Đã hơn 3 năm xa quê hương, đón 3 cái Tết nơi xứ lạ, Đặng Thị Thúy (23 tuổi, Kiến Thụy - Hải Phòng) không sao quên được không khí những ngày đầu năm đoàn viên nơi quê nhà.
“Bên này không khí Tết không vui như quê mình đâu chị ạ!”, câu trả lời của Thúy ngắt đoạn, mãi mới hiện lên được cửa sổ chat qua internet của tôi và cô.
Kể về những cái Tết xa quê, cô gái miền biển Hải Phòng vốn mạnh mẽ, sôi nổi là thế, hôm nay bỗng trầm buồn.
Mâm cơm giao thừa người Hàn. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Sang làm dâu xứ Hàn từ năm 2010, cái Tết đầu tiên của Thúy khi xa nhà là năm 2011. Lúc đó, Thúy mới có bầu đứa con trai thứ nhất, chưa quen ăn món Hàn, lại nghén, nhiều lần cô đã rơi nước mắt vì tủi thân. Tuy nhiên, Thúy thừa nhận mình may mắn khi được gia đình chồng hết lòng chiều chuộng và ưu ái hơn người chị dâu cả vì phải xa quê, xa cha mẹ.
Không khí Tết nơi Thúy ở không thật nhộn nhịp. Hàng hóa chỉ được bày bán sau ngày 20 tháng Chạp nhưng cũng không có gì đặc sắc. Đường phố dường như vẫn không thay đổi so với ngày thường.
Được bố mẹ chồng thương yêu, Thúy cũng đỡ tủi thân vì những ngày lễ, Tết xa quê. |
Theo lời Thúy, lịch nghỉ Tết tại Hàn Quốc thường bắt đầu từ ngày 29 tháng Chạp đến mồng 3 tháng Giêng. Những ngày này, tất cả mọi người đều được nghỉ ngơi sau một năm vất vả mưu sinh, kể cả người chồng 37 tuổi, làm xây dựng như chồng cô.
Cũng như ở Việt Nam, vào ngày 30 Tết, các gia đình đều phải dọn nhà sạch sẽ. Buổi tối trước giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần, khi ngoài trời rét căm căm, tuyết phủ đầy. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền, tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.
Vào đêm giao thừa, người Hàn phải hoàn tất các đồ ăn đã chế biến để đem đặt lên bàn thờ, có khi tới hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có món chính là Ttok-kuk (là một loại phở nước được chế từ bò hay gà). Ngoài ra là cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô và các loại bánh cổ truyền.
Trong ngày Tết, cả gia đình Thúy thường mặc đồ truyền thống để nhắc nhở nhau nhớ về cội nguồn. |
Đêm giao thừa, không ai được ngủ, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn.
Ngày mùng 1 có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là ngày đầu tiên của một năm mới. Mọi người đều mặc quần áo cổ truyền, uống Gui balli sool, tiến hành nghi lễ cúng tổ tiên gọi là Chesa do người con trai trưởng đứng ra thực hiện. Điều đặc biệt ở Hàn Quốc là trong mọi dịp lễ, Tết, người phụ nữ sẽ không bao giờ được thắp hương tổ tiên, việc đó là của người đàn ông.
Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cái bái lạy cha mẹ, ông bà. Còn các cháu, sau khi làm động tác cúi đầu chào năm mới trước người lớn và chúc họ may mắn, cũng được nhận lì xì như ở Việt Nam hoặc có khi là vàng hay một món quà quý nào đó, tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, quan niệm của từng gia đình. Kết thúc, cả nhà quây quần cùng nhau thụ lộc những đồ ăn vừa cúng tổ tiên.
Trẻ con không có nhiều điểm vui chơi dịp Tết, nên Thúy chỉ biết đưa con trai đi trượt tuyết. |
Tiếp sau đó, mọi người sẽ đi chúc Tết hàng xóm, người thân. Khi đến thăm nhà người thân, người Hàn Quốc cũng mang theo quà để chúc mừng. Quà có thể là rượu, nước sâm, thậm chí là bộ sữa tắm, sữa rửa mặt, tất chân, nhưng lại không được tặng bánh.
Mặc dù nghi lễ đón Tết chính thức ở Hàn Quốc khá giống với Việt Nam nhưng không phải gia đình nào cũng làm theo. Tết cổ truyền của Hàn Quốc giờ cũng mai một đi nhiều. Hầu như, dịp Tết chỉ là dịp được nghỉ dài ngày để con cái về thăm cha mẹ.
Vậy nên, Thúy không khi nào nguôi nhớ tới những cái Tết quê hương, được đi chơi với bạn bè, được tự tay sắm sửa, gói bánh chưng, chăm chút cho bố mẹ... Tết Hàn Quốc với Thúy lạnh cả về thể xác lẫn tâm hồn. Hàn Quốc những ngày Tết, tuyết thường phủ trắng xóa những con đường. Vì thế, việc đi chơi, thăm thú bạn bè dường như cũng khó khăn hơn. Lạnh hơn là nỗi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, bạn bè da diết.
“Hàn Quốc chỉ đẹp trong phim thôi chị ơi. Buồn lắm, không vui như quê mình”, Thúy thổn thức.