Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng yêu cầu tăng tốc tinh giản biên chế

Trong hoàn cảnh chỉ tinh giản được 10.000 biên chế sau nửa năm, Thủ tướng yêu cầu tích cực tăng tốc nhiệm vụ này.

Ngày làm việc thứ 2 của phiên họp Chính phủ tháng 6, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, 6 tháng đầu năm, cả nước thực hiện tinh giản được 10.000 biên chế.

Đẩy mạnh tinh giản biên chế

“Tỷ lệ tinh giản biên chế đạt được như vậy là quá thấp so với yêu cầu giảm 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 biên chế trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức, viên chức đang có hiện nay”, Bộ trưởng đánh giá.

Các bộ ngành, địa phương làm tốt việc tinh giản biên chế gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên – Môi trường, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Quảng Nam, Sơn La, Cao Bằng...

“Vẫn còn không ít cấp, ngành, địa phương đề nghị tinh giản không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng. Trong 15.000 người thì có 1.356 trường hợp không đúng tiêu chuẩn và điều kiện”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

hop bao chinh phu anh 1
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tinh giản biên chế. Ảnh: VGP.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "trước hết tinh giản biên chế đã".

“Chúng ta đã có lộ trình rồi, khối đảng 472, hành chính 1.312, xã 1.567 và đơn vị sự nghiệp 6.500 người. Các địa phương, bộ ngành phải tích cực thực hiện nghị quyết 39 tăng tốc độ giảm biên chế thời gian tới”, Thủ tướng chỉ đạo.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho hay, Bộ cũng chủ trương tăng cường ủy quyền cho các bộ ngành, địa phương trong thi tuyển công chức và thi nâng ngạch trong năm nay. Cụ thể, Bộ sẽ ủy quyền cho 13 tỉnh thi công chức, viên chức. 

“Với những ngành, địa phương không có điều kiện thi tập trung sẽ tổ chức mỗi năm 1 lần với 3 miền để giảm chi phí”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề xuất chuyển từ phí sang giá để nâng cao tự chủ dịch vụ công, từng bước xóa bao cấp để tăng tính cạnh tranh dịch vụ công, từng bước xóa bao cấp toàn xã hội với đơn vị sự nghiệp công, chuyển qua hình thức nhà nước đặt hàng.

“Cũng cần đối xử bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập thì mới thu hút được nhiều nhà đầu tư cho đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế. Công tư phải như nhau”, vị Bộ trưởng Tân kiến nghị.

Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng bày tỏ sự hoan nghênh với tinh thần của Bộ Nội vụ.

Tập trung khôi phục ngành nông nghiệp

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trăn trở các giải pháp để khôi phục nông nghiệp, đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm nay.

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp thiệt hại 16.900 tỷ đồng do hạn hán, ngập mặn, tương đương 0,6% GDP.

“Không chỉ do thiên tai mà còn do sự cố môi trường ở miền Trung”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phát, hạn hán đã qua, xâm nhập mặn đã giảm, sự cố môi trường đã được làm rõ, độc tố môi trường biển đã giảm bớt, thị trường đã khởi sắc hơn nên ông "tin ngành nông nghiệp sẽ tăng trưởng tốt hơn trong những tháng còn lại năm 2016".

Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, tận dụng mọi cơ hội mở rộng sản xuất và tăng hiệu quả sản xuất.

“Cứ tăng 2% chúng ta có thêm 15.000 tỷ đồng giá trị tăng thêm trong 6 tháng cuối năm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để làm được điều này, Bộ trưởng đề nghị Đồng bằng Sông Cửu Long mở rộng diện tích gieo trồng vụ thu đông thêm 25.000 ha, mở rộng diện tích trồng ngô, phát triển chăn nuôi, đặc biệt nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm.

“Một kg tôm giá bình quân bằng 20 kg lúa. Vì vậy cần tập trung tăng thêm 50.000 kg tôm”, Bộ trưởng Phát nói.

Thủ tướng: Lên kế hoạch sử dụng tiền bồi thường của Formosa

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Tài chính cùng chỉ đạo để cuối tháng 7 xây dựng được phương án xử lý khoản tiền bồi thường 11.500 tỷ của Formosa.


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm