Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô dâu Việt làm tình nguyện viên ở Asian Games 17

Đoàn TTVN có 2 tình nguyện viên là những cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Họ đã đăng ký tham gia làm tình nguyện viên để có thể hỗ trợ cho những đồng hương nơi đất khách.

Lê Thị Diễm (áo xanh, hàng trước) chụp hình cùng cầu thủ Olympic Việt Nam.
Lê Thị Diễm (áo xanh, hàng trước) chụp hình cùng cầu thủ Olympic Việt Nam.

Có lẽ ai trong đoàn thể thao Việt Nam cùng biết đến Lê Thị Diễm, người nhiệt tình và chẳng hề nề hà khó khăn trong việc hỗ trợ các thành viên đoàn Việt Nam. Mọi người trong đoàn càng yêu mến Diễm hơn, khi biết câu chuyện vượt khó của cô nơi đất khách.

Gia đình nghèo khó, năm 18 tuổi, Lê Thị Diễm đã phải lấy chồng người Hàn Quốc theo lời môi giới với mong muốn giúp gia đình thoát cảnh bần hàn. “Lúc ấy em nhớ nhà kinh khủng, tiếng Hàn lại chẳng biết, nên suốt ngày nhốt mình trong nhà”, cô gái người Kiên Giang này thổ lộ.

Nhưng bây giờ Lê Thị Diễm đã thật thà nói với mọi người rằng, số cô rất may mắn khi lấy được người chồng rất yêu thương mình, cộng thêm gia đình chồng cũng rất tốt với cô dâu Việt. Chính vì thế, từ một cô gái chưa hề biết tiếng Hàn, chỉ hơn 3 năm, Lê Thị Diễm đã có thể đi làm phiên dịch cho Hội phụ nữ Hàn Quốc, vừa để giúp đỡ cho các cô dâu người Việt có hoàn cảnh khó khăn, vừa là cách để Diễm trau dồi tiếng Hàn. Hiện, Diễm đang làm phiên dịch ở Bộ Lao động Hàn Quốc (chủ yếu về mảng lao động người Việt), nhằm có thể hỗ trợ cho những đồng hương xa xứ nơi đất khách. 

Olympic Việt Nam nhận được những tình cảm nồng ấm từ kiều bào Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc.
Olympic Việt Nam nhận được những tình cảm nồng ấm từ kiều bào Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc.

Cần nói thêm, vì nhà nghèo nên khi ở Việt Nam, Lê Thị Diễm chỉ học hết cấp 1! Trong thời gian ở Hàn Quốc, cô đã đi học tiếp văn hóa và hiện đang theo học lớp 11 tại Hàn Quốc.

Hôm đá giao hữu với Olympic Bangladesh, các thành viên của đội Olympic Việt Nam đã không khỏi bất ngờ khi trong 3 tình nguyện viên được cử tới hỗ trợ đội có… 1 người Việt Nam. Chị tên Trương Thị Liên, người Bà Rịa - Vũng Tàu, lấy chồng Hàn Quốc đã được 8 năm.

Giống như Diễm, thời gian đầu của chị Liên nơi đất khách cũng rất khó khăn. Đặc biệt, rào cản ngôn ngữ khiến chị rất vất vả để hòa nhập với gia đình bên chồng và xã hội. Hiện chị Liên đang làm ở một tổ chức thiện nguyện và nhiệm vụ chính của chị là làm phiên dịch giúp những đồng hương Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Incheon.

Chị Liên kể, lúc BTC Asian Games 17 ở Incheon cần tình nguyện viên tiếng Việt để hỗ trợ đoàn thể thao Việt Nam, chị là một trong những người đầu tiên đăng ký với mong muốn được làm một điều gì đó cho đoàn thể thao nước nhà ở Á vận hội và đó cũng là cách để chị vơi bớt nỗi nhớ nhà, bởi đã hơn 2 năm vì nhiều lý do mà chị Liên chưa về thăm quê.

 

Hối hận vì không cho con học sớm tiếng Việt

Theo chị Trương Thị Liên, điều làm chị ân hận nhất chính là việc không cho cậu con trai 7 tuổi của mình học tiếng Việt Nam ngay từ nhỏ, bởi ban đầu chị lo là cậu bé sẽ bị những đứa trẻ cùng trang lứa ở Hàn Quốc kỳ thị. Chị Liên cho biết, hiện chị đang nỗ lực dạy cho con học tiếng Việt. Lê Thị Diễm cũng đang dạy cho cậu con trai 5 tuổi của mình nói tiếng mẹ đẻ.

 

Cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ khai mạc ASIAD

Các thành viên trong đoàn thể thao Việt Nam cùng hòa mình vào không khí hân hoan với đoàn VĐV từ 44 quốc gia châu Á khác trong buổi lễ khai mạc sự kiện thể thao lớn nhất châu lục.

http://bongdaplus.vn/tin-bai/117/102079/co-dau-viet-lam-tinh-nguyen-vien.bdplus

Theo Đỗ Tuấn/Bongdaplus

Bạn có thể quan tâm