiện được âm mưu này, khi bị ta phát hiện đánh trả lại ngay lập tức. Lúc đó, ở cửa hàng thương nghiệp ngoài thị trấn mọi người đều xuống hầm tránh pháo. Chỉ có Chiêm là chờ dứt đạn pháo lao lên, băng về phía đồn, khi đạn giặc bay chiu chíu trên đầu. Chiêm lên đồn để chiến đấu cùng anh em, những người mà chị coi như gia đình mình.
Nhiệm vụ đầu tiên chị nhận được khi lên đồn là chuyển đạn ra chiến hào. Rồi Chiêm trực tiếp chiến đấu, băng bó cho đồng đội bị thương, giữ vững từng đoạn chiến hào, ném lựu đạn, bắn súng để ngăn không cho quân địch tràn lên.
Với quyết tâm: Kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Kể cả khi bị thương, chỉ còn tay phải và chân trái lành lặn, chị cũng không tụt xuống hào tránh đạn, bởi biết khi tụt xuống sẽ không còn đủ sức đứng lên được nữa.
“Chiêm dồn sức chống tay phải vào mép chiến hào, cố nhích người trườn lên một bệ bắn trung liên bỏ trống. Khẩu AK trong tay phải của Chiêm lại khạc lửa. Lúc này tất cả đều như Chiêm, anh em đang bắn từng viên AK cuối cùng, mỗi viên đạn một tên giặc…”.
Tập truyện ký kết thúc tại đây, theo cái cách chẳng có cái chết nào diễn ra cả, khi mà các nhân vật đã đi vào cõi bất tử của dân tộc Việt.
Tượng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đặt tại trường THCS Bình Ngọc, Móng Cái. |
Trong âm nhạc có bài Bông hoa Hồng Chiêm của nhạc sĩ Dân Huyền với những câu như: “Bên hoa hồi, hoa quế thơm rừng biên giới/ Có bông hoa Hồng Chiêm thắm đẹp/…Cô đã trở thành người dũng sĩ/ Gương diệt thù giữ đất Quảng Ninh”.
Hay bài Bài ca trên đỉnh Pò Hèn của nhạc sĩ Thế Song: “Hoàng Thị Hồng Chiêm chiến đấu hiên ngang/ Ôi người con gái Việt Nam anh hùng/ Mang dòng máu Bà Trưng oai phong/ Muôn đời mãi còn ghi chiến công/ Đây người con gái trên đỉnh Pò Hèn”.
Rồi bài Người con gái trên đỉnh Pò Hèn của nhạc sĩ Trần Minh: “Có cảnh đào tươi đẹp trời xuân mới trên đỉnh Pò Hèn/ Hoàng Thị Hồng Chiêm/ Hoàng Thị Hồng Chiêm người con gái ấy đã vào trang sách, đã thành bài ca…”.
Hình ảnh chị Hoàng Thị Hồng Chiêm đã trở thành bất tử, đã hóa thành thơ, thành nhạc. Nhưng người còn sống thì vẫn canh cánh nỗi lòng về đám cưới của chị với người bạn đời Bùi Văn Lượng chưa thực hiện được. Vì vậy mà ngày 6/8/2017 tại Quảng Ninh diễn ra một đám cưới đặc biệt, với hành trình rước dâu Hạ Long - Móng Cái. Cô dâu, chú rể là hai liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm, những người đã hy sinh vào trận đánh sáng ngày 17/2/1979 tại đồn biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh).
Đám cưới cũng đầy đủ nghi thức như một đám cưới bình thường, cũng trầu cau, bánh trái, phát biểu của nhà gái, nhà trai, của đồng đội hai liệt sĩ… trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội cũ của hai bên.
Chỉ có điều, hai họ đón dâu, rể… là đón nhận hai tấm ảnh chân dung.