Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ đông MSB không thông qua kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng

Với tỷ lệ tán thành dưới 65% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự phiên họp, tờ trình về việc nhận sáp nhập một ngân hàng của MSB đã không được cổ đông thông qua.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - MSB - trình cổ đông thông qua tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra chiều 21/4.

Cụ thể, MSB cho biết ngân hàng đã có kinh nghiệm từ năm 2015 khi nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may, cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với đó, Chính phủ, NHNN cũng đang có chủ trương cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững.

Do đó, HĐQT MSB trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường và có chất lượng tín dụng tốt.

Theo lãnh đạo MSB, mục đích của việc nhận sáp nhập là để tận dụng hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng mục tiêu, hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng.

Theo đó, HĐQT MSB đề xuất cổ đông giao/ủy quyền cho HĐQT thực hiện toàn bộ công việc, nội dung liên quan đến việc chuẩn bị, triển khai và thực hiện việc sáp nhập.

Bao gồm HĐQT được quyết định lựa chọn ngân hàng mục tiêu, thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng nhận sáp nhập trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích cổ đông, khách hàng và các bên liên quan.

HĐQT cũng xin cổ đông được quyết định các nội dung liên quan đến việc nhận sáp nhập, bao gồm nhưng không giới hạn ở nội dung phương án sáp nhập, các điều kiện thực tế triển khai, thời hạn cụ thể nhận sáp nhập, phương án phát hành, hoán đổi cổ phiếu trái phiếu, chuyển đổi tài sản (bao gồm cả trường hợp có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của MSB ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc một tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại điều lệ của ngân hàng, nếu có).

Ngoài ra, HĐQT MSB sẽ thực hiện việc xây dựng và thông qua Đề án nhận sáp nhập, Hợp đồng nhận sáp nhập, điều lệ của MSB sau khi sáp nhập ngân hàng khác, cũng như các văn bản hồ sơ liên quan, trình NHNN và các cơ quan chức năng chấp thuận việc sáp nhập.

Liên quan tờ trình này, nhiều cổ đông đã bày tỏ lo ngại về việc nhận sáp nhập một ngân hàng có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh cũng như tăng trưởng của MSB trong tương lai. Hiện tại, MSB cũng chưa có thông tin về ngân hàng mục tiêu dự kiến nhận sáp nhập khiến các cổ đông chưa thể đánh giá hiệu quả của thương vụ.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, cho biết dựa trên kinh nghiệm đã có từ việc nhận sáp nhập thành công MDB, HĐQT, Ban điều hành đã đưa ra đề xuất này để trình xin ý kiến cổ đông. Ông Linh cho biết thêm nếu nhìn vào việc MSB nhận sáp nhập MDB những năm vừa qua, hoạt động này không hề ảnh hưởng tới hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Về kế hoạch lần này, HĐQT, Ban điều hành cũng đánh giá thận trọng và đưa ra trình cổ đông để xin ý kiến. Sau khi có ủy quyền của cổ đông, HĐQT, Ban điều hành sẽ có đánh giá kỹ lưỡng về yếu tố liên quan hoạt động nhận sáp nhập, đảm bảo lợi ích của ngân hàng, cổ đông.

Ông Nguyễn Hoàng An, Phó chủ tịch HĐQT MSB, cho biết thực tế, cơ quan quản lý đã có chủ trương thu hẹp các đầu mối ngân hàng từ nhiều năm nay. Việc nhận sáp nhập một ngân hàng lần này của MSB hiện mới dừng ở đề xuất chủ trương và việc có được thực hiện hay không sẽ còn phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước khi đánh giá năng lực của MSB.

Tuy nhiên, sau khi bỏ phiếu, các cổ đông MSB đã không thông qua kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng. Đã có 11/12 tờ trình của MSB được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Trong đó, nội dung duy nhất không được các cổ đông MSB thông qua là kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng thương mại. Cụ thể, tờ trình này chỉ nhận được 56,16% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự phiên họp tán thành, không đủ tỷ lệ 65% theo quy định.

Cũng tại phiên họp chiều nay, đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tổng tài sản dự kiến tăng 8%, lên 230.000 tỷ đồng vào cuối năm. Các chỉ tiêu dư nợ tín dụng dự kiến tăng 15%, đạt 141.700 tỷ đồng và huy động vốn tăng 10%, đạt 142.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Với các chỉ tiêu tài chính này, ngân hàng kỳ vọng thu về 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9% so với năm 2022.

Đại hội đồng cổ đông cũng đồng ý không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng năm nay. Trước đó, ban lãnh đạo MSB cho rằng thị trường được dự báo còn nhiều khó khăn, nên ngân hàng muốn giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ để tạo bộ đệm vững chắc cho hoạt động kinh doanh.

Khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp cho lợi nhuận tạo ra năm 2022. Hiện sau khi trích các quỹ bắt buộc, lợi nhuận sau thuế còn lại có thể phân phối cho cổ đông của MSB năm 2022 là 3.922 tỷ đồng.

MSB không loại trừ khả năng nhận sáp nhập PGBank

Lãnh đạo cấp cao của MSB cho biết PGBank là một trong những ngân hàng mà nhà băng này đang quan tâm trong việc nhận sáp nhập.


Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm