Bình luận
Những năm gần đây, CLB Hà Nội là đội bóng hiếm hoi của Việt Nam thể hiện rõ khát vọng vươn tầm châu lục và để lại dấu ấn với việc vào chung kết liên khu vực AFC Cup 2019.
Đội bóng thủ đô đang dần trở thành hình mẫu của bóng đá Việt Nam với bảng thành tích đáng nể.
Thập niên vang danh
CLB Hà Nội thành lập năm 2006 với tên CLB Hà Nội T&T. Đội bóng này lập kỷ lục 3 năm thăng liền 3 hạng để góp mặt ở sân chơi đỉnh cao V.League ở mùa giải 2009. Một năm sau, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng giành chức vô địch V.League, mở đầu cho thập niên gặt hái thành công vang dội của đội bóng.
9 năm sau, CLB Hà Nội vô địch V.League 2019 và xác lập kỷ lục 2 lần lên ngôi liên tiếp. Xen lẫn khoảng thời gian đó, đội bóng thủ đô còn có 3 lần vô địch vào các năm 2013 và 2016.
10 mùa giải kể từ 2010, chưa năm nào đại diện thủ đô rơi khỏi nhóm 3 đội dẫn đầu. Ngoài 5 chức vô địch, họ 4 lần cán đích ở vị trí á quân (2011, 2012, 2014, 2015) và chỉ một lần ở vị trí thứ ba (2017).
Thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu quốc nội sau khi vô địch cúp quốc gia 2019. Ngoài ra, có thể kể đến những danh hiệu khác của CLB Hà Nội như 3 lần giành Siêu cúp Quốc gia (2010, 2018 và 2019).
Mùa giải 2018, CLB Hà Nội vô địch sớm 5 vòng đấu, phá kỷ lục cũ của Bình Dương hồi 2007 (vô địch trước 4 vòng). Thành tích này được lập nên sau 17 vòng đấu liên tiếp đại diện thủ đô dẫn đầu bảng xếp hạng.
Ở đấu trường quốc tế, thành tích đáng ghi nhận nhất là lần vào chung kết liên khu vực AFC Cup 2019. Để góp mặt ở trận này, thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm đã vượt qua những tên tuổi lớn của bóng đá khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Cũng ở mùa giải này, thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm còn suýt đánh bại Shangdong Luneng trong trận thua ngược 1-4 trên sân khách tại vòng play-off AFC Champions League.
Thành Lương, Văn Quyết, Quang Hải - đại diện cho 3 thế hệ đang cùng sát cánh ở CLB Hà Nội. Ảnh: Quang Thịnh. |
Hai đội tuyển thu nhỏ
V.League 2010 là mùa giải đầu tiên HLV Phan Thanh Hùng về dẫn dắt đội bóng thủ đô và áp dụng sơ đồ 4-2-3-1. Trả lời Zing về thời gian này, ông chia sẻ: "Lý do tôi chọn sơ đồ này khá đơn giản. Khi tôi bắt đầu làm việc với đội bóng, nhận thấy chất lượng cầu thủ, con người hợp lý nên áp dụng thử nghiệm và gặt hái thành công. Thực ra, 4-2-3-1 hay 4-3-3 khá tương đồng và tôi cho đội bóng chơi cả hai sơ đồ".
Nhà cầm quân gốc Đà Nẵng đặt nền móng cho lối chơi áp đặt, thứ bóng đá từng khiến Shangdong Luneng của Marouane Fellaini khốn đốn ngay trên sân nhà. Ông cũng xây dựng CLB Hà Nội trở thành đội tuyển thu nhỏ trong giai đoạn 2012-2015.
Đó là quãng thời gian, theo Đỗ Hùng Dũng, các cầu thủ tuyến trẻ thường kháo nhau việc lên đội một Hà Nội T&T còn khó hơn lên tuyển Việt Nam. "Vì đội Hà Nội T&T lúc ấy có lẽ hay hơn tuyển quốc gia", Dũng kể trong bài viết gửi Zing hồi đầu năm 2020.
Đội hình CLB Hà Nội khi đó dưới tên Hà Nội T&T, với những cái tên chất lượng như Dương Hồng Sơn, Nguyễn Ngọc Duy, Nguyễn Quốc Long, Nguyễn Văn Quyết, Hoàng Vũ Samson có thể coi là "Đội tuyển Việt Nam thu nhỏ" đời đầu. Sau này, HLV Chu Đình Nghiêm, cựu trợ lý của ông Hùng, tiếp tục xây dựng được một "Đội tuyển Việt Nam thu nhỏ" thế hệ 2.
