Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cổ động viên không đến sân vì bóng đá chưa sạch'

Chiều 13/1, trước yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc giải thích nguyên nhân khán giả ít đến sân, lãnh đạo Bộ VHTTDL thừa nhận “CĐV không đến sân vì bóng đá chưa sạch".

Lúc 14h ngày 13/1/2018, buổi đối thoại về “Phát triển bóng đá Việt Nam” được điều hành bởi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du Lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Khánh Hải.

Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại buổi đối thoại về "Phát triển bóng đá Việt Nam". Ảnh: Tùng Lê.

Trong gần 5 tiếng, đại diện Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) trả lời hơn 30 câu hỏi về nhiều vấn đề. Trước yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đám về việc giải thích nguyên nhân khiến khán giả ít đến sân, Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn thừa nhận: “Một trong những nguyên nhân chính CĐV không đến sân vì bóng đá chưa sạch”.

Về câu hỏi liên quan đến "chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam", Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: "Với tinh thần thẳng thắn, tôi xin đi thẳng vấn đề. Các mục tiêu được đề ra đều quan trọng và định hướng cho sự phát triển bóng đá Việt Nam tới 2030.

Các mục tiêu này phù hợp và không cần điều chỉnh. Tuy nhiên, trong 5 năm thực hiện, kết quả chưa như mong muốn. Thời điểm này, các mục tiêu ấy đều được làm. Nhưng mục tiêu hàng đầu là xây dựng VFF và các thành viên mạnh, có khả năng quản lý, tổ chức hầu hết hoạt động. Đây là mục tiêu quan trọng hiện nay".

Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 2
Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời thẳng thắn về mục tiêu phát triển bóng đá Việt Nam. Ảnh: Tùng Lê.

Một vấn đề nữa cũng nhận được sự quan tâm của những người yêu bóng đá Việt Nam là mục tiêu vô địch SEA Games. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định: “VFF và Tổng cục đã tập trung đào tạo trẻ nhiều hơn. Những năm gần đây, các đội trẻ do VFF chịu trách nhiệm toàn bộ.

Hiện Bộ VHTTDL đầu tư kinh phí cho các đội trẻ, thuê các chuyên gia, HLV có kinh nghiệm cho đào tạo trẻ, tạo điều kiện cho các đội trẻ được tập huấn và thi đấu nước ngoài, từng bước hoàn thiện hệ thống bóng đá trẻ từ U11 tới U21, qua đó từng bước đạt kết quả, nâng cao thành tích. Trong khi, VFF cũng hết sức quan tâm, đầu tư cho U22 ở SEA Games vừa rồi. Chúng ta cũng đang tập trung cao độ cho SEA Games kế tiếp”.

Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 3
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng là một trong những thành viên trả lời chất vấn. Ảnh: Tùng Lê.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu hai Bộ trưởng Giáo dục và Đào Tạo, Bộ VHTTDL cần tăng cường phối hợp để đánh giá bóng đá học đường, phát triển giáo dục theo hướng Đức - Thể - Mỹ.

Về giải vô địch bóng đá quốc gia V.League, Phó thủ tướng chỉ đạo cần có những hình phạt nghiêm khắc đối với các câu lạc bộ làm theo kiểu đối phó: "Không thể phạt và cho tồn tại, phạt là phạt tới nơi, phạt để bóng đá tốt hơn”.

Trong khi, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá: "V.League không quyết liệt, đội nào xuống hạng đã rõ nên họ buông. Đề nghị làm lại cho giải đấu quyết liệt hơn".

Trước sự quan tâm và chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục thể dục thể thao và Liên đoàn bóng đá Việt Nam hứa sẽ có giải pháp nhằm phát triển bóng đá nói riêng và thể thao nói chung.

Phó thủ tướng: 'Cần kiên quyết làm sạch bóng đá' Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cổ động viên không đến sân vì bóng đá "chưa sạch", đồng thời yêu cầu Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam kiên quyết khắc phục.
  • FIFA khen ngợi sự thăng tiến của đội tuyển Việt Nam

    Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đặc biệt ấn tượng về bước nhảy vọt của đội tuyển Việt Nam trên bảng xếp hạng, trong lúc đội đang chuyển giao thế hệ với nòng cốt là những cầu thủ trẻ.

    FIFA có một bài viết dài đăng ngày 11/1 với đoạn mở đầu: “Cuối năm, bảng xếp hạng FIFA có sự thay đổi nhỏ giữa các đội. Tuy nhiên có những thăng trầm ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là sự nhảy vọt của tuyển Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, họ tăng 13 bậc để vươn lên hạng 112 thế giới, trở thành đội tuyển ở châu Á thăng tiến mạnh nhất”.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 4

    Đây là vị trí tốt nhất của Golden Dragons (biệt danh của tuyển Việt Nam) từ năm 2012. Đội chính thức vượt qua Philippines để dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Tính trong năm 2017, Việt Nam đã tăng 24 bậc trên bảng xếp hạng FIFA. Đó là thành tích rất ấn tượng.

  • FIFA ấn tượng với thành tích của ĐTVN ở ở vòng loại Asian Cup 2019

    FIFA nhấn mạnh động lực cho sự thăng tiến của tuyển Việt Nam nằm ở vòng loại Asian Cup 2019. Với thành tích 5 trận bất bại, thầy trò HLV Park Hang-seo đã giành vé dự vòng chung kết, dù vẫn còn 1 trận đấu với Jordan. Ở trận đấu mới nhất (cũng là trận ra mắt của HLV Park Hang-seo), Việt Nam hòa Afghanistan 0-0 qua đó góp mặt ở sân chơi lớn nhất châu lục lần đầu tiên kể từ năm 2007.

    “Chúng tôi không thể giành chiến thắng nhưng 1 điểm là đủ để góp mặt ở Asian Cup. Việt Nam không chơi tốt, nhưng các cầu thủ đã cố gắng hết mình. Đội bóng chưa có đủ thời gian để thể hiện hết khả năng của mình. Mọi thứ sẽ tốt dần lên khi chúng tôi có thời gian làm việc cùng nhau”, FIFA dẫn lại lời HLV Park Hang-seo.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 5
  • Quá trình chuyển giao thế hệ của ĐT Việt Nam

    FIFA nhấn mạnh đến sự thành công trong quá trình chuyển giao thế hệ của tuyển Việt Nam. Lê Công Vinh giải nghệ và chiếc băng đội trưởng được trao lại cho Văn Quyết. Một số gương mặt vẫn còn khá mới với đội tuyển như Tuấn Mạnh, Quang Hải đã có những màn trình diễn ấn tượng.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 6

    “Với một nửa đội hình dưới 23 tuổi, HLV Park Hang-seo đang có trong tay một đội ngũ giàu tiềm năng. Họ gồm thủ môn Bùi Tiến Dũng, hậu vệ Trần Đình Trọng, tiền vệ Nguyễn Quang Hải và tiền đạo Hà Đức Chinh. Tất cả họ đã góp mặt tại FIFA U20 World Cup tại Hàn Quốc. Với những cầu thủ trẻ tài năng như vậy, Việt Nam sẽ thăng tiến hơn nữa trên bảng xếp hạng FIFA”, bài viết kết luận.

