Gần 18.200 doanh nghiệp thành lập mới tại Hà Nội trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Nam Khánh. |
Tại Hội nghị gặp mặt trao đổi tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội ngày 20/8, ông Đỗ Văn Tình, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), đã báo cáo một số kết quả về hoạt động đăng ký doanh nghiệp 7 tháng đầu năm.
Nhiều doanh nghiệp được lập ra không để hoạt động
Đến hết 7 tháng đầu năm, TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 18.161 đơn vị thành lập mới với số vốn đăng ký là 163.524 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,4% và 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy tiếp tục dẫn đầu về số doanh nghiệp thành lập mới. Thấp nhất là khối doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản...
Cơ quan quản lý cũng thực hiện thủ tục giải thể cho 2.565 doanh nghiệp (+21%); 17.933 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (+21%); 3.202 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (+22%); 6.503 doanh nghiệp hoạt động trở lại (+13%).
Lũy kế đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn TP Hà Nội tăng lên 394.072 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là 212.422 đơn vị.
Theo ông Đỗ Văn Tình, cơ quan đăng ký kinh doanh đang quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính. Song, một số lý do khách quan vẫn có thể ảnh hưởng đến quy trình xử lý của đơn vị.
Chia sẻ thêm, ông cho biết hiện nay rất nhiều doanh nghiệp được thành lập nhưng không nhằm hoạt động mà hướng tới mục đích khác.
"Có một số trường hợp một người thành lập khoảng 20 doanh nghiệp chỉ trong một ngày thông qua hệ thống tiếp nhận hồ sơ đăng ký", ông Tình phản ánh, đồng thời đề xuất định danh điện tử cán bộ tham gia đăng ký doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi của người đăng ký.
Lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp được đánh giá là một trong những nghiệp vụ cơ bản và quan trọng của ngành kế hoạch và đầu tư. Công tác đăng ký doanh nghiệp được quy định bởi Luật Doanh nghiệp và các quy phạm pháp luật khác có liên quan trong nhiều lĩnh vực.
Đáng chú ý, thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp là lĩnh vực có nhiều thủ tục nhất của ngành và cũng là lĩnh vực có số lượng hồ sơ nhiều nhất mỗi năm của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Hơn 1.000 lượt hồ sơ gửi đến mỗi ngày
Những năm gần đây, cơ quan quản lý tiếp nhận trung bình khoảng 240.000-250.000 lượt hồ sơ. Hiện nay, Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận và giải quyết hơn 1.000 lượt hồ sơ/ngày trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia.
Tính trung bình của cả nước, mỗi cán bộ làm công tác đăng ký doanh nghiệp chỉ giải quyết khoảng 7 hồ sơ/ngày làm việc. Trong khi đó, con số tại Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội là khoảng 37 hồ sơ/ngày.
Dù bao gồm các thủ tục quy định về thành phần hồ sơ khác nhau, nhưng thời gian giải quyết chung chỉ có 3 ngày và đều được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp nhận, giải quyết trực tuyến.
Đối với các doanh nghiệp, thủ tục đăng ký doanh nghiệp là thủ tục đầu tiên để khai sinh, giúp cho các doanh nghiệp xuất hiện và tham gia vào thị trường.
Mỗi cán bộ tại Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội xử lý 37 hồ sơ/ngày. Ảnh: T.L. |
Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới và các tiêu chí liên quan khác là những chỉ tiêu quan trọng phản ánh tình trạng khỏe mạnh và năng động của nền kinh tế quốc gia lẫn mỗi địa phương.
Vì vậy, việc các thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tốt, hiệu quả sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, năng suất hơn, với sức cạnh tranh được cải thiện hơn.
Về vấn đề trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8, Phòng Đăng ký kinh doanh đã giao cho Bưu điện Hà Nội hơn 96.600 bộ kết quả để chuyển tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, gần 5.500 kết quả giao không thành công, phải phát hoàn về Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Theo ông Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Bưu điện Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu do người đại diện pháp luật doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền không có mặt tại địa chỉ trong 2 lần phát. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp đăng ký địa chỉ không rõ ràng, thiếu thông tin.
Qua thống kê hàng năm, tỷ lệ phát hoàn luôn duy trì 5,2-5,6%. Tại hội nghị, lãnh đạo Bưu điện Hà Nội cũng lên tiếng xin lỗi khi vẫn còn tình trạng bưu phẩm bị thất lạc hoặc giao chậm đến tay doanh nghiệp.
Vị này cam kết tiếp tục đồng hành với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, có giải pháp áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.