Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau trận Man City - Tottenham, còn ai tin công nghệ VAR?

VAR được kỳ vọng sẽ đem lại công bằng và sự chuẩn xác cho các quyết định của trọng tài. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn do con người đưa ra.

Trận cầu "đinh" tối 17/8 giữa Manchester City và Tottenham Hotspur kết thúc với kết quả 2-2. Kịch tính không chỉ đến từ sự dồn ép liên tục của đội chủ nhà trong suốt trận đấu, mà còn từ quyết định hủy bỏ bàn thắng của Gabriel Jesus ở phút bù giờ thứ 2 sau khi trọng tài Michael Oliver tham khảo hình ảnh từ VAR.

Mất chiến thắng ở phút cuối, dĩ nhiên huấn luyện viên Pep Guardiola và các cầu thủ Manchester City không thể hài lòng.

"Nếu VAR hoạt động ổn định thì sẽ tốt hơn", ông Guardiola nói sau trận đấu. Gabriel Jesus thậm chí còn chửi thề và nói "VAR là thứ rác rưởi" ngay trên sóng truyền hình.

var co cong bang khong anh 1
Công nghệ VAR từ chối bàn thắng ở phút bù giờ của Gabriel Jesus. Ảnh: Getty.

Cổ động viên của đội bóng áo xanh cũng phản đối ra mặt công nghệ VAR. "Bỏ VAR đi", một nhóm cổ động viên của Manchester City hô hào ngay trên sân. Sự bức xúc tiếp tục được thể hiện trên mạng xã hội, bởi đây đã là lần thứ 2 Manchester City bị bất lợi vì VAR trước Tottenham Hotspur.

Dù quyết định hủy bàn thắng của Jesus là đúng luật, theo luật mới về bóng chạm tay kể từ mùa giải 2019-2020, thì Guardiola cũng phần nào có lý khi cho rằng hệ thống trọng tài hỗ trợ VAR hoạt động quá thất thường. Mục đích và cách sử dụng cuối cùng của VAR chính là lý do cho sự thất thường đó.

VAR hoạt động như thế nào?

VAR là từ viết tắt của Video Assistant Referee hay trọng tài được hỗ trợ bằng công nghệ video. Trong mỗi trận đấu, bên cạnh trọng tài chính thì còn có một trọng tài chuyên xem xét lại các tình huống quay chậm từ nhiều góc quay khác nhau.

Trong mỗi trận đấu có công nghệ VAR, các trọng tài sẽ ngồi trước màn hình với hình ảnh từ nhiều camera, trong đó có cả camera quay chậm, có tốc độ bắt hình siêu nhanh. Họ sẽ phải theo sát mọi quyết định mà trọng tài chính đưa ra.

var co cong bang khong anh 2
Tuy vẫn có màn hình cạnh sân, trọng tài Premier League sẽ hạn chế theo dõi màn hình khi đưa ra quyết định, và tin tưởng vào trọng tài hỗ trợ nhiều hơn. Ảnh: PA.

Khi nhóm hỗ trợ thấy một quyết định có "lỗi rõ ràng", họ sẽ liên lạc qua tai nghe tới trọng tài chính, cho trọng tài biết điều đó. Không phải mọi quyết định trong trận đấu đều có thể can thiệp với VAR. Công nghệ và trọng tài hỗ trợ chỉ có thể can thiệp trong 4 tình huống sau:

- Bàn thắng có hợp lệ hay không

- Quyết định thổi penalty có chính xác hay không

- Tình huống thẻ đỏ trực tiếp có chính xác không

- Trọng tài có ra quyết định thổi phạt hay đuổi nhầm cầu thủ hay không. Lưu ý là trong tình huống này, chỉ có thể xác định có nhầm cầu thủ hay không, nhưng không thể thay đổi quyết định gốc.

Ngoài ra, quyết định do trọng tài hỗ trợ đưa ra cũng không phải quyết định cuối cùng. Thông tin từ trọng tài hỗ trợ chỉ để bổ sung cho trọng tài chính, còn trọng tài chính vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Tại giải Ngoại hạng Anh, có 2 khác biệt chính trong cách sử dụng VAR từ mùa giải này. Đầu tiên, trọng tài chính sẽ hạn chế đến mức tối thiểu việc kiểm tra lại hình ảnh từ màn hình, mà tin tưởng vào thông tin từ trọng tài hỗ trợ. Điều này nhằm làm giảm thời gian gián đoạn khi trọng tài kiểm tra hình ảnh.

Bên cạnh đó, ban tổ chức Premier League cũng cho biết họ sẽ áp dụng các điều luật "một cách linh hoạt hơn" so với quy định của Hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB).

Một ví dụ là pha chạm tay của Mohammed Sissoko trong trận chung kết Champions League mùa giải trước. Theo ông Mike Riley, trưởng ban trọng tài của Premier League, nếu diễn ra ở giải đấu này thì đây được coi là pha chạm bóng không cố ý, và sẽ không bị thổi phạt đền.

Tất cả các tình huống VAR can thiệp sẽ được chiếu trên màn hình lớn của sân vận động, để các cổ động viên có thể biết chuyện gì đã xảy ra.