  • Tuyển Việt Nam lên ngôi số 1 Đông Nam Á trong năm 2017

    Trên bảng xếp hạng các đội tuyển bóng đá nam được FIFA cập nhật hôm 21/12/2017, đội tuyển Việt Nam qua mặt Philippines và Thái Lan để lên ngôi số 1 Đông Nam Á.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 7

    Theo đó, đội tuyển Việt Nam tăng 13 bậc, giữ hạng 112 thế giới. Trong khi đó, ĐT Philippines rơi xuống vị trí thứ 124 thế giới khi giảm 6 bậc. Còn Thái Lan tăng 2 bậc, giữ hạng 130 thế giới.

    Những tháng trước, ĐT Philippines liên tục giữ vị trí số 1 Đông Nam Á. Như vậy, dựa theo BXH FIFA tháng 12, các đội tuyển Việt Nam, Philippines và Thái Lan đang có thứ hạng cao nhất trong khu vực.

  • Những nghịch lý đang tồn tại trong lòng V.League và hệ thống đào tạo trẻ là một phần lý do khiến bóng đá Việt Nam chưa thể “cất cánh” trên đấu trường khu vực và châu lục.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 8

    Nếu nền bóng đá là một hình chóp thì đội tuyển quốc gia là đỉnh, giải vô địch quốc gia và bóng đá trẻ là đáy. Đáy có sâu và rộng, vững và mạnh thì đỉnh mới cao. Đấy là quy luật bất biến của mọi nền bóng đá trên thế giới. Chiếu quy luật ấy vào bóng đá Việt Nam, chúng ta sẽ lập tức nhìn thấy nghịch lý.

    Hình tháp ngược của bóng đá Việt Nam và bài học từ Thái Lan

    Những nghịch lý đang tồn tại trong lòng V.League và hệ thống đào tạo trẻ là một phần lý do khiến bóng đá Việt Nam chưa thể “cất cánh” trên đấu trường khu vực và châu lục.

  • Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Bóng đá còn vỗ vai, chia điểm nhau không?'

    Sáng 19/12/2017 tại Hà Nội, Phó thủ tướng đã có những chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ VHTTDL tổ chức.

    Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Tại sao bóng đá của chúng ta hệ thống giải chuyên nghiệp lại theo hình chóp ngược? Tại sao đội vô địch V.League không đủ điều kiện đá giải châu lục? Có phải chúng ta một mình theo một cách không? BTC giải đã làm tốt chưa? Bóng đá của chúng ta có đẹp không, các đội bóng còn vỗ vai, nhường điểm nhau không?”.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 9
  • Công Vinh: Phát triển V.League là cách tốt nhất để bắt kịp Thái Lan

    Bằng kinh nghiệm trận mạc dày dặn, cựu tiền đạo Lê Công Vinh tin rằng việc tăng số lượng ngoại binh ở giải V.League có thể giúp mặt bằng chung bóng đá Việt Nam phát triển.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 10

    Quyền Chủ tịch CLB TP.HCM không hề muốn bóng đá nước nhà bị Thái Lan bỏ xa, đồng thời tụt hậu so với quá khứ. Theo cựu số 9 của ĐT Việt Nam, việc tăng cường số lượng đăng ký ngoại binh ở mỗi CLB có thể trở thành hướng giải quyết giúp sân chơi V.League nâng tầm chất lượng.

    Theo Công Vinh, giải Vô địch quốc gia có tốt, đội tuyển mới phát triển. Đây là điều bóng đá Việt Nam chưa có được, và vấn đề nằm ở hạn ngạch đăng ký ngoại binh. Mỗi CLB lúc này chỉ được phép sử dụng "hai ông tây", tức những ngoại binh trên sân.

  • Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn phát biểu khai mạc buổi đối thoại về "Phát triển bóng đá Việt Nam". Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Khánh Hải điều hành buổi đối thoại.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 11

     

     

  • 14h06': Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc: “Thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, Bộ VHTTDL tổ chức Đối thoại về “Phát triển bóng đá Việt Nam”. Đến giờ phút này, Bộ VHTTDL đã nhận được 29 câu hỏi của các chuyên gia và người hâm mộ. Qua báo bóng đá, chúng tôi nhận được 21 câu hỏi của các chuyên gia và nhà báo, 69 câu hỏi của người hâm mộ, đề cập tới 7 nhóm vấn đề cụ thể”. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ điều hành buổi đối thoại.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 12
  • 14h15': Câu hỏi: "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam được ban hành từ tháng 03 năm 2013. Sau gần 5 năm thực hiện kết quả còn mờ nhạt. Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ VHTTDL các mục tiêu Chiến lược có quá cao không? có gì cần phải điều chỉnh không? Các mục tiêu đều quan trọng nhưng trong thời điểm hiện nay cần tập trung ưu tiên vào mục tiêu nào?"

    Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: "Với tinh thần thẳng thắn, ngắn gọn, tôi xin đi thẳng vấn đề. Các mục tiêu được đề ra đều rất quan trọng và định hướng cho sựu phát triển bóng đá Việt Nam tới 2030. Các mục tiêu này phù hợp và không cần điều chỉnh. Nhưng trong 5 năm thực hiện, kết quả chưa như mong muốn. Trong thời điểm này, các mục tiêu ấy đều làm cả. Nhưng mục tiêu hàng đầu hiện nay là xây dựng VFF và các tổ chức thành viên thành các tổ chức mạnh, có khả năng quản lý, tổ chức hầu hết hoạt động. Đây là mục tiêu rất quan trọng hiện nay".

  • 15h18': Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu những người được chất vấn trả lời thẳng, ngắn gọn và xúc tích. "Tôi đề nghị không cần "kính thưa, kính gửi gì nữa", câu nào trả lời nhanh gọn có thể gói trong 15 giây thôi".

