Sáng 1/4, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020;
Đại biểu Nguyễn Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho hay, tích lũy nợ công đang ở mức báo động. Trung bình mỗi năm tổng số nợ công tăng 2% so với GDP.
"Tất cả các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách. Đây là hậu quả của việc đi vay tràn lan nhưng đầu tư không hiệu quả" - đại biểu Vinh nói.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, sau 5 năm (2011-2016) nợ công tăng nhanh áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%). Một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP.
Bên cạnh đó, đại biểu Vinh cho rằng tình hình bội chi ngân sách còn cao. Một trong những lý do khiến ngân sách bộ chi là việc quản lý chi tiêu không chặt chẽ, nên bội chi từ năm này qua năm khác.
"Việt Nam sẽ không có tiền trả nợ, mà phải tiếp tục vay để trả nợ" - đại biểu Vinh lo lắng và đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới phải có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng trên.
Nói về việc bộ chi ngân sách, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu ví dụ về việc 10 năm trước có một đồng chí từ thứ trưởng lên bộ trưởng đã từ chối mua xe công mới và khẳng định xe đang đi vẫn đảm bảo an toàn.
Theo bà Bùi Thị An việc làm của đồng chí bộ trưởng đã nêu cao tinh thần tiết kiệm chống lãng phí, vì vậy cấp dưới cũng phải nghĩ suy nghi muốn thay xe, trang bị văn phòng.
“Chống lãng phí phải bắt đầu từ việc nhỏ, thiết thực, phải được nêu gương. Có như vậy đại biểu Quốc hội mới không phải bấm nút để thông qua những nghị quyết về bội chi ngân sách” - đại biểu An chia sẻ.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đánh giá nợ công Chính phủ đang ở mức báo động. Ảnh: Ngọc Ý. |
Nói về các dự án FDI, đai biểu Vinh cho rằng chính sách ưu đãi các doanh nghiệp FDI khiến nhiều doanh nghiệp trong nước cảm thấy bị chèn ép. Vì vậy, để nền kinh tế có mức tăng trưởng bền vững Chính phủ chỉ nên thu hút đầu tư các doanh nghiệp này vào lĩnh vực ta còn yếu.
Cần đưa cán bộ về làm dân
Trao đổi về công tác luân chuyển cán bộ, đại biểu Vũ Công Tiến (đoàn Lâm Đồng) cho rằng cần có tổng kết đánh giá về công tác này. Một số trường hợp nên đưa về làm dân để gần dân sát dân hơn trước khi làm cán bộ.
Đại biểu Tiến đánh giá hiện bộ máy chính trị của chúng ta quá cồng kềnh vì vậy gây tốn kém ngân sách. Dù việc tinh giản bộ máy đã được đưa về thí điểm tại một vài địa phương, nhưng sau khi thí điểm vẫn quay về chỗ cũ.
"Tôi đồng tình với tỉnh Quảng Ninh khi nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch tỉnh để vừa đưa chính sách của Đảng vào cuộc sống nhanh hơn vừa tinh giản biên chế. Tuy nhiên một cấp, một địa phương làm chắc chắn không thành công. Vì vậy việc nhất thể hóa cần đồng bộ từ địa phương tới trung ương mới đạt hiệu quả" - đại biểu Tiến nói.
Trong khi đó đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng cần quyết liệt hơn nữa trong việc tinh giản biên chế, kiên quyết tinh giản những người không làm được việc, những nhiễu, hành dân. “Muốn làm được việc này phải quy định trách nhiệm cho những người đứng đầu địa phương, tổ chức” – đại biểu An đề nghị.