Trong 4 năm dưới thời Tổng thống Trump, hai kênh truyền hình CNN và MSNBC đạt kỷ lục về lượt theo dõi và doanh thu. Thành công này đến từ các chương trình phát sóng vào giờ vàng, nội dung tập trung chỉ trích ông chủ Nhà Trắng, New York Times cho biết.
Ông Trump giờ đã thất cử. Giới lãnh đạo CNN và MSNBC đứng trước câu hỏi hóc búa: làm thế nào để thu hút khán giả trong tương lai không còn Tổng thống Trump?
Những chương trình chỉ trích Tổng thống Trump giúp CNN và MSNBC tăng số người xem và tỷ lệ xếp hạng. Ảnh: Reuters. |
Thành công nhờ Tổng thống Trump
Suốt thời gian dài, những chương trình phát sóng mỗi tối của CNN và MSNBC được miêu tả như "bài trị liệu" cho những người chán ghét chính quyền Tổng thống Trump. Từ ngày 20/1/2021, những "bài trị liệu" như vậy sẽ không còn chỗ đứng.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden và các cộng sự ít có khả năng tạo ra những vụ bê bối ầm ĩ gần như mỗi ngày, điều đã giúp hồi sinh các kênh truyền hình có thời bị coi là "đang hấp hối" và biến chúng thành tâm điểm của chính trị Mỹ hiện đại trong nhiệm kỳ tổng thống vừa qua.
Tháng trước, CNN xô đổ kỷ lục lượt theo dõi trong 40 năm qua, trong khi MSNBC cũng có tỷ lệ đánh giá xếp hạng cao nhất kể từ khi kênh truyền hình này thành lập năm 1996.
Việc ông Trump từ chối chuyển giao quyền lực trong yên bình đã giữ người xem tiếp tục gắn bó với hai kênh này trong giai đoạn hậu bầu cử.
Những tuần gần đây, CNN liên tục đánh bại Fox News, kênh truyền hình từng dẫn đầu bảng xếp hạng lượt theo dõi trong suốt thời gian dài.
Trong khi đó, chương trình truyền hình "Morning Joe" của MSNBC đã vượt qua chương trình yêu thích của ông Trump là "Fox & Friends" trên kênh Fox News trong 4 tuần liên tiếp.
Dịch bệnh Covid-19 cũng giữ tỷ lệ xếp hạng của hai kênh ở mức cao. Tỷ lệ xếp hạng của các kênh truyền hình thường tăng vọt khi xảy ra chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, hay xả súng.
Bất chấp những kỷ lục, các nhà quản lý cũng như giới phóng viên tại CNN và MSNBC đang lo âu về tương lai những năm trước mắt.
Chủ tịch CNN Jeffrey Zucker đang cân nhắc khả năng rời khỏi kênh truyền hình này, New York Times cho biết. Zucker được cho là có bất đồng với Jason Kilar - người được tập đoàn mẹ AT&T bổ nhiệm quản lý CNN.
Trong khi đó, MSNBC tuần trước cũng thông báo quyết định thay thế vị trí chủ tịch của Phil Griffin, người từng lãnh đạo đài này trong hơn một thập kỷ.
Đa phần đội ngũ nhân sự của CNN và MSNBC có chung nhận định tỷ lệ đánh giá và lượt theo dõi của hai kênh này sẽ lao dốc trong năm 2021, câu hỏi chỉ là tình hình sẽ tồi tệ đến mức nào.
Giờ đây, lãnh đạo hai kênh CNN và MSNBC đang phải xây lại chiến lược phát triển trong những năm tới, khi ông Trump rời nhiệm sở, dịch bệnh qua đi, cùng thói quen xem truyền hình đã đổi thay của khán giả.
Tương lai bất định của chủ tịch CNN
Trong 4 năm qua, CNN gần như tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực tin tức chính trị. Tái định hướng phát triển hiện là câu hỏi đặt ra với dàn lãnh đạo mới.
Đầu tháng 12, sếp mới của CNN là Jason Kilar đã có chuyến thị sát văn phòng của hãng ở New York và Washington. Ông Kilar cũng gặp riêng các biên tập viên chủ chốt để thảo luận về dự án mới, một chương trình phát sóng trực tuyến mang thương hiệu CNN.
Chuyến thị sát của ông Kilar diễn ra trùng thời điểm tương lai tại CNN của Chủ tịch Zucker đang trở nên bất định. Hợp đồng của ông Zucker được gia hạn tới hết năm 2021. Mặc dù vậy, chủ tịch CNN hiện vẫn kín tiếng về việc có tiếp tục gắn bó với hãng này hay không.
Zucker là kiểu lãnh đạo thực chiến. Ông quản lý tới từng chi tiết nhỏ nhất công việc tại CNN, và thường xuyên trực tiếp chỉ đạo các phát thanh viên qua tai nghe trong những buổi phỏng vấn quan trọng.
Chủ tịch Jeff Zucker cân nhắc khả năng rời CNN. Ảnh: AFP. |
Nhưng Kilar thì khác. Đối với đội ngũ nhân sự của CNN, sếp mới giống như một tay truyền bá công nghệ, thiếu kinh nghiệm trong mảng tin tức, đặc biệt về lĩnh vực chính trị ở một đất nước đang chia rẽ sâu sắc.
