Cụ thể, CLB Hà Nội sẽ phải thi đấu trên sân không có khán giả ở vòng 23 gặp Viettel (15/9) và vòng 25 gặp Quảng Nam (6/10). Đội bóng thủ đô cũng phải nộp phạt 70 triệu đồng do sự cố pháo sáng, thêm 15 triệu đồng do cổ động viên có lời nói, cử chỉ quá khích, ném đồ vật xuống sân.
Pháo sáng trong trận CLB Hà Nội - Nam Định hôm 11/9. Ảnh: Kiệt Trần. |
CLB Nam Định cũng bị phạt 85 triệu đồng vì lỗi tương tự. Đặc biệt, cổ động viên Nam Định bị cấm đến sân khách hai trận kế tiếp với Khánh Hòa (vòng 24, ngày 21/9) và Sài Gòn (vòng 26, ngày 19/10).
Trao đổi với Zing.vn, Trưởng Ban kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành cho biết do CLB Hà Nội chỉ còn hai trận sân khách mùa này nên án phạt hai trận là phù hợp: “Nếu CLB Hà Nội còn ba trận thì chúng tôi sẽ phải tính toán. Tuy nhiên, theo quy định của luật, án phạt hai trận hiện nay là phù hợp”.
Về án phạt dành cho cổ động viên Nam Định, ông Thành cho biết trách nhiệm không cho cổ động viên Nam Định vào sân sẽ thuộc về ban tổ chức trận đấu địa phương. Mùa 2017, cổ động viên Hải Phòng cũng từng bị cấm tới sân sau một vụ pháo sáng tương tự tại sân Mỹ Đình, cũng ở một trận đấu với CLB Hà Nội.
Án phạt của ban kỷ luật tới sau sự cố pháo sáng diễn ra trong trận CLB Hà Nội thắng Nam Định 6-1 ở vòng 22 V.League hôm 11/9 vừa qua. Trong sự cố này, nhiều quả pháo sáng đã được đốt bởi cổ động viên Nam Định. Một trong số đó ném thẳng từ khán đài B sang khán đài A, khiến một nữ cổ động viên bị thương, phải đưa đi viện cấp cứu.
VFF, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và lãnh đạo CLB Hà Nội, Nam Định đều đã lên tiếng chỉ trích hành động đốt pháo sáng, gây nguy hiểm cho người khác ở trận đấu vừa qua đồng thời khẳng định sẽ có một án phạt rất nặng.
Phản ứng hoảng loạn của một cổ động viên nữ sau sự cố pháo sáng ở Hàng Đẫy hôm 11/9. Ảnh: Kiệt Trần. |
Trao đổi với Zing.vn hôm 12/9, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nói: “Ban điều hành giải đã xuống tận CLB Hà Nội làm việc riêng về công tác an ninh, nhưng họ lại không thực hiện. Các sân khác làm rất chặt chẽ, ban tổ chức trận đấu là nơi chịu trách nhiệm, địa phương nào cũng làm nghiêm túc, nhưng không có đơn vị nào vô trách nhiệm như CLB Hà Nội”.
“Các địa phương khác không bao giờ như vậy. Mỗi khi làm công tác an ninh là các đơn vị của tỉnh vào cuộc luôn như ở Nam Định, Quảng Ninh”, ông Tú nhấn mạnh.
Đại diện CLB Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hội, cũng gửi lời xin lỗi sau sự cố: “Đầu tiên, tôi xin lỗi người hâm mộ, cổ động viên nữ và chiến sĩ bị thương trong trận đấu vừa qua. Đó là thiếu sót của chúng tôi. Qua đây, tôi cũng mong cơ quan chức năng làm việc, siết chặt công tác an ninh để mang lại bóng đá sạch”.
Ông Hội cho rằng điều kiện cơ sở vật chất và việc Hà Nội còn phải tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa khác là phần nào lý do dẫn tới việc không thể đảm bảo công tác an ninh tại Hàng Đẫy. Ông bày tỏ: “Chỉ CLB Hà Nội thì không thể ngăn chặn nạn pháo sáng. Để làm được việc này, chúng tôi cần sự chung tay của mọi người và các bên liên quan”.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cũng có văn bản gửi VFF và VPF về việc xử lý và ngăn chặn tình trạng đốt pháo sáng tại các giải bóng đá trong nước. Bộ cũng yêu cầu các sân vận động phải lắp máy ghi hình trong thời gian tới nhằm nâng cao công tác an ninh, phục vụ người hâm mộ tốt hơn.