Đương kim vô địch V.League sở hữu hàng loạt cầu thủ chất lượng cao mà bất cứ đối thủ nào cũng thèm muốn. Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng, Đức Huy hay Thành Chung, Duy Mạnh và Đình Trọng đều có thâm niên "ăn cơm tuyển" từ lâu. Chưa kể, trong tay ông Nghiêm còn có Văn Quyết, Thành Lương và dàn ngoại binh.
Trong 10 năm, CLB Hà Nội giành 5 chức vô địch để trở thành đội bóng giàu thành tích nhất kỷ nguyên V.League. Ảnh: Minh Chiến. |
Thành công đến từ nỗ lực không ngừng
CLB Hà Nội gặt hái nhiều thành tích không bởi cách làm bóng đá theo kiểu vung tiền mua thành tích (thu hút những cầu thủ chất lượng, mua sắm ngoại binh khủng...). Một thập niên góp mặt tại V.League, vẫn có những thương vụ, thậm chí gây chấn động, nhưng đều phục vụ mục đích làm bóng đá lâu dài của đội bóng này.
HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ ông nhận lời về dẫn dắt CLB Hà Nội bởi cảm nhận được tâm huyết của bầu Hiển. Ông nhận xét CLB Hà Nội T&T trước đây và nay là CLB Hà Nội không chỉ có tiềm lực tài chính vững mạnh. "Bầu Hiển là người có tầm nhìn, không tiếc tiền đầu tư dài hơi, kiên trì và có mục đích rất rõ ràng", ông nói.
Đồng quan điểm, BLV Quang Tùng cho rằng yếu tố quan trọng nhất để CLB Hà Nội trở thành hình mẫu lý tưởng như hiện nay đến từ tầm nhìn cùng với sự kiên trì. Thay vì đổ tiền để chiêu mộ những ngôi sao đang nổi, họ đầu tư căn cơ và xây dựng được hệ thống đào tạo trẻ đồng bộ với đội một. Các tuyến trẻ của nhà đương kim vô địch V.League từ lâu đã trở thành thế lực ở bất cứ giải đấu nào họ tham gia, với nhiều chức vô địch quốc gia.
"Trong lịch sử V.League, nhiều đội bóng đến rồi đi, nổi lên rồi lại chìm nghỉm, gây tiếng vang rồi biến mất khỏi bản đồ bóng đá. CLB Hà Nội thì khác. Từ khi được thành lập, họ cho thấy tham vọng xây dựng đội bóng một cách dài hơi và đến nay họ đã làm được điều đó", BLV Quang Tùng bình luận.
Trong quá trình phát triển của CLB Hà Nội, có thời điểm đội bóng này bị coi là "con ghẻ" khi có 4 CLB đóng quân tại thủ đô còn đội bóng của bầu Hiển lại "sinh sau đẻ muộn" nhất. Dù vậy, 3 đối thủ còn lại, vì nhiều lý do, không còn giữ được vị thế hoặc biến mất.
Giai đoạn 2010-2012, bóng đá Việt Nam có nhiều biến động và những cuộc chuyển giao, xóa sổ, bỏ giải lần lượt đến. Hà Nội T&T lúc bấy giờ được thừa hưởng rất nhiều từ những biến động đó. Thành Lương hay Văn Quyết là những điển hình.
Theo BLV Quang Tùng, đó là sự may mắn của CLB Hà Nội. Song, may mắn không phải tự nhiên mà đến và nhìn lại suốt quá trình dài, những gì đại diện thủ đô đang có là điều hợp lý.
"Nhìn lại tất cả hành trình của CLB Hà Nội, với những gì họ đã và đang đạt được, tôi cho rằng đều là thành quả xứng đáng với những nỗ lực, sự đầu tư và thái độ làm việc của họ. Tôi tin CLB Hà Nội sẽ còn thành công hơn nữa trong tương lai, xứng đáng là mô hình tiêu biểu của V.League", Quang Tùng nói.
Thành tích đáng kể của CLB Hà Nội ở đấu trường trong nước. Đồ họa: Minh Phúc. |