Sự "thất thường" của VAR

Phút 12 của trận đấu giữa Manchester City và Tottenham Hotspur, Rodri bị Lamela kéo và ngã trong vòng cấm. VAR đã không can thiệp trong tình huống đó, và đây là lý do Guardiola bức xúc sau trận.

"Tôi nghĩ chúng tôi nên có một quả penalty khi Lamela phạm lỗi với Rodrigo trong vòng cấm. Trọng tài VAR chắc hẳn lúc đó đang đi uống cà phê", huấn luyện viên của Manchester City nói.

var co cong bang khong anh 3
Tình huống diễn ra phút thứ 12, khi VAR không can thiệp vào pha bóng có thể dẫn đến phạt đền. Ảnh: Reuters.

Vấn đề của VAR là chỉ can thiệp khi "có quyết định sai rõ ràng" của trọng tài. Do vậy, nếu như cả trọng tài chính lẫn tổ hỗ trợ cho rằng tình huống như pha kéo người của Lamela là không đáng kể, thì hệ thống này vẫn có thể bỏ qua những tình huống gây tranh cãi.

Ngoài ra, việc thay đổi luật cũng có thể tạo nên những sự khó hiểu. Tại Champions League năm ngoái, Llorente của Tottenham đã ghi bàn loại Manchester City sau khi bóng chạm vào tay anh. Dù Llorente đã khép tay sát người, bàn thắng đó cũng sẽ bị từ chối nếu diễn ra vào mùa giải năm nay, sau khi luật mới về chạm tay trong vòng cấm được áp dụng.

"Chạm tay thì chạm tay, quyết định đó do những người ở London đưa ra nên tôi chẳng thể nói gì hay làm gì. Tuy nhiên, nếu VAR hoạt động ổn định thì sẽ tốt hơn. Nếu như đó là pha chạm tay của Laporte, tại sao mùa giải trước Llorente lại không phải", ông Guardiola bức xúc.

Theo Telegraph, trong vòng đấu đầu tiên của Premier League trọng tài VAR đã xem lại tới 65 tình huống, bao gồm tất cả các bàn thắng. Trong đó, có 3 tình huống bị đổi quyết định, bao gồm bàn thắng của Gabriel Jesus vì Raheem Sterling việt vị trước đó.

Ngay sau bàn thắng bị từ chối của Jesus, những tranh cãi về áp dụng VAR trong phán quyết việt vị đã được đưa ra. Trong buổi bình luận của BBC, cựu tiền đạo Ian Wright phản đối việc từ chối vì cho rằng Sterling "chỉ việt vị một cái nách", còn Alan Shearer thì cho rằng đây là quyết định hoàn toàn đúng.

"Bóng đá có thể là một trò chơi với các ý kiến riêng tư, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng được đưa ra dựa trên các sự thật", cây viết Paul MacInnes của Guardian bình luận.

"Tôi không nghĩ bất kỳ người nào yêu bóng đá lại muốn nhìn thấy bàn thắng bị từ chối khi mà sự khác biệt chỉ là vài cm", cựu trọng tài Keith Hackett lại có ý kiến trái chiều trên Telegraph. "Hạn chế của VAR khiến luật việt vị buộc phải thay đổi", ông Hackett kết luận.

var co cong bang khong anh 4
Ở vòng đấu đầu tiên, Manchester City cũng bị từ chối bàn thắng khi tay của Raheem Sterling "việt vị" vài cm.

Dù là một công nghệ hiện đại, đến cuối cùng VAR vẫn chỉ là một công cụ hỗ trợ để những trọng tài đưa ra quyết định cuối cùng. Nó có thể đem lại những quyết định chính xác hơn, như các thống kê đã chỉ ra rằng với VAR trọng tài biên sẽ tăng tỉ lệ chính xác từ 79% lên tới 95%.

Tuy nhiên, VAR cũng có thể giết chết nhiều cảm xúc trong trận đấu, như cách trọng tài Michael Olivier đã làm im lặng mọi cổ động viên Manchester City đang ăn mừng hôm qua.

"Với VAR, sẽ chẳng có ai, dù họ có kinh nghiệm đến đâu, có thể thực sự tin vào mắt mình. Những bản năng mà cầu thủ, trọng tài và khán giả đã có suốt bao năm, cái cảm giác rằng một tình huống là phạm lỗi, không còn nữa. Tệ hơn, luật bóng đá thay đổi tùy theo thời gian và vị trí trên sân. Một số thứ, như những tình huống trong vòng cấm hay dẫn đến bàn thắng, sẽ được xem lại kỹ lưỡng, rất khắt khe, nhưng sẽ có nhiều tình huống chẳng có can thiệp", tác giả Jonathan Wilson viết trên Guardian.

HLV Tottenham thay đổi nhận xét về VAR sau trận hòa Man City HLV Pochettino nghi ngờ VAR trong quá khứ, nhưng thay đổi thái độ sau trận Tottenham hòa 2-2 trước Man City ở vòng 2 Premier League diễn ra vào tối 17/8.

Ai đang phân tích bước chạy ma quái của Messi, Salah, Griezmann?

Bên cạnh những chuyên gia thể thao, các nhà toán học và khoa học dữ liệu giờ đây cũng có vai trò rất quan trọng tại mỗi đội bóng.





Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm