Trận cầu "đinh" tối 17/8 giữa Man City và Tottenham, với quyết định hủy bỏ bàn thắng của Gabriel Jesus ở phút bù giờ thứ 2 sau khi trọng tài Michael Oliver tham khảo hình ảnh từ VAR, đang tạo ra làn sóng phản đối dữ dội từ phía người hâm mộ Man City.
Các fan Man City không chỉ uất ức vì mất đi chiến thắng, mà đó là sự dồn nén từ rất lâu liên quan tới những “thuyết âm mưu” cho rằng Man xanh hiện gặp phải sự chống đối ngầm từ người Anh.
Lập luận phổ biến nhất đang là: Tại sao trọng tài lại dùng VAR để tước bàn thắng của Jesus, nhưng không dùng VAR để xem lại tình huống Rodri bị Lamela kéo ngã trong khu vực cấm địa ở phút 12? Phải chăng đang có bộ phận không muốn Man City chiến thắng?
Tại sao VAR không được dùng trong tình huống Rodri bị phạm lỗi. Ảnh: Reuters. |
Man City có bị “bắt nạt”?
Những bức xúc ồ ạt kéo đến sau trận đấu với Tottenham được cho là giọt nước tràn ly. Hàng loạt sự kiện đang được người hâm mộ Man xanh nhắc lại để hướng tới mục đích chứng minh dường như có ai đó không muốn Man City trở thành quyền lực lớn ở Premier League.
Đầu tiên là sự kiện truyền thông Anh lên hàng loạt bình luận tiêu cực về Man City trước khi đội bóng này chạm trán PSG ở vòng tứ kết Champions League 2015/16. Không hiểu vô tình hay cố ý mà trang mạng xã hội của BBC lại đưa lên dòng trạng thái: “Người hâm mộ Anh không hào hứng 100% trước thềm Champions League”. Bình luận này bị “ném đá” khiến BBC phải xóa dòng trạng thái và đăng lên trạng thái khác liên quan tới chuyện vé.
Cũng liên quan tới trận đấu này, trong phần bình luận trên BT Sport, các bình luận viên thay vì nhắc tới chiến công Man City là đội bóng Anh duy nhất có mặt ở tứ kết Champions League năm đó, lại xoáy rất sâu vào việc đội chủ sân Etihad đã dùng tiền để xây dựng thành công thế nào và gọi trận đấu giữa Man City và PSG bằng cái tên đầy mỉa mai là “El Cashico” (cash là tiền).
Trước đó không lâu, kênh BT Sport đưa phóng sự về lịch sử 40 năm gần đây của FA Cup, nhưng không rõ là có ý đồ gì, BT Sport lại quên phát sóng chiến thắng 1-0 của Man City trước Stoke mùa 2010/11. Chi tiết này bị một tài khoản mạng xã hội tên Fida Hussain phát hiện ra và đăng lên. BT Sport không đưa ra lời giải thích nào.
Không ít vlogger trên Youtube cũng phân tích: Có nhiều người ở Anh không thích việc Man City hủy diệt các đội bóng ở Premier League. 2 mùa bóng liên tiếp, Man xanh vô địch với 100 điểm và 98 điểm khiến giải đấu của người Anh bị chỉ trích là thiếu hấp dẫn, giảm tính cạnh tranh, và Man xanh bị coi là thủ phạm.
Việc Man City biến Premier League thành sân khâu riêng khiến họ không được yêu quý ở Anh? Ảnh: Squawka. |
Tại sao người Anh không yêu Man City?
Trong cuộc lấy ý kiến khán giả của kênh ESPN mùa trước - thời điểm Liverpool và Man City còn đang chưa phân định thắng thua trong cuộc đua vô địch Premier League - kết quả cho thấy có tới 36% người dân Manchester không muốn Man xanh vô địch. Đây được coi là con số kỳ lạ.
Về lý thuyết, người Manchester nếu không ủng hộ Man City, cũng rất ghét Liverpool do những mâu thuẫn kéo dài nửa thế kỷ qua. Tại sao lại có tới 36% người hâm mộ thà nhìn Liverpool vô địch, còn hơn chứng kiến Man City lên ngôi?
Thống kê này cho thấy rõ Man City không được yêu quý ở Anh. Trong nhiều năm qua, đúng là Man xanh đã vươn lên thành quyền lực số một của bóng đá xứ sương mù, nhưng công bằng mà nói thì vẫn không có nhiều người Anh chấp nhận điều này.
Bóng đá Anh mang nặng yếu tố vùng miền và tồn tại lượng fan hoài cổ. Họ tôn thờ những gì định hình trong quá khứ và từ chối chấp nhận những hiện tượng đi lên theo cách thiếu truyền thống như Man City.
Vẫn có bộ phận khá đông đảo người hâm mộ cho rằng Man City đang mua thành công thay vì tự tay gây dựng nó. Ảnh: Tom Jenkins. |
Từ chi tiết này có thể suy luận ra, Man City càng không được lòng những nhân vật có thâm niên trong bộ máy điều hành bóng đá Anh. Trong quá khứ, không phải ngẫu nhiên Man United suốt thời gian bị tố cáo là được thiên vị bởi trọng tài và ban tổ chức. Việc "Quỷ đỏ" được hưởng nhiều phút bù giờ hơn so với những đội bóng khác thường xuyên được lấy ra làm ví dụ.
Nhiều năm giữ vai ông lớn trong làng bóng đá đã giúp Man United xây dựng được mối quan hệ và thiện cảm rất tốt với giới chóp bu bóng đá Anh. Trong khi đó, có lý do để tin Man City chưa đủ lớn mạnh để tạo dựng mối quan hệ và tầm ảnh hưởng giống như "Quỷ đỏ".
Chuyện Man City bị chống đối ở Anh mới chỉ dừng ở ngưỡng thuyết âm mưu. Tuy nhiên, chuyện đội bóng của Pep Guardiola luôn phải chịu cái nhìn và sự đánh giá hà khắc hơn những đội bóng khác là chuyện có thật.