Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Có cần một Formosa 70 năm không?'

"Đúng là chúng ta vừa cần cá, tôm và thép nhưng có cần một Formosa tới 70 năm không? Một quả bom môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng", Phó bí thư Quảng Bình phát biểu.

Sáng 29/7, trong phiên thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc về vấn đề môi trường, đặc biệt là sự cố môi trường biển khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Quả bom môi trường

Đại biểu Trần Công Thuật (Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình) nêu tình trạng ô nhiễm môi trường thời gian qua xảy ra khắp nơi, nhất là sự cố do Formosa gây ra đã ảnh hưởng xấu, tác động lớn đến đời sống, an ninh xã hội và lòng tin của người dân.

Theo ông Thuật, người dân Quảng Bình cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận đã ủng hộ cả về vật chất và tinh thần. Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo nhanh chóng tìm ra nguyân nhân và thủ phạm.

"Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự cố môi trường biển là hết sức nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của tỉnh, cả về đời sống và lòng tin của nhân dân. Ít nhất trong 4 tháng qua điêu đứng, lòng dân không yên” – vị đại biểu là lãnh đạo Quảng Bình nói.

Toàn cảnh vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung Chiều nay, 30/6, sau gần 3 tháng, nguyên nhân và thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung sẽ được công bố.

Ông phản ánh, bà con quan tâm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố, coi đây là bài học sâu sắc trong thu hút đầu tư, ứng phó thảm hoạ môi trường thiên tai, bảo đảm phát triển bền vững. Đại biểu đề nghị sớm triển khai chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài, có chính sách căn cơ để dân yên tâm... Cùng với đó là công khai minh bạch cái gì dân được đền bù, cái gì được hưởng từ Nhà nước, Chính phủ và cái gì Nhà nước đầu tư.

“Cần khẩn trương sớm làm rõ để trả lời cho dân rõ: Khi nào đánh bắt gần bờ được, khi nào bà con yên tâm ăn hải sản được và khi nào môi trường biển an toàn? Đúng là chúng ta  vừa cần cá, tôm và thép nhưng có cần một Formosa tới 70 năm không? Một quả bom môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng”, đại biểu Trần Công Thuật nói.

Cũng đại diện cho tiếng nói người dân vùng chịu ảnh hưởng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng thủ phạm Formosa đã gây ra thảm hoạ môi trường biển chưa từng. "Là đại biểu của một trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tôi rất đồng cảm với bất bình của cử tri”, ông nói.

Dẫn báo cáo Chính phủ chỉ rõ thiệt hại theo tính toán sơ bộ với số người chịu ảnh hưởng trực tiếp lên đến hàng trăm nghìn, thiệt hại về hải sản nhiều ngàn tấn, thậm chí đến hàng triệu tấn, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, thiệt hại cả gián tiếp và trực tiếp, vô hình và hữu hình, đặt biệt là hệ sinh thái, rạn san hô là vô cùng lớn, khắc phục mất nhiều chục năm.

Người dân đang hàng ngày, hàng giờ sống với lo âu khắc khoải. Đời sống sản xuất kinh doanh của người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản phẩm đánh bắt ven bờ và xa bờ đều khó tiêu thụ, do đó tàu gần như nằm bờ hoàn toàn. Thu mua hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá không thể hoạt động được.

"Còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải đi tìm kiếm việc làm khác mưu sinh kiếm sống?” – đại biểu Đồng bày tỏ.

nha may formosa anh 1
Ngư dân miền Trung gặp nhiều khó khăn sau sự cố Formosa.

 

Ảnh: Lê Hiếu.

Cũng theo vị đại biểu tỉnh Quảng Trị, sự cố môi trường biển vừa qua không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân mà còn cả khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành... Lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm xuống không được 1/10 so với cùng kỳ 2015.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Chính phủ, Bộ ngành Trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thoả đáng, công bằng; tổ chức giám sát hoạt động của Formosa để không gây hậu quả tương tự, khôi phục hệ sinh thái ven bờ để sớm công bố trả lại môi trường biển và ngư trường cho dân.

“Chính phủ đã có báo cáo về Formosa gửi đến đại biểu. Chính phủ đang xử lý, Quốc hội cũng không thể ngoài cuộc. Cái quan trọng Quốc hội cần làm không chỉ trả lời minh bạch trách nhiệm mà còn rà soát hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe doạ đến đời sống của nhân dân. Có cơ chế xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, kể cả những người không còn đương chức” – đại biểu Đồng kiến nghị.

Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế

Theo báo cáo do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày, 6 tháng đầu năm, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế - xã hội đất nước cũng xuất hiện những thách thức.

Theo đó, việc quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Quy định về tiêu chuẩn môi trường còn bất cập, chậm được hoàn thiện; thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm; đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời.

Sự cố môi trường nghiêm trọng do dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra là một trong những hậu quả nặng nề do những hạn chế, yếu kém này. Bên cạnh đó, tình hình khí hậu đầu năm diễn biến bất thường cùng góp phần gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường...

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế nước ta đang chậm lại, thấp hơn 0,8% so với cùng kỳ năm 2015. Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%.

Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều, gây bức xúc xã hội; tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng còn nghiêm trọng.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh khắc phục các tồn tại, Chính phủ sẽ kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường quản lý, giám sát đầu tư công, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch.

Thời gian tới, Chính phủ kiên quyết không cho phép các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường được hoạt động. Kịp thời bồi thường thiệt hại cho người dân và khắc phục hậu quả sự cố môi trường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung.

Đặt 2 trạm kiểm định môi trường di động tại Formosa

Đoàn giám sát của Bộ TN-MT đã chỉ ra các thiếu sót tại nhiều hạng mục xử lý môi trường của Formosa và đặt 2 trạm kiểm định di động tại công ty này.

Việt Đức - Nhật Lâm

Bạn có thể quan tâm