Zucker bất mãn với sếp mới sau khi ông Kilar tước bỏ quyền lực của vị chủ tịch trong một số vấn đề như giám sát truyền thông và nhân sự, New York Times dẫn lời một số nguồn tin nội bộ từ CNN cho biết. Ông Zucker chỉ nhận được thông báo ngay trước khi thay đổi được công bố.
Tháng trước, ông Kilar gửi thư chúc mừng thành công trong chiến dịch đưa tin bầu cử tổng thống tới đội ngũ nhân sự CNN. Nhưng bức thư, hóa ra, lại làm mếch lòng không ít người bởi chứa những thông tin sai lệch ngay trong hai đoạn mở đầu.
Thông điệp chúc mừng của ông Kilar nói CNN "dẫn đầu" tuyên bố chiến thắng ở Arizona thuộc về ông Biden, trong khi thực tế là Fox News và AP. Ông Kilar cũng nhầm lẫn khi nói Arizona là bang cuối cùng CNN đưa ra dự đoán người chiến thắng, nhưng thực tế là Georgia và North Carolina.
Sau khi bức thư được gửi đi, ông Kilar và Chủ tịch Zucker đã có buổi ăn trưa riêng tại trụ sở CNN ở Manhattan. Sếp mới của CNN sau đó hết lời tán dương Chủ tịch Zucker, dấu hiệu cho thấy ông Kilar muốn tiếp tục có sự phục vụ của vị chủ tịch trong đội ngũ nhân sự.
"Tôi muốn nói to và rõ ràng rằng hai điều tốt đẹp nhất từng đến với CNN là Ted Turner và Jeff Zucker", ông Kilar nói trong một buổi phỏng vấn với New York Times.
Sau đó, trong một bài phỏng vấn khác, sếp mới của CNN tuyên bố muốn giữ ông Zucker lại đài này thêm 50 năm nữa.
Hướng đi nào cho MSNBC?
Mới đây, NBCUniversal - tập đoàn sở hữu MSNBC - thông báo Rashida Jones, nhà quản lý tin tức 39 tuổi, sẽ thay thế ông Phil Griffin lãnh đạo kênh truyền hình MSNBC.
Kênh MSNBC, được biết đến với lập trường chống Trump, đang phải tái định hướng phát triển khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sắp bắt đầu.
Cesar Conde, người giám sát bộ phận tin tức của NBC, đã làm việc với các phát thanh viên và nhà sản xuất để thảo luận về hướng đi mới của MSNBC.
Lượng khán giả của MSNBC bùng nổ trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Sóng của MSNBC tràn ngập các chương trình về luận tội tổng thống, hồ sơ thuế của gia đình Trump, dịch bệnh, và mới đây nhất là bầu cử.
Khán giả của MSNBC tới đây sẽ có nhiều thay đổi. Đó là nhận xét của các nhà sản xuất sau khi bàng hoàng chứng kiến tỷ lệ xếp hạng lao dốc trong giai đoạn có nhiều "tin tốt" cho Tổng thống Trump.
Ví dụ, lượt theo dõi giảm mạnh trong những ngày đầu sau khi báo cáo của Điều tra viên đặc biệt Robert Mueller được công bố, với kết quả có lợi cho ông Trump và khiến phe Dân chủ thất vọng.
Chương trình "The Rachel Maddow" của MSNBC đã đánh bại chương trình "Hannity Show" của Fox News. Ảnh: MSNBC. |
Khán giả cũng bỏ qua MSNBC sau khi Thượng viện phê chuẩn bổ nhiệm Brett Kavanaugh - người được ông Trump đề cử - làm thẩm phán Tòa án Tối cao, hay khi Thượng viện bác bỏ đề nghị luận tội Tổng thống Trump.
Chỉ trích Trump là động lực chính giúp MSNBC tăng tỷ lệ người xem. Vì vậy, các nhà sản xuất tin rằng sự sụt giảm lượt xem và tỷ lệ xếp hạng đang ở trước mắt.
Một số nhân sự tại MSNBC tin rằng chủ nghĩa Trump, giờ đã ăn sâu vào đảng Cộng hòa cũng như một bộ phận xã hội Mỹ, sẽ tiếp tục níu giữ khán giả lại kênh này sau khi ông Trump rời Nhà Trắng.
Hiện tại, người phụ trách bộ phận tin tức của NBC Cesar Conde đang ưu tiên giới thiệu tới khán giả của MSNBC những chương trình mới trên dịch vụ phát sóng trực tuyến của NBCUniversal.
Cho tới khi có hướng đi mới rõ ràng, MSNBC vẫn có thể tạm thời hoạt động như 4 năm đã qua, khi chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục là chủ đề thu hút các khán giả với quan điểm chính trị tự do. Trong tháng 12 này, chương trình "The Rachel Maddow" của MSNBC đã lần đầu tiên kể từ tháng 2/2019 vượt qua "Hannity Show" của đài đối thủ Fox News về tỷ lệ xếp hạng.