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 13
  • 14h25': Câu hỏi: "Bóng đá phong trào luôn được coi là nền tảng của các nền bóng đá phát triển trên thế giới. Việt Nam có dân số gần 100 triệu, người dân đam mê bóng đá nên rất thuận lợi để phát triển môn thể thao này. Vừa qua bóng đá phòng trào có nhiều bước phát triển tuy chưa đồng bộ nhưng đáng khích lệ. Nhiều địa phương có đông người tham gia chơi bóng thường xuyên, tổ chức tập luyện, huấn luyện, tổ chức các giải thi đấu… Nhưng dường như sự phát triển đó do “tự phát”, “tự thân vận động” của xã hội?

    - Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trả lời: "VFF đã xác định bóng đá phong trào là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển bóng đá. Từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đã cử các đoàn công tác xuống địa phương hỗ trợ phát triển bóng đá phong trào. Qua mô hình ở Huế, chúng tôi đã tới 10 địa phương để bàn với chính quyền địa phương nhân rộng mô hình ở Huế. Nhưng kết quả vẫn chưa thu lại như mong muốn. Một số nơi như Bình Dương, Cần Thơ đã triển khai nhưng phạm vi còn hạn hẹp hơn Huế.

    Chúng tôi cũng liên kết một số địa phương, hỗ trợ tổ chức hướng dẫn viên, đào tạo trọng tài, cơ sở để giúp họ tổ chức các giải đấu phong trào. Đi thì mới biết như Lâm Đông có huyện Bảo Lộc có giải đấu nữ 16 đội cho đồng bào dân tộc liên tục tổ chức. Ngoài ra, chúng tôi đã tham gia hỗ trợ, xây dựng điều lệ cho các giải phong trào khác".

  • 14h31': Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi thêm: "Bóng đá phong trào có phải hoàn toàn tự phát không? Đề nghị Tổng cục và VFF trả lời".

    - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời: "Bóng đá phong trào rất được quan tâm. Với Bộ và VFF chủ yếu mang vai trò khởi xướng. Còn các hoạt động của các cơ quan và đơn vị, họ phải tự tổ chức khi có sự giúp đỡ từ các cơ quan chuyên môn như Tổng cục, Sở. Như vừa rồi, Bộ y tế tổ chức hội thao toàn nghành, thì đã có giải bóng đá nữ và nhờ sự hỗ trợ của VFF.

    Bóng đá phong trào, Tổng cục đã làm khá tốt. Không phải tất cả bóng đá phong trào đều tự phát. Vai trò của VFF và Tổng cục là có chứ không phải không có. Sắp tới, chúng tôi sẽ quyết liệt chỉ đạo thêm.

    - Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trả lời: "Năm 2013, khi bóng đá cộng đồng hết sức phát triển. Khi thành lập Liên đoàn mới do anh Trần Anh Tú làm Chủ tịch, đặc biệt sau nhiệm kỳ VII, chúng tôi đã làm việc với Liên đoàn thành phố và giới thiệu mô hình bóng đá Na Uy. Ngay từ thử nghiệm ấy, chúng tôi đã cung cấp mọi quy trình và phương thức hoạt động. Và rất mừng là chương trình "Vì ngày mai của TP. HCM" đã thu được hiệu quả rất tích cực. Từ đây, chúng tôi tổ chức hội thảo và chờ sự hỗ trợ từ Bộ Giáo dục.

  • 14h45': Câu hỏi: Nguyên nhân bóng đá học đường chưa đáp ứng yêu cầu là gì? (có phải chỉ do thiếu cơ sở vật chất, người hướng dẫn?....). Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL có thể đưa ra cam kết cụ thể về lộ trình phát triển bóng đá học đường không?.

    Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời: Chúng tôi tổ chức được rất nhiều chương trình bóng đá. VFF luôn hỗ trợ rất nhiều về chuyên môn. Nhưng bóng đá học đường chưa phát triển như mong muốn.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 14

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo đổi mới giáo dục chung rất chú ý đức - thể - mỹ. Hướng là chúng ta tương tự như ngoại ngữ, không bắt buộc học tất cả y như nhau, dưới các dạng CLB và sinh hoạt theo ý muốn. Nhưng cái khó không phải chỉ là sân bãi, vật chất. Nhưng cái thiếu không phải điều đó. Cái thiếu là không có ai. Giáo viên không biết, không hướng dẫn được, thì phải có cơ chế mời người biết về bóng đá ở khu ấy về hướng dẫn. Chứ không phải điều kiện là sân bãi, vật chất.

    Nhà quê không có sân cỏ nhân tạo, đâu có cần. Có phải chỉ do điều kiện vật chất không? Nếu có vật chất thì chúng ta có làm tốt hay không? Báo cáo Phó Thủ tướng, việc này có thể làm được. Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, tìm các lực lượng VĐV đã thôi, những người am hiểu về bóng đá đi vào các nhà trường. Thêm nữa là chỉ đạo các địa phương sử dựng cơ sở vật chất để hỗ trợ cho bóng đá học đường.

    Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, "Tôi thấy 2 bộ không phối hợp với nhau. Đề nghị 2 bộ tăng cường phối hợp hơn. Tôi quan tâm là 2 bộ đã phối hợp tốt chưa. Nếu quyết tâm phối hợp thì trả lời tốt hay chưa. Câu này phải trả lời trước tất cả nhân dân".

    Sau đó, ông Ngũ Duy Anh và ông Vương Bích Thắng đồng ý, đề nghị hai bộ trưởng sắp tới ngồi lại, đánh giá lại về bóng đá học đường và cố gắng lại. Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, "Có ký kết nhưng triển khai chưa đồng bộ, chưa cụ thể".

  • 14h52': Câu hỏi: Ở các nước bóng đá trẻ bắt đầu được các CLB quan tâm do được ràng buộc trách nhiệm cũng như thấy có quyền lợi và Liên đoàn bóng đá có vai trò, trách nhiệm định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ. Vậy Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã có những chỉ đạo gì để ràng buộc trách nhiệm của các CLB trong đào tạo cầu thủ trẻ? Liên đoàn đã thể hiện vai trò “định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ” như thế nào?

    Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trả lời: VFF có một hệ thống bóng đá trẻ từ U11 tới U21 tương đối hoàn chỉnh. Gần đây, VFF tập trung chú trọng mở rộng hệ thống thi đấu. Số trận tăng lên đáng kể. VFF cũng mở nhiều khóa học bóng đá trẻ cho các HLV trẻ, các khóa học của AFC. Nhiệm kỳ qua, 900 lượt HLV đã được đào tạo. Chúng tôi cũng huấn luyện hồi phục thể lực chuyên sâu hơn cho các HLV ở CLB. VFF cũng đầu tư cho các tài năng bóng đá trẻ ở các CLB thông quan tập huấn cho các đội tuyển quốc gia.

    Trưởng ban tổ chức giải V.League Nguyễn Minh Ngọc trả lời: Với vai trò đơn vị tổ chức, VPF có một số giải pháp như có giải thưởng cho CLB có công tác đào tạo trẻ tốt nhất hay giải cầu thủ trẻ hay nhất của các CLB. Đó là hình thức khuyến khích đào tạo trẻ.

    Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, "Trong quy định của VFF, các CLB phải đào tạo trẻ từ U11 tới U21. Hàng năm, VFF có tổ chức 6 giải bóng đá trẻ, bắt buộc các CLB phải có 4 đội tham gia trên 6 giải. Đội nào không đủ thì bị phạt 200 triệu/đội. Hầu hết các CLB đều có, nhưng có CLB chỉ 3, 4 đội.

  • 14h58': Câu hỏi: Trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định các đội bóng chuyên nghiệp phải có trung tâm hoặc học viện bóng đá gồm các lứa U11, U13, U15, U17, U19. Vậy việc thực hiện quy định này ra sao?. Có hay không việc nhiều đội bóng không đáp ứng quy định này hoặc làm theo kiểu đối phó nhưng vẫn được tham gia các giải thi đấu chuyên nghiệp?. Trách nhiệm của Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Ban Tổ chức giải đến đâu? Tại sao đề ra các quy định mà không tuân thủ? Ai là người phải chịu trách nhiệm (cá nhân nào?).

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 15

    Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trả lời: Quy chế quy định các CLB phải dự ít nhất 4 giải bóng đá trẻ. Muốn các CLB phát triển ổn định và có tính truyền thống, việc này đang được các CLB nhận thức dần. Số CLB thiếu phần này đang giảm đi trông thấy. Hy vọng họ sẽ sớm hoàn thiện và chấm hết tình trạng này. Với trách nhiệm VFF, có một phần trách nhiệm trong việc các CLB hiện nay chưa tuân thủ quy chế này. Có nhiều lý do nhưng việc chuyển đổi thương hiệu ảnh hưởng rất lớn. Chúng tôi sẽ có các giải pháp quyết liệt hơn trong việc ổn định hệ thống bóng đá trẻ và đề nghị các ông chủ CLB thống nhất hệ thống này.

    Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu quy định chưa phù hợp thì nhất định phải sửa?. Sau đó, Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn hứa sẽ họp Ban chấp hành và sử trong thời gian tới. Ngoài ra, Trưởng ban tổ chức giải V.League Nguyễn Minh Ngọc cũng đồng ý quan điểm của ông Trần Quốc Tuấn và sẽ sửa. Phó Thủ tướng nói là "không thể phạt và cho tồn tại, phạt là phạt tới nơi, phạt để bóng đá tốt hơn, không phải hôm nay họp xong rồi để đấy”.

  • 15h06': Câu hỏi: Mục tiêu gần nhất, thiết thực nhất của bóng đá Việt Nam là SEA Games. SEA Games hiện là giải U22. Vậy bóng đá trẻ nước nhà lại càng có vai trò quan trọng. Quan điểm của Tổng cục TDTT làm thế nào để tập trung vào giải trẻ mà trực tiếp là U22 này. Mục tiêu SEAGAME có liên quan gì đến đào tạo bóng đá trẻ.

    Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời: VFF và Tổng cục đã tập trung đào tạo trẻ nhiều hơn. Những năm gần đây, các đội trẻ do VFF chịu rách nhiệm toàn bộ. Nhưng hiện nay, Bộ đã đặt một khoảng kinh phí cho các đội trẻ, thuê các chuyên gia, HLV có kinh nghiệm cho đào tạo trẻ, tạo điều kiện cho các đội trẻ được tập huấn và thi đấu nước ngoài, từng bước hoàn thiện hệ thống bóng đá trẻ từ U11 tới U21, qua đó, từng bước đạt kết quả, từng bước nâng cao thành tích. VFF đang hết sức quan tâm, đầu tư cho U22 cho SEA Games vừa rồi. Chúng ta cũng đang tập trung cao độ cho SEA Games kế tiếp.

  • 15h12': Câu hỏi: Thời gian gần đây, bóng đá Việt Nam đạt được một số thành tích nhất định ở lứa từ U19 trở xuống. Nhưng khi tham dự những giải đấu cao hơn như SEA Games (U22) và các giải thi đấu dành cho đội tuyển quốc gia thì lại bộc lộ sự thua sút về nhiều mặt, ngay cả các giải trong khu vực. Tại sao lại như vậy?. Giải pháp tới đây như thế nào?

    Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trả lời: Bắt đầu nhiệm kỳ VII, thành tích của các đội tuyển khá thấp nên chúng tôi đã định tập trung đào tạo bóng đá trẻ, tập trung SEA Games. Thất bại của U22 vừa qua là bài học rất lớn. Từ năm nay, tuy không có SEA Games, VFF đã phối hợp báo thanh niên đầu tư cho lứa U19 và U21 tổ chức. Kỳ vọng từ thành công của U20 quốc gia vừa qua, trong thời gian tới U22 sẽ cố gắng đạt được thành tích. Nguyên nhân thua thì có nhiều nguyên nhân. Các giải trẻ thì độ ổn định chưa cao. Hai giải vòng loại U23 và SEA Games liền nhau nên chúng tôi chưa kịp điều chỉnh chuyên môn. Thêm nữa thể hình thể lực, bản lĩnh thi đấu đều là vấn đề.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 16
  • 15h17': Câu hỏi: Tại sao hệ thống giải thi đấu cấp quốc gia của bóng đá Việt Nam lại làm ngược với thông lệ quốc tế, tức là giải Hạng Nhất có ít đội bóng hơn giải V.League, giải hạng Ba ít đội bóng hơn giải hạng Nhì (như một cây thông thay vì hình chóp như thông lệ quốc tế). Tại sao có thực trạng này?. Có liên quan đến lợi ích nhóm, quyền lợi cá nhân như dư luận phản ánh không?. Quan điểm của Bộ VHTTDL có kiên quyết “nắn” lại phù hợp với thông lệ quốc tế không?

