Cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản Masahiro Shimoda có 34 ngày làm việc. Từ khi được bổ nhiệm cho đến khi bị sa thải, ông có 3 trận toàn thua, dẫn đến việc CLB Sài Gòn có 6 điểm sau 7 vòng. Nguy cơ hiện hữu là đội bóng không thể vào tốp 6 đội chắc suất trụ hạng sau giai đoạn 1.
Trước tình cảnh ngặt nghèo, không có dấu hiệu tích cực, ban lãnh đạo CLB Sài Gòn buộc lòng phải "trảm tướng". Với chuyên gia có tiếng và giàu thành tích của Nhật Bản như ông Shimoda, đó là cú sốc trong sự nghiệp. Với những người lãnh đạo đội bóng, đó là cú bước hụt chân với kế hoạch "J.League hóa".
Sự lệch pha
Thực tế, ông Shimoda đã theo đội bóng Sài Gòn từ ngày hết hạn cách ly (9/1). Với chức danh cố vấn cấp cao, chuyên gia người Nhật có khoảng 2 tháng làm quen với cách vận hành của CLB, để sẵn sàng nhận việc. Và đúng như kế hoạch đã đề ra, CLB Sài Gòn bổ nhiệm nhà quản lý sinh năm 1967 ngày 24/2, thay ông Vũ Tiến Thành, người chuyển sang Trung tâm Đào tạo trẻ PVF ngày 25/2.
Cuộc chuyển giao quá khác biệt từ lối chơi của HLV Vũ Tiến Thành sang triết lý tấn công của ông Shimoda (trái). Ảnh: CLB Sài Gòn. |
HLV Vũ Tiến Thành trước khi ra đi đã lo liệu mọi việc từ khâu thanh lý 21 cầu thủ, bổ sung số lượng lớn nhân sự mới để "thay máu" đội bóng. Ông Thành cũng vận hành trước lối chơi trong 3 vòng đầu tiên. Kết quả thu được là khả quan khi họ thắng 2, thua 1, có 6 điểm. Lối chơi phòng ngự rình rập được duy trì từ năm ngoái.
Quyết định thay đổi sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu là thời điểm không tồi để các cầu thủ chuẩn bị tâm lý. Ông Shimoda bắt đầu điều hành các buổi tập của CLB Sài Gòn từ giai đoạn này, nhưng thông tin làm HLV trưởng chưa được công bố chính thức. Có đủ thời gian làm quen, thậm chí là làm việc cùng một môi trường J.League, nhưng thành công vẫn nói không với ông Shimoda.
CLB Sài Gòn khi đó có đến 8 chuyên gia, cầu thủ người Nhật Bản. Chủ tịch đội bóng Trần Hòa Bình cam kết "nói được làm được". Ông đã "J.League hóa" một cách cơ bản nhất đội bóng, cầu thủ J.League, nhân viên và HLV người Nhật Bản. Và để hoàn thiện kế hoạch này là bước tiến khi Cao Văn Triền sang thi đấu cho FC Ryukyu vào khoảng tháng 7/2021.
Kế hoạch được trình bày gần như hoàn hảo với truyền thông và không có lỗ hổng nào, nhưng sự không phù hợp đã lộ ra ngay sau khi chuyển giao. Độ lệch giữa HLV người Nhật với các cầu thủ gia tăng. Lối chơi tấn công vốn dĩ không phải là cách mà đội Sài Gòn đã làm nên điều bất ngờ. Những con người được mang về là để phục vụ cho bài toán phòng ngự phản công.
Người hiểu điều này hơn ai hết khi HLV Vũ Tiến Thành rời ghế chính là trợ lý Phùng Thanh Phương. "Cánh tay phải" của ông Thành có mùa giải thứ 2 sát cánh bên người thầy cũ. Thậm chí, Phùng Thanh Phương là cái tên được giới thiệu để thay ông Thành chứ không phải là ông Shimoda. Tuy nhiên, vì tiến độ "J.League hóa", nên CLB Sài Gòn không thể để chuyên gia người Nhật ngồi không.
Cao Văn Triền có thể sang Nhật thi đấu khi đội Sài Gòn lâm nguy? Ảnh: Quang Thịnh. |
Hiệu ứng
Sau khi bị sa thải, ông Shimoda cũng trở về nước chứ không ở lại làm cố vấn cấp cao. Đội bóng đến lúc này mới được bàn giao cho HLV Phùng Thanh Phương. Cựu cầu thủ Trương Đình Luật được mời vào thành phần ban huấn luyện, nhưng thử thách gặp ĐKVĐ V.League CLB Viettel là bài toán quá khó với nhà cầm quân sinh năm 1978. Kết quả là ông có màn ra mắt thua 0-3 trên sân đối phương.
6 điểm của hiện tại chính là điểm số của người tiền nhiệm Vũ Tiến Thành. Hai bàn thắng duy nhất của CLB Sài Gòn đến lúc này cũng là 2 pha lập công khi ông Thành còn dẫn dắt đội bóng. Giai đoạn ngắn ngủi của ông Shimoda đã thất bại khi theo đuổi lối chơi tấn công bằng những con người phòng ngự.
Hệ quả là hơn nửa giai đoạn lượt đi đã trôi qua, CLB Sài Gòn đang đứng trong nhóm 3 đội cuối bảng. Họ cách đội đứng thứ 6 (CLB Bình Định) 5 điểm cho suất cuối cùng của nhóm trụ hạng sớm. Nếu ở lại tốp 8 đội cuối cùng, chặng đường phía trước của thầy trò ông Phùng Thanh Phương sẽ rất gian nan.
Nếu CLB Sài Gòn không cải thiện được tình thế sớm trong 3 vòng đấu tới, kế hoạch "J.League hóa" cũng đứng trên bờ vực phá sản. Liệu lãnh đạo đội bóng có còn để đội trưởng Cao Văn Triền sang FC Ryukyu nữa hay không. Khi mùa giải vào giai đoạn khốc liệt, mọi quyết định sai lầm lúc đó phải trả cái giá rất đắt.
HLV Phùng Thanh Phương "chữa cháy" giúp cựu GĐKT LĐBĐ Nhật Bản Shimoda. Ảnh: Quang Thịnh. |
Hơn thế nữa, nếu sa cơ sau 13 vòng đấu và phải đua trụ hạng, CLB Sài Gòn buộc phải tính toán thay đổi ngoại binh cho giai đoạn 2. Có lẽ lúc này, phương án đó cũng đã được tính toán, bởi đến vòng 10 là thị trường chuyển nhượng sẽ mở cửa. Hai lão tướng Daisuke Matsui, Takasaki Hiroyuki có thể phải lên bàn cân.
Dù không còn đảm nhiệm vai trò huấn luyện ở CLB Sài Gòn, ông Vũ Tiến Thành chắc chắn sẽ tư vấn nhiều cho tân HLV Phùng Thanh Phương. Ông Phương thừa nhận phải tham khảo ý thầy cũ nếu cần. Ông Thành vừa dự khán trên sân Hàng Đẫy xem trận thua 0-3 của CLB Sài Gòn hôm học trò có trận đầu tiên hôm 3/4.
Nếu HLV Phùng Thanh Phương làm ổn, ít nhất là có điểm trên sân của Quảng Ninh ở vòng 8, CLB Sài Gòn sẽ bình tâm về sân nhà thi đấu 2 trận liên tiếp. Nhưng cũng không thể không đề cập đến tình huống xấu nhất là ông Vũ Tiến Thành sẽ được triệu hồi từ PVF về lại vị trí cũ, tránh cho công cuộc "J.League hóa" đổ vỡ.