Dẫn nhiều nguồn thạo tin, CNN tiết lộ cuộc điều tra đã kéo dài hơn 3 năm. Nó bắt đầu từ trước cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, sau đó được ông tiếp nhận, rồi được duy trì sau khi văn phòng của ông ra báo cáo điều tra và dừng hoạt động.
Các điều tra viên nghi ngờ có dòng tiền đóng góp tranh cử bất hợp pháp từ nước ngoài, dẫn đến hệ quả về an ninh quốc gia.
Đây là một trong những nỗ lực “dài hơi” nhất nhằm tìm hiểu các mối liên hệ tài chính của Tổng thống Donald Trump ở nước ngoài, lâu hơn cả cuộc điều tra chính thức kéo dài khoảng 2 năm của ông Mueller.
Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller tại buổi thông báo kết luận cuộc điều tra độc lập vào năm 2019. Ảnh: Reuters. |
Cuộc gặp bí ẩn và số tiền phút chót
Năm 2016, ông Trump vào phút chót đã rót 10 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của mình. Thông tin tình báo, trong đó có một nguồn tin của đội điều tra, khiến các điều tra viên nghi ngờ một phần số tiền này được chống lưng bởi ngân hàng Ai Cập.
Nghi vấn đó đã mở ra khả năng chiến dịch của ông Trump được hỗ trợ từ nước ngoài hoặc thậm chí là tổng thống nợ tiền nước ngoài.
Luật tài chính tranh cử nghiêm cấm các chiến dịch tranh cử vào cơ quan công quyền nhận những khoản đóng góp có yếu tố chính trị từ nước ngoài. Nếu có mối liên hệ tài chính giữa một tổng thống đương nhiệm và nước ngoài, hệ quả an ninh quốc gia sẽ làm chấn động cả nước Mỹ.
Một nguồn tin tiết lộ cuộc điều tra Ai Cập được Cục Điều tra Liên bang (FBI) khởi động cùng văn phòng công tố viên liên bang ở Washington D.C.
Đến tháng 5/2017, sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey, ông Robert Mueller được chỉ định làm công tố viên đặc biệt và tiếp quản cả hồ sơ Ai Cập. Đội điều tra hồ sơ này được dẫn đầu bởi Zainab Ahmad, cựu công tố về khủng bố quốc tế, và Brandon Van Grack, chuyên gia phản gián và an ninh quốc gia.
Cả 3 người Mueller, Ahmad và Van Grack đều không bình luận về thông tin của CNN.
Các công tố viên đặt mục tiêu làm sáng tỏ nguồn gốc số tiền 10 triệu USD mà ông Trump đổ vào chiến dịch 11 ngày trước ngày bỏ phiếu toàn quốc và mối liên hệ giữa ông với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi.
Trong những tuần cuối chiến dịch năm 2016, ông Trump và Tổng thống Sisi đã gặp nhau tại New York, vào tuần diễn ra phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Cuộc gặp diễn ra trước khi ông Trump cho chiến dịch của mình "vay lại" 10 triệu USD.
Sau khi ông Trump giành chiến thắng, Tổng thống Sisi cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện chúc mừng.
Đội của ông Mueller từng cố thuyết phục các nhân chứng tiết lộ cụ thể cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Sisi vào năm 2016.
Một nhân chứng được thẩm vấn vào tháng 11/2017 từng là thành viên chiến dịch tranh cử, nhóm chuyển giao chính phủ và Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Trump. Một nhân chứng khác được thẩm vấn vào tháng 8/2018 về cuộc gặp Trump-Sisi và lập trường của Ai Cập với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Đội của ông Mueller cũng nhiều lầm hỏi nhân chứng về Walid Phares, cố vấn chính sách đối ngoại cho chiến dịch của ông Trump, và mối quan hệ của Phares với chính phủ Ai Cập. Các điều tra viên của Công tố viên Đặc biệt Mueller từng nghi ngờ Phares nằm trong một nỗ lực tạo ảnh hưởng chính trị từ Ai Cập.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi (trái) gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào tháng 4/2019. Ảnh: Getty. |
Kết thúc không có cáo buộc
Hồ sơ này được giữ bí mật đến mức đã có thời điểm các điều tra viên phải phong tỏa cả một tầng trong tòa án liên bang ở Washington D.C. để xin thẩm phán cho tiếp cận dữ liệu giao dịch của ngân hàng Ai Cập bị tình nghi.
Cuộc điều tra có lúc được đẩy lên Tòa án Tối cao. Đó cũng là lần duy nhất cuộc điều tra dài 2 năm của ông Mueller phải tìm đến cơ quan cao nhất trong hệ thống tòa án Mỹ. Tuy nhiên, các thẩm phán cuối cùng đã từ chối tiếp nhận.
Cuộc điều tra đã kết thúc trong âm thầm vào giữa năm nay mà không đưa ra bất kỳ cáo buộc nào. Các điều tra viên có thể đã không tìm ra được cách chứng minh mối liên hệ giữa ngân hàng Ai Cập với tiền đóng góp cho chiến dịch của ông Trump vào năm 2016, theo CNN.
Trong hồ sơ gửi tòa vào tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận vào thời điểm Văn phòng Công tố viên Đặc biệt dừng hoạt động trong năm 2019, ông Robert Mueller đã chuyển cuộc điều tra về đóng góp bầu cử từ nước ngoài sang thẩm quyền của công tố viên Washington D.C.
Một quan chức cấp cao giấu tên trong Bộ Tư pháp Mỹ cũng xác nhận với CNN: "Vụ án được xem qua trước tiên bởi các điều tra viên của Công tố viên Đặc biệt nhưng không đủ hồ sơ khởi tố, sau đó được xem qua bởi văn phòng công tố viên liên bang và các công tố viên dày dạn kinh nghiệm trong vấn đề an ninh quốc gia, nhưng cũng không đủ để khởi tố".
"Dựa trên khuyến nghị của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và các công tố viên nhiều kinh nghiệm, Michael Sherwin, quyền công tố viên liên bang, đã chính thức đóng hồ sơ vào tháng 7", vị quan chức này cho biết.
Jason Miller, cố vấn cấp cao trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông Trump, khẳng định nhà lãnh đạo Mỹ "chưa từng nhận một xu từ Ai Cập". Người phát ngôn của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cũng từ chối bình luận về vụ điều tra.