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 17

    Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trả lời: Hệ thống của Việt Nam đã nghiên cứu các nước và có nhiều khác biệt. V.League hiện có 14. Nhưng quy hoạch sắp tới sẽ phải thay đổi. Trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi định hướng đưa ra bản thảo, quy hoạch V.League là 14, hạng nhì 14, hạng nhì 16. Nhiều nước cũng rơi vào tình trạng như vậy K.League 12 đội, nhưng hạng nhì 12, hạng 3 là 8 đội. Việc tăng số đội cũng liên quan tới hình thành các CLB chuyên nghiệp. Chuyện này phải bền vững. Giải Australia cũng chỉ có 10 đội, không có giải chính. Các đội đá với nhau rồi xếp hạng thôi, không có giải trên chứ không có giải dưới. Tăng số đội mà không phù hợp thì không hợp lý, chênh lệch sức mạnh. Như giải Thái Lan, giải 18 đội nhưng đội bét bảng chỉ có 3 điểm. Nếu ta thay đổi giải, kéo số trận ít đi, đá 6 tháng, nghỉ 6 tháng thì các cầu thủ không có sân chơi.

    Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời: Việc này có liên quan tới lợi ích nhóm không thì qua kiểm tra của chúng tôi, không có lợi ích nhóm gì cả. Chủ yếu do thời gian vừa qua, kinh phí khó khăn, một số ông chủ không còn tin bóng đá, cầu thủ bán độ hồi 2014, 2015 thì giải đấu bị teo đi. Tôi đã bàn với VFF và phải khắc phục tình trạng này. Trước đây ta quy hoạch V.League và hạng nhất ngang nhau. Chúng tôi đang lộ trình cố gắng tăng đội để đảm bảo quy hoạch, nắn lại theo lộ trình.

  • 15h26': Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, các đồng chí đừng viện lý do. Người tới sân mua vé mới có tiền, có kinh phí. Có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân là không sạch, không khách quan, trung thực. Các đồng chí có đồng ý không? Nếu đồng ý thì có quyết tâm làm nó sạch không? Nhân dân rất chờ đợi và muốn đồng chí thẳng thắn trả lời câu hỏi này. Tôi đề nghị ai là người có trách nhiệm cao nhất ở đây thì trả lời câu hỏi này.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 18

    Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trả lời: Nhận xét một trong những nguyên nhân chính CĐV không đến vì bóng đá chưa sạch là đúng. Chúng tôi kiên quyết vì đó là nền tảng cho bóng đá phát triển.

    Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời: Một trong những nguyên nhân chưa thu hút khán giả là bóng đá chưa sạch. Chúng tôi kiên quyết chấn chỉnh và làm bóng đá sạch hơn.

    Thứ trưởng Lê Khánh Hải trả lời: Nhận định của Phó Thủ tướng là đúng. Thời gian qua, bóng đá có mất niềm tin. Chúng tôi kiên quyết chỉ đạo, đề ra các giải pháp và xử lý vấn đề này. Chúng tôi sẽ làm tốt nhất trong các giải pháp đưa ra.

    Trưởng ban tổ chức V.League Nguyễn Minh Ngọc: Chúng tôi sẽ tiếp thu nghiêm túc và kiên quyết loại bỏ các hành vi bạo lực, thưởng điểm, cho điểm trong các mùa giải tiếp theo.

    Các câu trả lời nhận được sự hoan nghênh của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

  • 15h40': Câu hỏi: Thực tế trên thế giới một người sở hữu hoặc tham gia sở hữu nhiều đội bóng nhưng có quy định/luật chơi rõ ràng (Ví dụ Thái Lan có ông chủ Bia Chang sở hữu 05 CLB). Ở Việt Nam hiện nay dư luận đều cho rằng cũng có một người sở hữu, đồng sở hữu nhiều đội bóng. Vậy Bộ VHTTDL, Liên đoàn bóng đá Việt Nam có cùng đánh giá đó không? Nếu có thì là ai và các CLB nào? Có cách nào mà dù một người chi phối nhiều đội bóng nhưng khắc phục được câu chuyện “vỗ vai chia điểm” hay không. Phải chăng cần cho giải vô địch quốc gia nhiều đội xuống hạng hơn (hiện nay chỉ có 1-1,5 đội) và thay đổi thể thức thi đấu. Nếu cần, để khắc phục tình trạng này và đáp ứng các tiêu chuẩn của CLB chuyên nghiệp, có sẵn sàng trước mắt chỉ tổ chức V-League với một số rất ít đội đủ điều kiện tham dự hay không?.

    Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời: Nhiều năm nay, đã có phản ảnh là một ông chủ sở hữu hoặc tài trợ cho nhiều đội bóng. Chúng tôi nhận thấy là có hiện tượng này. Khi có chuyện này, thanh tra bộ đã thanh tra. Trên thực tế, xin nói thẳng là trường hợp của chỗ Đỗ Quang Hiển, khi thanh tra, các CLB này anh Hiển đều không sở hữu gì cả. Nhưng các công ty thì có tài trợ cho các đội bóng này. Nhiều năm qua, Tổng cục và VFF đã theo dõi và giám sát rất chặt các trận đấu của những đội bóng này thì không thấy có hiện tượng gì. Có những thời điểm 2 đội đá hòa, thì một đội sẽ vô địch nhưng vẫn có thắng thua. Dư luận và báo chí có đưa nhưng trên thực tế thì chưa có gì chứng minh được cả. Còn việc khắc phục vỗ vai xin điểm thì chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, vỗ vai xin điểm. Tôi hoàn toàn nhất trí với Anh Tuấn là không nên giảm hệ thống thi đấu xuống nữa.

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh: Quan điểm anh Thắng đã rất rõ ràng. Về mặt pháp lý, các CLB này không thuộc sở hữu của 1 người. Nhưng theo thực tế, chúng tôi đã biết dư luận có việc đó. Trong cuộc họp Ban chấp hành, chúng tôi đã biết có dư luận. Chúng tôi sẽ họp để đảm bảo tính công bằng của giải. Suất xuống hạng hiện nay thì phải căng cứ vào định hướng số lượng đội tham dự và điều kiện của các đội ở giải hạng Nhất để tính toán cho phù hợp.

    Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, "Tôi đọc báo thôi, nôm na thì có hiện tượng là ta quy định không cẩn thận. Luôn có một hay hai đội gọi là rổ điểm. Các đội ấy chắc chắn xuống hạng và là rổ điểm chia mọi người. Vỗ vai là ở đó. Bây giờ có nhiều cách nhưng một trong những cách đó là cạnh tranh quyết liệt hơn. Ngồi đây có nhiều nhà báo, anh em rất trông đợi chúng ta có những cái nói thẳng thắn. Giải hạng nhất ít đội hơn giải chuyên nghiệp + suất xuống hạng ít nên vì thế, có tình trang giải vô địch chuyên nghiệp không sạch. Có điều đó không?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh trả lời: Giải 2016, đội Đồng Nai tiêu cực nên BTC giải phải họp với các đội. Các đội đề nghị là không có đội xuống hạng. Khi ấy chúng tôi phải đấu tranh có nửa suất xuống hạng thì giải mới có ý nghĩa. Các đội bóng đã đồng ý. Biết là một đội xuống hạng dễ tiêu cực, chúng tôi mong BCH xem xét, quy định lại số đội xuống hạng.

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, "V.League không quyết liệt, đội nào xuống hạng đã rõ nên họ buông. Đề nghị làm lại cho giải đấu quyết liệt hơn".

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 19
  • 16h02': Câu hỏi: Những năm 2010, châu Á đã có 2 học viện trọng tài do Nhật và Thái tự tổ chức. Tại sao các nhà chuyên môn nhiều lần xin thành lập, đi học hỏi mô hình về áp dụng mà LĐBĐ Việt Nam chưa có ý kiến trả lời, không áp dụng trong bối cảnh chúng ta đặc biệt cần (các thành viên Ban trọng tài đã gửi kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay cũng chưa được trả lời). Trách nhiệm trả lời, giải quyết thuộc về tổ chức, cá nhân cụ thể nào?

    Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi trả lời: Giải chuyên nghiệp có 26 trọng tài và 31 trợ lý, giải hạng nhất cũng tương tự. Như vậy, chúng ta có thừa trọng tài chất lượng cao. Cái ta thiếu là trọng tài giải trẻ vì có những giai đoạn hè hay cuối năm, giải trẻ liên tục tổ chức. Chúng tôi đã có kế hoạch đào tạo trọng tài nhưng vẫn chưa đáp ứng được. Hiện thời điểm này, TP.HCM đang tiến hành 2 lớp đào tạo trọng tài. Đối tượng sinh viên từ các trường Đại học thể dục thể thao cũng là đối tượng bổ sung cho Ban trọng tài. Ban trọng tài hiện có 5 người, 1 trưởng, 1 phó và 3 ủy viên. Hiện như thế là không thừa không thiếu.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 20

    Chúng ta hiện không có ai gián tiếp điều hành Ban trọng tài. Hiện chỉ có Nhật Bản có học viện trọng tài. Tôi từng đề xuất xây dựng học viện trọng tài ở Việt Nam, đào tạo vài tháng một năm. Nhưng chúng phải xây dựng rõ tiêu chí hoạt động, cơ chế để thực hiễn, qua đó, nâng cao trình độ trọng tài bóng đá Việt Nam. Ta nên tổ chức các lớp sơ cấp để đào tạo từ đầu rồi sau đó chọn những trọng tài có tiềm năng đưa vào Học viện trọng tài.

  • 16h07': Câu hỏi: Dư luận cho rằng công tác khen thưởng và kỷ luật các mùa giải chuyên nghiệp trở lại đây đã được cải thiện, khắc phục phần nào việc nương nhẹ, giơ cao đánh khẽ. Tuy nhiên vẫn vòn nhiều bức xúc với Ban kỷ luật. Trong cùng pha phạm lỗi như nhau Ban Kỷ luật lại áp dụng án phạt khác nhau (ví dụ như vụ Samson của CLB Hà Nội được cho là “tranh chấp bóng mang tính liều lĩnh”, hay trường hợp Olaha Onyedikachi của Sông Lam Nghệ An được cho là “không rõ ràng mang tính bạo lực”, trong khi một số trường hợp khác lại xử lý nặng). Ban Kỷ luật ra án phạt dựa trên dư luận và sức ép mạng xã hội (vụ treo giò Sầm Ngọc Đức 8 trận). Ban Kỷ luật lựa lách ngôn từ để tạo ra những quyết định không công tâm, ví dụ như có khi quyết định treo giò theo tháng nhưng phần lớn các tháng đó là quãng thời gian nghỉ hoặc có khi lại quyết định theo trận?. Không ít chuyên gia cho rằng Ban Kỷ luật xử lý thiếu công bằng và chọn giải pháp “an toàn”. Quan điểm của Bộ VHTTDL như thế nào?. Trách nhiệm người đứng đầu Ban Kỷ luật đến đâu?

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 21

    Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường trả lời: Bóng đá là môn đối kháng trực tiếp, va chạm là đương nhiên và lỗi là thường xuyên. Phải xác định lỗi là cố tình hay vô tình. Cùng một lỗi, trọng tài có thể xử khác nhau. Lỗi xảy ra muôn hình vạn trạng. Không thể căn cứ vào lỗi mà xử giống nhau được.

    Thứ hai là bảo Ban kỷ luật lách luật dùng từ, tôi khẳng định Ban kỷ luật VFF làm việc công tâm, cứ đúng chúng tôi làm. Đến lúc này, chúng tôi khẳng định chúng tôi làm hoàn toàn đúng, không sai.

  • 16h16': Câu hỏi: Liên đoàn đánh giá như thế nào về đội ngũ HLV nội hiện nay cả về số lượng và chất lượng so với các nước trong khu vực?. Giải pháp nào để sớm nâng cao trình độ của đội ngũ này, tiếp thu có hiệu quả kinh nghiệm, kiến thức huấn luyện bóng đá hiện đại của thế giới? Nhiều ý kiến cho rằng hoạt động của Hội đồng HLV quốc gia thời gian qua rất hình thức. Quan điểm của Liên đoàn bóng đá Việt Nam như thế nào? Vai trò của Hội đồng HLV có cần không? Các nước có Hội đồng HLV này không?

    Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh trả lời: Việt Nam là nước có số lượng HLV hàng đầu khu vực. Năm 2018, VFF tổ chức khóa đào tạo HLV chuyên nghiệp bằng Pro. Đây là lần đầu tiên làm được việc này. Số lượng nhiều nhưng chất lượng thì chỉ trung bình. Một số HLV Việt Nam hạn chế ngoại ngữ, cập nhật khó khăn. Hội đồng hiện đã bổ sung một số HLV tốt như Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và Kim Chi. Hiệu quả hoạt động đã được nâng cao và có những tư vấn đóng góp quan trọng cho các HLV, VĐV quốc gia. Giải pháp để nâng cao công tác HLV là tiếp tục tổ chức các khóa học cấp độ trên, phổ biến cung cấp tài liệu cho các HLV để nâng cao trình độ.

    HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam Mai Đức Chung: Một số báo chí trên mạng cũng nêu lên Hội đồng HLV quốc gia chỉ làm hình thức, thì tôi khẳng định là không phải. Vừa qua, chúng tôi đã tư vấn rất nhiều việc như tuyển chọn HLV tuyển quốc gia và rút kinh nghiệm, lên kế hoạch cho tuyển quốc gia. Vừa rồi, nếu không có Hội đồng HLV quốc gia, cũng nên có một ban chuyên môn để theo dõi các đội tuyển. Năm vừa qua, chúng tôi đã họp bàn là năm 2017 mới có tiền trợ cấp chứ trước kia hoạt động làm gì có. Vừa qua, các đội tuyển tham dự giải thì Hội đồng HLV quốc gia không có người theo dõi trực tiếp, đó là thiệt thòi cho Hội đồng chúng tôi. Còn trình độ chuyên môn của những người trong Hội đồng không phải bàn cãi vì có những người đã vô địch vài lần V.League.

  • 16h22': Câu hỏi: Tại sao trong phần lớn thời gian của nhiệm kỳ vừa rồi, Chủ tịch Liên đoàn có vấn đề về sức khỏe, những cam kết khi trúng cử không thực hiện được. Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình chung của bóng đá Việt Nam. Nội bộ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém, bức xúc phải chăng do “sức khỏe” của Liên đoàn không đảm bảo nhưng Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT không có ý kiến để Liên đoàn kiện toàn?. Liên đoàn cũng không có phương án xử lý kịp thời để ổn định và bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy?

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 22

    Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời: Theo điều lệ VFF, bầu Chủ tịch là thuộc thẩm quyền Đại hội VFF. Với trách nhiệm. Lúc đầu, đồng chí Lê Hùng Dũng mới bị bệnh và có nguyện vọng xin nghỉ. Nhưng sau điều trị và qua những cuộc họp, mọi người động viên. Anh Lê Hùng Dũng đồng ý tiếp tục trách nhiệm và làm việc cho tới hết nhiệm kỳ. Dù vậy trong thời gian, có những lúc đồng chí mệt thì vẫn ra. Dù không xuất hiện nhiều trong các hoạt động bóng đá, nhưng trong các công việc Liên đoàn, đồng chí Dũng vẫn có mặt.

    Phải nói thật là anh Dũng rất tâm huyết. Trong bối cảnh đầu nhiệm kỳ chưa có sự ổn định, sự có mặt của anh Dũng để giữ ổn định cho VFF là điều rất cần thiết. Hiện anh Dũng đã khỏe, ổn hơn rất nhiều và sẽ tham gia hết khóa này. Kể cả Bộ trưởng cũng đã gặp gỡ và trao đổi với anh Dũng. Bản thân ban chấp hành VFF cũng không có đề xuất nào bảo là anh Lê Hùng Dũng phải nghỉ.

  • 16h36': Câu hỏi: Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn hiện nay là công chức của Tổng cục TDTT được biệt phái sang, đến nay đã khoảng 12 năm liên tục. Vậy việc này đã phù hợp chưa? Trong thời gian vừa qua Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn cũng cùng lúc đảm nhận nhiều chức danh. Việc này có ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc hay không?

    Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời: Việc Tổng cục giới thiệu cán bộ vào cơ cấu các tổ chức xã hội thể thao nói chung là phải trên cơ sở của các tổ chức. Với VFF cũng vậy. Khi cần, VFF đều có văn bản sang xin cán bộ hỗ trợ sang cơ cấu. Điều này về pháp luật hay các quy định FIFA đều không sai gì cả. Chúng tôi thấy mối quan hệ này không vướng mắc gì cả. Nếu VFF có đề nghị, chúng tôi sẽ có xem xét.

    Từ khóa I tới giờ, nhiệm kỳ nào VFF cũng có một quan chức của Tổng cục sang. Riêng trường hợp của đồng chí Trần Quốc Tuấn, VFF đều có văn bản đề nghị Tổng cục cho phép anh Tuấn được ứng cử Ban chấp hành và tham gia ban lãnh đạo VFF.

    Trong quá trình thực hiện, đồng chí Trần Quốc Tuấn đã phát huy được năng lực sở trường. Còn việc anh Tuấn làm nhiều chức danh, việc này là do Ban chấp hành VFF phân công. Nhưng sau khi dư luận có việc phản ánh, có một giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã yêu cầu anh Tuấn bớt các chức danh đi để tập trung và chức danh chính là Phó Chủ tịch VFF để hoàn thành các công tác chỉ đạo. Thời gian gần đây, anh Tuấn đã rút ra khỏi nhiều vị trí ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

  • 16h41': Câu hỏi: Đã có những ý kiến về đơn kiện tại Liên đoàn bóng đá Việt Nam liên quan đến hành vi nhận hối lộ (ví dụ ông Nguyễn Văn Chương - nguyên quyền giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF giai đoạn 2013-2014 tố cáo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF và ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực nhận hối lộ), ý kiến về việc đổi xe biển trắng thành xe biển xanh sai quy định pháp luật. Ý kiến chính thức của Liên đoàn về những vụ việc này như thế nào?.

    Đại diện VFF trả lời: Khẳng định đơn tố cáo không có cơ sở, anh Lê Hùng Dũng không có hành vi này. Liên quan tới biển xanh, VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp và có vai trò đại diện cho nền bóng đá quốc gia. Năm 2010, có đợt đổi xe, xuất phát từ nhu cầu đối ngoại, VFF có công văn xin đề nghị đổi mọi xe của VFF sang biển xanh. Các cơ quan chức năng đã xem xét và đồng ý. Thêm nữa, các xe này được điều phối cho các hoạt động của Liên đoàn, không sử dụng cho bất kỳ cá nhân nào. Các xe này cũng hoàn toàn được mua bằng kinh phí của VFF.

  • 17h10': Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban thể dục thể thao Hà Quang Dự phát biểu: Bộ máy đang có lỗi hệ thống, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Tôi nói hai điểm mà anh em không phát hiện mà không xử lý được kịp thời. Thứ nhất là việc xã hội hóa bóng đá đã mang lại kết quả khá tốt. Tôi không nói lại kết quả ấy. Nhưng đã bắt đầu xuất hiện vấn đề mới. Ví dụ có phải chăng hoạt động bóng đá của ta đang tuột dần khỏi quản lý nhà nước, tuột dần khỏi địa phương, không còn gắn kết với các đội bóng, địa phương. Đây có phải mặt trái của xã hộ hóa mà các đồng chí không nhận ra? Vấn đề xã hội hóa, trách nhiệm của Tổng cục đến đâu, các đồng chí phải nhìn thực tế.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 23

    Thứ hai là lỗi hệ thống quan trọng. Việc tổ chức các giải bóng đá quốc gia đặc biệt là các giải đỉnh cao là trách nhiệm VFF. VFF là người quyết dịnh thành lập Ban tổ chức giải và một Phó chủ tịch VFF trực tiếp chỉ đạo. Gần như hàng tháng, Bộ trưởng giao ban. Cứ sau 1, 2 lượt thì trưởng BTC giải báo cáo. Chúng tôi quản lý và xử lý tới mức đó. Có những trận anh Ngô Tử Hải bảo xử lý đi nhưng không có bằng chứng. Nhưng tôi bảo có bằng chứng.

    Lãnh đạo tỉnh gọi cho tôi, cử Giám đốc sở lên, tôi cho nghe băng ghi âm và họ chịu luôn. Hiện việc tổ chức giải được giao cho VPF. Có phải như vậy là các đồng chí làm tuột quyền quản lý nhà nước tuột khỏi tay của VFF không? Tất nhiên họ không buông hết, vẫn còn Ban trọng tài, Ban kỷ luật ở đó nhưng không thể tồn tại cách đó được. Đó là một mô hình sai so với hệ thống. Hệ thống của chúng ta dù là bóng đá cũng phải do Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý. Tại sao lại chuyển quyền ấy sang một doanh nghiệp. Theo tôi, doanh nghiệp ấy chỉ có thể có quyền tổ chức sự kiện, không thể là đơn vị chịu trách nhiệm chính.

  • 17h22': Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải: VFF thiếu chất bóng đá, phải bổ sung. Mỗi vai trò trong đội tuyển đều được phân rõ ràng. Ở SEA Games, Lê Hoài Anh là trưởng đoàn, hỗ trợ, điều tiết các tình huống xảy ra. Còn HLV trưởng là người chịu trách nhiệm chuyên môn. Bên cạnh đó là GĐKT đi theo hỗ trợ. Ngoai ra, chúng tôi còn những bộ phận chuyên môn khác tổ chức theo công việc phân công. Về vấn đề HLV trưởng và trưởng đoàn, có chuyên môn thì rất tốt. Ở FIFA, Giantino là một doanh nghiệp. Tổng thư ký là nữ, 10 năm làm ở UN, không biết gì về bóng đá. Quan trọng là quản lý, tổ chức bóng đá, quản lý.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 24

    Vấn đề thứ hai là tính chuyên môn của Hội đồng HLV quốc gia. Họ được thành lập dựa trên sự tín nhiệm của Hội đồng và được chọn theo hình thức phiếu kín. Tôi tin là những người được lựa chọn đã đóng góp hết sức mình cho Hội đồng. Các HLV nước ngoài giống như một mặt hàng trên thị trường, nếu ta đi mà không có chuẩn bị, về họp lại thì mất thời gian lắm.

    Vấn đề thứ 3 liên quan tới sa thải HLV trưởng trong nước, cũng xin chia sẻ là HLV chuyên nghiệp là nghề khắc nghiệt. Chúng tôi đã có những trao đổi. Khi anh Hữu Thắng sau trận còn không thông báo chúng tôi tại SVĐ và tuyên bố rút lui. Về Việt Nam, anh Dũng (Chủ tịch VFF) gặp riêng Anh Thắng và thuyết phục, nhưng anh Thắng xin được tôn trọng.

  • 17h25': Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, "Có ý kiến cho rằng vấn đề chuyên môn chưa được quan tâm bằng vấn đề xã hội. Đúng hay không?"

    Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trả lời: Chúng tôi cực kỳ chú ý việc này vì đây là việc liên quan tới chuyên môn của các đội tuyển quốc gia.

  • 19h: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận: Tôi đánh giá sự chuẩn bị của Bộ VHTTDL cũng thẳng thắn. Nhưng như đã nói, kỳ vọng của mọi người về bóng đá, cái nhìn thẳng vào bất cập và có cam kết đã tốt hơn nhưng chưa tốt hoàn toàn. Tôi mừng vì Bộ trưởng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại cam kết sẽ tiếp thu hết.

    Tôi đề nghị tất cả góp ý và câu hỏi đều phải có sự trả lời lại. Điều quan trọng là tất cả những điều đó phải công khai. Tôi đề nghị anh Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo Bộ VHTTDL và Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Mọi câu hỏi trả lời hôm nay lọc ra thành từng nhóm. Những gì tiếp thu được phải thành một lời cam kết công khai. Những điều đó phải được thảo luận rất kỹ trong các buổi họp, thảo luận sau này của Tổng cục và trong chương trình nghị sự của Liên đoàn tới đây.

    Doi thoai Phat trien bong da Viet Nam anh 25

    Nếu cứ để trả lời xong rồi bỏ đấy thì không được. Sắp tới có Đại hội mới, chúng ta nhìn về quá khứ để thấy những thứ tốt đẹp, cầu thị để quyết tâm cho tương lai. Chúng ta phải có sự đổi mới, đổi mới thực sự để đem lại lòng tin cho nhân dân. Với tinh thần ấy, tôi đề nghị các đồng chí hết sức nghiêm túc.

    Thể dục thể thao rất quan trọng. Bóng đá là rất đặc biệt. Cái này là sự nghiệp chung, là màu cờ sắc áo của dân tộc. Nhưng trách nhiệm đầu tiên phải là của Bộ VHTTDL. Dựa trên điều đó, chúng ta mới kêu gọi nhân dân, doanh nghiệp và mọi người.

    Về chiến lược, 5 năm qua là chậm rất nhiều. Tôi đồng tình với ý kiến ấy. Bao giờ từng dự án phê duyệt được, triển khai được mới là thành công. Còn chỉ nói thôi thì chưa ăn thua. Tôi sẽ cố gắng tiếp tục những sự kiện để các ý kiến được đặt lên bàn một cách cởi mở, công khai, minh bạch hết.

Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm