Chỉ trong vài tháng, cổ đông lớn nhất của Credit Suisse đã lỗ khoảng 1 tỷ USD. Theo Bloomberg, khi ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS mua lại Credit Suisse, Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB) là một trong những bên thua lỗ nhiều nhất.
Theo tính toán của Bloomberg, 9,9% cổ phần của SNB trong Credit Suisse hiện được định giá khoảng 304 triệu franc (tương đương 329 triệu USD). Cuối năm ngoái, tổ chức này đổ 1,4 tỷ USD vào nhà băng Thụy Sĩ.
Kể từ đó tới nay, giá trị vốn hóa thị trường của SNB đã bốc hơi 25 tỷ USD. Mở cửa phiên giao dịch ngày 20/3, cổ phiếu của ngân hàng này sụt giảm 2%.
Lỗ hơn 1 tỷ USD
Ngày 19/3, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - UBS - đồng ý mua lại nhà băng 167 tuổi - Credit Suisse - với giá 3,23 tỷ USD, chưa bằng một nửa giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng này (tính đến phiên giao dịch 17/3).
Giá mỗi cổ phiếu đánh dấu mức giảm 99% so với đỉnh hồi năm 2007 của Credit Suisse.
Thương vụ này được chính phủ Thụy Sĩ và cơ quan quản lý ngân hàng làm trung gian, nhằm gấp rút xử lý cuộc khủng hoảng của ngân hàng lớn thứ 2 quốc gia này.
Ngoài cổ đông, các trái chủ AT1 (trái phiếu cấp 1 bổ sung) của Credit Suisse cũng mất trắng 17 tỷ USD sau thương vụ. Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính của Thụy Sĩ (Finma) cho biết hàng tỷ USD trái phiếu của Credit Suisse sẽ vô giá trị và chuyển một phần gánh nặng chi phí sang các nhà đầu tư tư nhân.
Toàn bộ trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của nhà băng Thụy Sĩ được bút toán giảm để tăng vốn chủ sở hữu. Đây là khoản lỗ lớn nhất trên thị trường AT1 ở châu Âu, vượt xa kỷ lục trước đó là 1,44 tỷ USD đối với trái chủ của ngân hàng Tây Ban Nha - Banco Popular - sau khi nhà băng này bị thâu tóm hồi năm 2017.
Bước ngoặt của Credit Suisse
Trong một tuyên bố hôm 20/3, SNB khẳng định những thay đổi trong việc định giá các khoản đầu tư tại Credit Suisse "không ảnh hưởng tới kế hoạch tăng trưởng" và triển vọng năm 2023. Tổng tài sản của ngân hàng đã vượt quá 945 tỷ riyal (tương đương 251 tỷ USD).
Nói với Bloomberg vào tuần trước, Chủ tịch SNB Ammar Al Khudairy khẳng định "hoàn toàn không" sẵn sàng đầu tư thêm vào Credit Suisse nếu được đề nghị.
Cổ phiếu của Credit Suisse đã rớt mạnh sau bình luận của ông. Điều này giáng đòn mạnh lên nhóm cổ phiếu ngân hàng châu Âu, ngay sau sự sụp đổ liên tiếp của 3 nhà băng tại Mỹ.
Chênh lệch tín dụng của Credit Suisse cũng tăng cao sau tuyên bố của chủ tịch SNB. Đây là khoản chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ với những chứng khoán nợ khác có cùng thời gian đáo hạn nhưng khác nhau về chất lượng tín dụng. Lợi suất đi lên khi rủi ro tăng cao.
Trên thực tế, Credit Suisse rơi vào khủng hoảng vì hàng loạt rắc rối trong nhiều năm qua và đã phải trả giá hàng tỷ USD. Vào năm 2014, ngân hàng đã nhận tội cho phép một số khách hàng tại Mỹ trốn thuế và phải trả 2,6 tỷ USD cho chính phủ liên bang cùng các cơ quan quản lý tài chính New York.
Danh tiếng của ngân hàng cũng bị tổn hại nghiêm trọng sau bê bối kế toán của Luckin Coffee. Credit Suisse đóng vai trò bên bảo lãnh phát hành khi công ty Trung Quốc này lên sàn Nasdaq vào năm 2019.
Sự sụp đổ của quỹ đầu tư Archegos Capital khiến Credit Suisse gánh lỗ 5,5 tỷ USD và hủy hoại hoàn toàn danh tiếng của nhà băng này.
Đến năm ngoái, ngân hàng này bị đồn đoán đang trượt tới bờ vực sụp đổ. Các khách hàng - chủ yếu là các cá nhân giàu có hoặc doanh nghiệp - vội vã rút hàng trăm tỷ USD khỏi Credit Suisse.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.